Đà Lạt: Từ ban sơ đến rực rỡ, từ rực rỡ đến mớ hỗn độn

Đà Lạt: Từ ban sơ đến rực rỡ, từ rực rỡ đến mớ hỗn độn

MTĐT –  Chủ nhật, 11/09/2022 10:42 (GMT+7)

Sang năm, năm 2023, Đà Lạt tròn 130 tuổi. Thành phố không cổ nhưng cũng mang trong mình đủ chiều dài lịch sử, đủ nét đặc sắc từ Quy hoạch đến Kiến trúc, Cảnh quan để có thể được trở thành một đô thị di sản.

Vậy nhưng với sự mất kiểm soát trong quản lý xây dựng mà Đà Lạt đã mất đi rất nhiều giá trị của mình. Trận lụt ngày 1/9/2022 vừa qua như là đỉnh điểm, là mốc đánh dấu sự mất kiểm soát của đô thị này.

Đà Lạt: Từ ban sơ đến rực rỡ

Đà Lạt: Từ ban sơ đến rực rỡ, từ rực rỡ đến mớ hỗn độn - Tạp chí Kiến Trúc

Nhìn lại lịch sử Đà Lạt 129 năm qua có thể nhìn thấy rất rõ sự phát triển rực rỡ của Đà Lạt mà bắt đầu từ bản Quy hoạch lần đầu tiên năm 1923 của KTS. Hébrard và hoàn chỉnh bằng bản quy hoạch lần 2 của Kts. Lagisquet (dựa theo đề xuất quy hoạch chỉnh trang trước đó của Kts. Pineau) năm 1943. Từ 1943 đến 1975 là quá trình hoàn thiện giấc mơ Đà Lạt đúng theo 2 đồ án quy hoạch trên. Các công trình kiến trúc có định hướng quy hoạch nhưng lại rất sáng tạo, mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc có giá trị. Cả thành phố là bức tranh thành phố trong rừng cây và rừng trong thành phố. Những ngôi nhà có đỉnh mái không quá ngọn thông, nhưng tháp chuông Nhà thờ là điểm cao nhất để định hướng cảnh quan… Tất cả nhìn về thung lũng, nhìn về Hồ Xuân Hương và tất cả đều nhìn thấy đỉnh Lang Biang (tuân theo bản quy hoạch lần 2 đã có xác định “vùng bất kiến tạo”- là vùng không xây dựng để giữ được hướng nhìn lên đỉnh lang Biang. Những giá trị tạo nên nét đặc trung của Đà Lạt đúng là từ quy hoạch theo địa hình, quy hoạch từ một vùng đất trống nên dễ tạo được một tác phẩm lãng mạn thật sự. (Cũng phải nói thêm về vị KTS trẻ đang thành công ở Châu Âu được cử sang Đông Dương rồi thành KTS trưởng Đông Dương- Kts Hebrard, Ông đã được toàn quyền Paul Doumer giao nhiệm vụ thiết kế đô thị nghỉ dưỡng cho người Pháp. Vì với chức năng, nhiệm vụ của đồ án thuần túy là nghỉ dưỡng mà lại trên thảo nguyên hoang sơ, chưa có nhà cửa, chỉ có những con đường mòn người Lạch di chuyển, nên xem ra ngay từ đầu nó đã không bị bó buộc về thiết kế, về ý tưởng như Sài Gòn hay Hà Nội, Hải Phòng, Vinh).

Từ Hebrard đến Lagisquet là sự phát triển lên, vừa kế thừa những giá trị của đồ án quy hoạch 1923, vừa thay đổi về quan điểm kiến trúc: Không chỉ mang những công trình đẹp nhất của Châu Âu đưa qua Đà Lạt mà Đà Lạt cần có vẻ đẹp riêng, có tính bản địa. Chính vì vậy mà đã có hàng loạt các công trình chỉ ở Đà Lạt mới có. Các dinh thự, biệt thự đều có cách thiết kế nương theo địa hình, lấy cảm hứng từ địa hình, nhất là yếu tố mái dốc, sảnh đón, cửa sổ, ban công… Các chi tiết trang trí, độ dốc, hình dáng mái đã tạo ra những tác phẩm kiến trúc như tranh vẽ ẩn hiện trong thiên nhiên. Mật độ xây dựng thấp, cây xanh nhiều nên giúp cho thành phố giữ được nhiệt độ, độ ẩm lý tưởng để nó luôn trong sương.

Sau khi người Pháp rời khỏi Đông Dương, Đà Lạt chỉ còn vai trò một thành phố du lịch, không còn giữ chức năng “thủ đô mùa hè” như giai đoạn trước đó. Từ năm 1954 đến năm 1963, chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm có kế hoạch phát triển Đà Lạt khá quy mô, xây dựng các công trình văn hóa nghệ thuật, cơ sở hạ tầng đô thị được chỉnh trang, nâng cấp. Đà Lạt vẫn giữ nguyên định hướng phát triển du lịch và nông nghiệp.

Đà Lạt: Từ ban sơ đến rực rỡ, từ rực rỡ đến mớ hỗn độn - Tạp chí Kiến Trúc

Từ 1964 – 1975. Dự án phát triển Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng được tiến hành trong một thời gian ngắn thì gián đoạn. Tuy vậy, một số công trình dân sự cũng xuất hiện trong khoảng thời gian này. Du lịch thành phố thời kỳ này không còn nhộn nhịp như giai đoạn trước đó do chiến tranh. Thành phố trở thành nơi nghỉ mát của giới thượng lưu và sỹ quan, quan chức có thế lực của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Các công trình thời kỳ này do các kiến trúc sư Việt Nam đi học Phương Tây về hoặc được đào tạo tại Đại học kiến trúc Sài Gòn thiết kế. Kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ nét riêng của đô thị nghỉ dưỡng với những lối thiết kế phóng khoáng, vẫn lựa theo địa hình. Ở mức độ nào đó ta vẫn thấy nét tiếp biến từ thời kỳ kiến trúc Pháp cho đến thời điểm 1975.

Và từ rực rỡ đến mớ hỗn độn

Đồ án quy hoạch của Lagisquet năm 1943 chỉ dự kiến mức tăng dân số của Đà Lạt khoảng 80 nghìn người. Thế nhưng Đà Lạt có tốc độ phát triển dân số quá nhanh. Năm 1975, dân số Đà Lạt đã phát triển đúng như tầm nhìn của bản quy hoạch. Từ năm 1975 đến nay, số dân đã tăng gần gấp 5,3 lần con số dự kiến tăng trưởng của bản QH- với 425 nghìn người (năm 2020)

Đà Lạt: Từ ban sơ đến rực rỡ, từ rực rỡ đến mớ hỗn độn - Tạp chí Kiến Trúc

Năm 2014, bản quy chung xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QH.704) có đề xuất đến việc phát triển ra bên ngoài, nhưng khi thực thi lại không đạt được. Hơn nữa trong bản quy hoạch này, Đà Lạt bị thêm rất nhiều gánh nặng: “XD Đà Lạt thành đô thị du lịch, văn hóa, khoa học, sinh thái, hiện đại, có đẳng cấp quốc gia và quốc tế…” (trích Quy hoạch chung Đà lạt- QH.704, năm 2014). trong khi bản thân nó đang phải cố gắng giữ được tính chất của đô thị di sản. Gánh nặng này đương nhiên Đà Lạt không thể kham nổi.

Những tác động rất lớn từ quy mô dân số, tự sự mất kiểm soát về quản lý hoạt động xây cất nhà cửa, hoạt động bảo tồn cũng manh mún, cầm chừng và đặc biệt là việc giao đơn vị tư nhân quy hoạch chi tiết với chất lượng thấp, chủ yếu các đồ án bị biến tướng so với quy hoạch chung. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến sự xa dần mục tiêu ban đầu của các bản quy hoạch Đà Lạt trước đây. Đà Lạt bắt đầu mờ nhạt, dần dần trở thành mớ hỗn độn.

Từ một Đà Lạt mát lạnh thành 1 Đà Lạt nóng gần như Sài Gòn. Đà Lạt từ “phố trong rừng, rừng trong thành phố” đã trở thành một đô thị đầy kính và bê tông. Từ Đà Lạt với kiến trúc châu Âu và bản địa rất đặc thù trở thành một đô thị nhòe nhoẹt, giống bất cứ đô thị nào ở Việt Nam. Từ một Đà Lạt với những hồ, thác, suối Cam ly trong vắt chảy qua, nay Đà Lạt với những con suối ô nhiễm, nặng mùi tới mức nhiều đoạn người dân phải tự bít, lấp nó lại. Từ một Đà Lạt với thông và sương, nay những ngọn thông mất dần, mất rất nhanh và sương cũng biến mất từ sáng tinh mơ.

Đà Lạt: Từ ban sơ đến rực rỡ, từ rực rỡ đến mớ hỗn độn - Tạp chí Kiến Trúc

Ta từng tự hào về những giá trị nêu trên, người Đà Lạt từng sống nhờ những giá trị đó. Nhưng bằng nhiều cách khác nhau, từng giá trị đã bị chết đi. Thật tiếc thay cho Đà Lạt.

Giá như, thật ra rất tiếc phải nói từ “giá như”. Nhưng giá như khi bắt đầu có những cuộc di dân lớn sau 1975, Đà Lạt có những bản quy hoạch vùng vệ tinh để ngăn chặn quá tải trung tâm di sản ngay từ đầu. Nếu có những vùng tuyệt đối cấm xây cao tầng, giữ mật độ xây dựng vừa phải để giữ linh hồn Đà Lạt thì không những ta có đô thị di sản 130 tuổi, lại vừa có 1 Đà Lạt 2 hoặc 3 với tuổi 50, 30. Mỗi đô thị một nét riêng và kết nối với nhau để kéo dài thời gian của du khách lưu trú tại các vùng Đà Lạt.

Giá như vai trò nông nghiệp được đẩy bớt cho Di Linh, Đức Trọng… để bao quanh Đà Lạt vẫn chỉ là thông và hoa thì sẽ không có cảnh nhà kính, cảnh bê tông bủa vây thành phố này. Cây, cỏ thiên nhiên vẫn giữ nước mưa chậm lại và thấm xuống thì đâu có cảnh ngập lụt kinh khủng như ngày 1.9 vừa qua mà xem chừng những trận ngập như thế sẽ còn quay lại.

Đà Lạt: Từ ban sơ đến rực rỡ, từ rực rỡ đến mớ hỗn độn - Tạp chí Kiến Trúc

Bước đi nào tiếp theo cho Đà Lạt

Đà Lạt cần một bản quy hoạch hiện đại trong đó giải quyết được nhiều vấn đề, từ kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, quy hoạch thoát nước. Trong bản Quy hoạch này cần có riêng 1 quy hoạch di sản kiến trúc đô thị đi song song. Xác định di sản vẫn là giá trị cốt lõi để phát triển Đà Lạt. Muốn Đà Lạt phát triển bền vững thì phải giữ gìn được di sản và các đặc thù vốn có mà ngay từ đầu các kiến trúc sư người Pháp và sau này các kiến trúc sư Việt Nam trước 1975 đã thực hiện.

Đà Lạt: Từ ban sơ đến rực rỡ, từ rực rỡ đến mớ hỗn độn - Tạp chí Kiến Trúc

Trước mắt, một lần nữa Đà Lạt cần tập hợp các chuyên gia, thực sự lắng nghe ý kiến từ các nhà chiến lược, nhà quản lý, nhà chuyên môn (quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng, kinh tế, văn hóa…) và họ độc lập tham gia, không dưới tác động của một nhà đầu tư, của nhóm lợi ích nào.

Đà Lạt: Từ ban sơ đến rực rỡ, từ rực rỡ đến mớ hỗn độn - Tạp chí Kiến Trúc
Đà Lạt: Từ ban sơ đến rực rỡ, từ rực rỡ đến mớ hỗn độn - Tạp chí Kiến Trúc

Đà Lạt cần nghe ý kiến của người trẻ. Hiện rất nhiều người trẻ từ Đà Lạt đi du học nhiều nơi nay quay về sinh sống, làm việc tại Đà Lạt. Họ đang là nguồn nhân lực rất mạnh về sáng tạo, có thể đóng góp rất lớn nếu địa phương biết khai thác nguồn chất xám này. Những nhà khoa học trẻ, các nhà nghệ thuật, các nghệ sỹ ngày càng muốn tới đóng góp cho Đà Lạt. Nếu tập hợp được những nhân lực này và tạo cơ hội cho họ được trao đổi, đối thoại với chính quyền, tác giả bài viết tin rằng Đà Lạt sẽ có thể tìm được hướng đi đúng đắn, phát triển thực sự, đó là phát triển đi đôi với bảo tồn các giá trị di sản, giữ bản sắc Đà Lạt

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích