Ngăn chặn dị ứng thực phẩm nhờ vi khuẩn phân tử chất béo

Phát hiện mới cho thấy, phương pháp này có thể ngăn chặn phản ứng phản vệ này ở những người bị dị ứng thực phẩm và thậm chí có thể ngăn chặn sự phát triển dị ứng của con người ngay từ đầu.

Sốc phản vệ thường bao gồm buồn nôn, đau bụng, khó thở hoặc khó nuốt. Trong thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu phát hiện được, một phân tử chất béo có tên gọi là butyrate, do vi khuẩn đường ruột sản xuất có thể làm giảm các phản ứng dị ứng sốc phản vệ ở chuột. Những người bị dị ứng thực phẩm dường như cũng có ít vi khuẩn sản xuất butyrate hơn những người không bị dị ứng. Phát hiện này cho thấy, tăng cường butyrate có thể giúp cho người bệnh không bị sốc phản vệ.

Nhưng butyrate có thể có mùi rất khó chịu như mùi đồ ôi thiu, thực phẩm bị hỏng, khiến người dùng khó nuốt. Khi sử dụng qua đường uống, phân tử chất béo bị phân hủy trước khi đến ruột dưới, nơi diễn ra các tác dụng có lợi.

Phân tử chất béo butyrate sẽ làm giảm phản ứng của những người bị dị ứng đậu phộng 

TS Shijie Cao thuộc Đại học Chicago ở Illinois và nhóm nghiên cứu của ông đã phát triển một phương pháp che giấu mùi hôi của butyrate và đưa phân tử xuống phần ruột dưới, đóng gói các phân tử chất béo trong những viên nang hình cầu được gọi là micelle đường kính 30 nanomet. TS Cao, trình bày công trình nghiên cứu khoa học tại cuộc họp của Hiệp hội Hóa học Mỹ ở Chicago vào ngày 21/ 8, cho biết: “Chúng tôi đã phát triển nền tảng phân phối thuốc này, đó là các micelle cao phân tử để cung cấp butyrate đến ruột điều trị dị ứng thực phẩm”.

Nhóm nhà nghiên cứu điều trị 80 con chuột bằng thuốc kháng sinh để giảm mức độ vi khuẩn đường ruột sản xuất butyrate, sau đó gây dị ứng đậu phộng (lạc) nghiêm trọng bằng cách cho ăn protein đậu phộng cùng với một chất độc kích thích miễn dịch trong 4 tuần. Sau đó, các nhà khoa học cho một nửa nhóm chuột uống micelles 2 lần một ngày trong hai tuần, nửa nhóm còn lại uống dung dịch nước muối làm đối chứng. Tất cả các con chuột đều ăn 1 miligam protein đậu phộng.

Những con chuột đối chứng phát triển phản vệ do protein đậu phộng, đo được bằng sự giảm nhiệt độ cơ thể và tăng hoạt động miễn dịch, những con chuột được uống micelles thì không. TS Cao nhấn mạnh, rõ ràng butyrate đã ngăn ngừa phản vệ.

Sử dụng phương pháp phân tích vi khuẩn trong phân chuột trước và sau khi điều trị, nhóm nghiên cứu phát hiện, các micelle mang butyrate thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn sản xuất butyrate. Phát hiện này cho thấy quá trình điều trị đã làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột để sản xuất nhiều butyrate hơn.

TS Cao nói: “Nghiên cứu tiếp theo đang hướng tới việc tạo ra một vị trí thích hợp cho những vi khuẩn khỏe mạnh phát triển, sử dụng phương pháp điều trị này để người bệnh không cần phải sử dụng micelles để chống lại dị ứng thực phẩm trong thời gian dài.”

Nhóm nghiên cứu tin tưởng rằng, phương pháp điều trị này có thể được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển các loại dị ứng thực phẩm ở con người ngay từ đầu. Phương pháp chữa trị này hiệu quả với bất kỳ chất gây dị ứng thực phẩm nào. Có thể đóng gói các micelles và tiêu thụ bằng đường uống.

GS Charles Mackay tại Đại học Monash ở Melbourne, Úc cho biết, các axit béo chuỗi ngắn như butyrate hoàn toàn có thể ngăn ngừa dị ứng thực phẩm. Nghiên cứu này có thể có tác động rất lớn nếu các phương pháp điều trị có hiệu quả trên người. Cần phải thử nghiệm cụ thể hơn nữa để đánh giá và tìm giải pháp đưa vào lâm sàng. Các phương pháp điều trị hiện nay thiếu thuyết phục và không triệt để ngăn chặn sốc phản vệ.

Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích