Trống đồng Kính Hoa – Bảo vật quốc gia
(Xây dựng) – Hà Nội vào thu, nhiều đường phố rợp cờ hoa gợi nhớ không khí sục sôi những ngày này cách nay 77 năm. Khi toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, vùng lên lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong ánh nắng dịu mát, tôi ghé thăm nhà kỹ sư Nguyễn Văn Kính – một trong những nhà khoa học – doanh nhân nổi tiếng trong nghề trồng hoa Lan ở nước ta. Nhưng không phải để ngắm hoa Lan, mà để chiêm bái một bảo vật quốc gia: Trống đồng Kính Hoa.
Người không quen thân với anh Nguyễn Văn Kính hẳn không nghĩ rằng trong ngôi nhà của anh, bình thường như nhiều ngôi nhà khác, có một “bảo vật quốc gia”. Tôi đã có dịp “sờ tận tay day tận mặt” phiên bản trống đồng Ngọc Lũ – một trống đồng Đông Sơn nổi tiếng – nước ta tặng Liên hợp quốc (tháng 10/1995). Vậy mà lần đầu tiên được thấy “Trống đồng Kính Hoa”, không khỏi ngỡ ngàng trước vóc dáng to lớn của trống (đường kính trung bình mặt trống: 89,0cm; đường kính chân trống: 98,5cm; chiều cao thân trống: 59,5cm; chiều cao của quai trống: 9,6cm; Cân nặng: 110kg…). Điều đặc biệt đây là một trống đồng Đông Sơn thật, còn khá nguyên vẹn. Và người có cơ duyên có được, kỹ sư Nguyễn Văn Kính còn chỉ cho chúng tôi “các dấu vải còn rõ nét dính trên mặt trống đồng”, tương tự các dấu vải trên những đồ đồng đã được khai quật trong các địa điểm khảo cổ nổi tiếng như Làng Vạc (Nghệ An), Gò Quê (Quảng Ngãi), Động Cườm (Bình Định)… Những dấu vải nhỏ bé này còn sót lại, trong khi mà cả tấm vải lớn hơn đã bị mủn nát và hòa vào lòng đất theo năm tháng. Riêng những dấu vải này đã kể cho chúng ta biết về công nghệ dệt, về một thời tổ tiên chúng ta không còn ăn lông ở lỗ nữa mà đã dệt vải làm quần áo. Và cái quan trọng hơn nữa là nó như một “con tem bảo hành” chứng minh việc trống còn nguyên gốc.
Trống đồng Kính Hoa được Thủ tướng Chính phủ ngày 31/12/2020 ký quyết định công nhận là “bảo vật quốc gia” (đợt 9) nên từ ngày đó, trống được bảo quản, lưu giữ theo quy định “bảo vật quốc gia” và chúng tôi cũng chỉ được chiêm bái qua một hòm kính dày. Kỹ sư Nguyễn Văn Kính tâm sự rất mộc mạc rằng “mình có duyên may” nên “tìm được trống”. Sau đó, ông đã nhờ một tập thể các nhà sử học, khảo cổ học… đứng đầu là GS.TS Trịnh Sinh giám định với những phương pháp, kỹ thuật khoa học và hiện đại nhất. Ngày tháng trôi nhanh và đến một ngày, tập thể các nhà khoa học, bằng bỏ phiếu kín, đã xác nhận rằng chiếc trống đồng, được đặt tên theo tên chủ nhân “Kính Hoa” là trống thật. Không khó để hình dung niềm vui của kỹ sư Nguyễn Văn Kính và các nhà khoa học khi hiển hiện trước mặt mình một chiếc trống đồng loại I Heger – người Việt Nam gọi là “Trống đồng Đông Sơn”…
Chạnh nhớ chuyện xưa: khi quân Hán Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ( năm 40 – 43 sau công nguyên) của nước ta, ngoài việc “đuổi cùng diệt tận”, chúng còn vơ vét mang về nước không biết bao nhiêu đồ đồng của người Việt, trong đó có trống đồng, rồi cho đúc một trụ đồng cắm xuống đất Việt với lời đe dọa “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, để rồi ngày nay, có lắm kẻ hậu duệ Mã Viện lu loa rằng “trống đồng loại Heger là của họ”.
Chỉ có điều “đồng trụ chiết” nhưng nước Việt Nam ngày nay đang vươn lên mạnh mẽ.
Là người ngoại đạo, chúng tôi đành mượn nhận xét của các nhà khoa học mà chép ra đây: Trống đồng Kính Hoa mang theo nhiều vẻ đẹp nổi trội về mặt mỹ thuật với những hình khắc các động vật sinh động, chưa từng xuất hiện trên các trống khác. Trống là tuyệt tác về mặt kỹ thuật đúc với đường nét trang trí tinh xảo… Chiếc trống đã giúp các nhà khoa học dựng nên được một phần bức tranh lịch sử thời bấy giờ về cảnh quan vùng châu thổ sông Hồng, về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ, chủ nhân đúc và sử dụng trống Kính Hoa nói riêng và những chiếc trống đồng được mệnh danh là “trống Đông Sơn” nói chung.
Chỉ xin chép ra đây một góc của bức tranh:
Trên mặt trống Kính Hoa có hình khắc một loài động vật đuôi dài, đó là con sam, sống ở ven biển. Với sự khắc họa loài sam ở riêng một vành gồm 10 con trên mặt trống Kính Hoa cho thấy môi trường, cảnh quan của cư dân Đông Sơn phải là môi trường cận biển, nhiều cát và bùn lầy. Họ đã quá quen thuộc với việc đánh bắt loại hải sản này để làm thức ăn. Hình sam được họ miêu tả khá chân thực từ phần thân, các chi hai bên và đuôi dài. Điều này còn được chứng minh bởi hình cá sấu có mặt trên tang trống đồng Kính Hoa. Qua hoa văn khắc họa loài sam và cá sấu cho thấy môi trường đồng bằng Bắc bộ bấy giờ khác với hiện tại. Đó là môi trường nhiều bùn nhiều sông rạch và cận biển. Điều này còn chứng minh chính những cư dân Đông Sơn với môi trường cận biển mới là người đúc trống Kính Hoa, phản ánh cuộc sống, cảnh quan của vùng đất mà họ sống lên hoa văn trống đồng chứ không phải là cư dân vùng núi cao xa biển đã đúc trống đồng và mang đến vùng Bắc bộ nước ta.
Năm 2021, nhóm các nhà khoa học đã tham gia vào việc nghiên cứu “trống đồng Kính Hoa” đã dày công biên soạn và cho ra mắt bạn đọc một cuốn sách quý “Trống đồng Kính Hoa – Bảo vật quốc gia Việt Nam” (nhà xuất bản Thế giới) với phần lời bằng hai thứ tiếng Việt – Anh và hàng trăm ảnh chụp ở mọi khía cạnh “trống đồng Kính Hoa”.
Trong “Lời nói đầu”, thay mặt nhóm tác giả, GS.TS Trịnh Sinh nêu rõ: “Trước tiên là chúng tôi muốn công bố tư liệu ở mức tối đa: các kích thước, bản vẽ, bản ảnh, bản dập hoa văn cùng với sự khảo tả chi tiết. Hy vọng những tư liệu gốc này sẽ có giá trị cho các nhà khoa học trong và ngoài nước trong việc nghiên cứu một trong những chiếc trống đồng đẹp nhất của cư dân Đông Sơn. Càng nghiên cứu chúng tôi càng thấy quả là cư dân Đông Sơn, tổ tiên chúng ta là một cư dân tài giỏi trong việc đúc trống, điều mà không một cư dân Đông Nam Á thời cổ đại đúc được những sản phẩm “công nghệ” cao đến nhường vậy. Họ còn là những người yêu đời, yêu cảnh quan thiên nhiên và hòa mình với quần thể động vật xung quanh. Thực sự họ là những người có tâm hồn lãng mạn, cuộc sống tinh thần phong phú thể hiện qua từng nét hoa văn”.
Nâng trên tay cuốn sách khổ lớn (26x35cm), dày hơn 300 trang, in trên giấy tốt, bìa cứng bọc vải, nẹp đồng, chúng tôi càng trân trọng công sức bỏ ra của kỹ sư Nguyễn Văn Kính và tập thể các nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu, khẳng định giá trị “quốc bảo” của trống đồng Kính Hoa. Ông Nguyễn Văn Kính cho biết, cuốn sách này sẽ đi kèm với việc trưng bày, phổ biến cho công chúng Việt Nam và thế giới một bảo vật được làm ra từ bàn tay, khối óc của người Việt.
Tò mò và cũng là một thắc mắc, tôi hỏi kỹ sư Nguyễn Văn Kính: Vậy thì bao giờ ước mơ ấy thành hiện thực? Kỹ sư Nguyễn Văn Kính cho biết: chúng tôi đã tiến hành thiết kế một bảo tàng trưng bày các loại trống đồng Việt Nam, trong đó phòng trưng bày “bảo vật quốc gia Trống đồng Kính Hoa” được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn bảo vệ một “quốc bảo”. Cũng đã nhắm sẵn một khu đất để xây dựng bảo tàng. Về tài chính cũng đã cân đối…
Việc tiến hành dự án… sẽ tùy tình hình. Muôn việc đều đủ, chỉ còn “thiếu gió Đông” mà thôi.
Mong rằng trong một ngày không xa, bảo vật quốc gia “trống đồng Kính Hoa” sẽ được công chúng xa gần “ chiêm bái”.
Hà Nội “tháng Tám trời mạnh thu”.
Nguồn: Báo xây dựng