Tham vấn các giải pháp vì sông Mekong không rác

Tham vấn các giải pháp vì sông Mekong không rác

Hải Thanh –  Thứ hai, 12/09/2022 15:10 (GMT+7)

Ngày 08/09 tại Đại học Cần Thơ, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn (RECERD) tổ chức hội thảo tham vấn các giải pháp vì sông Mekong không rác.

Tham vấn các giải pháp vì sông Mekong không rác - Ảnh 1
Đại biểu tham dự hội thảo

Đây là hoạt động nằm trong Dự án Vì sông Mê Kông không rác – Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ do Công ty TNHH Dow Chemical Vietnam (Dow Việt Nam) tài trợ và được thực hiện bởi GreenHub và RECERD với sự ủng hộ và đồng hành của Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Cần Thơ và chính quyền địa phương hai Quận Bình Thủy và Cái Răng.

Đến tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện đến từ Viện kinh tế xã hội Cần Thơ – bà Cao Thị Minh Thảo; ông Lê Anh Tuấn – khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên trường Đại học Cần Thơ; ông Nguyễn Văn Khánh – UBND quận Bình Thuỷ; ông Từ Hữu Tài – Văn phòng UBND quận Cái Răng; đại diện các sở Tài nguyên môi trường, sở Xây dựng, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch; thành Đoàn Cần Thơ; phòng TNMT quận Cái Răng và quận Bình Thuỷ; hội phụ nữ quận Cái Răng và quận Bình Thuỷ; giảng viên các ngành môi trường và nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ và Nam Cần Thơ; cùng với đại diện các đoàn, hội địa phương và sinh viên đại học Cần Thơ…

Tại Hội thảo, Bà Trần Thị Hoa – Giám đốc dự án đã chia sẻ những nội dung của kết quả khảo sát hệ thống thu mua và tái chế nhựa tại cơ sở thu mua, cơ sở tái chế và dòng luân chuyển của nhựa phế liệu tại thành phố Cần Thơ. Kết quả khảo sát cho thấy mạng lưới các cơ sở thu mua phế liệu bao phủ hầu như toàn bộ thành phố. Đặc biệt, quận Trà Nóc tập trung nhiều cơ sở thu mua nhất trong năm quận khảo sát. Song, các cơ sở thu mua phế liệu có thể được chia thành 2 cấp độ: Cơ sở thu mua sơ cấp và Cơ sở thu mua thứ cấp. Bên cạnh đó, tại thành phố Cần Thơ các cơ sở tái chế đều sử dụng các công nghệ đơn giản; điều kiện lao động và môi trường tại các cơ sở này thường không đảm bảo, tiềm ẩn các nguy cơ đến sức khỏe người lao động và môi trường xung quanh.

Theo bà Mai Hà Thanh Uyên, Giám đốc Phát triển bền vững Ngành đóng gói bao bì và nhựa chuyên dụng của Dow tại Khu vực Đông Nam Á, mục tiêu quan trọng của dự án là đề ra phương pháp quản lý, thu gom và phân loại tại các khu vực chợ nổi Cái Răng và Cồn Sơn và nhấn mạnh “để mô hình dự án thành công và phát triển bền vững cần phải hình thành một chuỗi giá trị kết nối lợi ích kinh tế của các bên liên quan trong dự án .”

tm-img-alt
Bà Trần Thị Hoa – Giám đốc dự án “Vì sông Mekong không rác – Thí điểm mô hình Kinh tế tuần hoàn”

Các đại biểu tham dự hội thảo tham vấn đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý và giải pháp hạn chế rác thải trên sông như: hiện trạng quản lý chất thải rắn trên địa bàn chợ nổi Cái Răng và Cồn Sơn, các giải pháp quản lý hiệu quả hơn trong thời gian tới, các vấn đề về rác thải trong hộ gia đình và một số giải pháp xử lý, mô hình “Vòng tròn chuối” – hình thức nông nghiệp tái sinh tuần hoàn.

Chia sẻ về ý tưởng hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần cho các công ty du lịch, Thạc sĩ Hồng Cẩm Ngân – Giảng viên Khoa Kiến Trúc – Xây dựng & Môi trường của Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng: “Nên dùng các bình nước có thể sử dụng nhiều lần cho khách tham quan du lịch vừa hạn chế được lượng rác thải nhựa ra môi trường vừa có thể làm sản phẩm để khách du lịch có thể làm quà lưu niệm cho du khách”.

Ông Nguyễn Trường Thành – Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, trường Đại Học Cần Thơ cho rằng, ba vấn đề đáng quan tâm trong công tác quản lý rác thải trên sông hiện nay là: đối tượng, truy xuất nguồn gốc của rác và kinh tế.

Bên lề Hội thảo, Ban Tổ chức đã tổ chức giới thiệu và trưng bày các sản phẩm nước tẩy rửa được làm từ phụ phẩm rau và trái cây; các sản phẩm được làm từ rác thải nhựa và mô hình nhà vệ sinh khô giảm rác thải hữu cơ trên chợ nổi Cái Răng.

tm-img-alt
Các sản phẩm được làm từ rác thải nhựa và nước tẩy rửa sinh học

Cũng tại buổi hội thảo, các đại biểu đã tham gia góp ý làm rõ về phương án tiếp cận cũng như các kết quả ban đầu của Dự án. Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn đã tiếp thu và ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự. Dự án “Vì sông Mê Kông không rác – Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn trên các chợ nổi tại Cần Thơ” hy vọng góp phần làm cho chợ nổi Cái Răng và Cồn Sơn ngày càng sạch đẹp, trở thành những điểm du lịch nổi bật của TP. Cần Thơ.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích