Hà Nội thí điểm làn đường riêng cho xe đạp, nên hay không?

Một thành phố nắng nóng vào mùa hè như Hà Nội có phù hợp với chính sách phát triển xe đạp không? Câu trả lời là có với một số điều kiện.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giai đoạn 2022-2025, trong đó đề ra việc nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.

Đây là một trong những nội dung đã được đề cập tại Nghị quyết 48 của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ giao cho Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM nhiều nhiệm vụ, bao gồm nghiên cứu thí điểm công việc nêu trên.

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng đã đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu thiết kế làn đường riêng cho xe đạp trên xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn. Đơn vị này cho rằng, xa lộ Hà Nội là trục giao thông chính, có cảnh quan đẹp, nhiều cây xanh, dọc hai bên có nhiều khu đô thị, trung tâm thương mại. Do đó, việc nghiên cứu tổ chức đường dành cho xe đạp là cần thiết.

Với thành phố Hà Nội, thông tin nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp đã nhận được những bàn luận sôi nổi, cả từ phía ủng hộ cũng như phản đối, cho dù đến nay chưa rõ “hình hài” của phương án này sẽ như thế nào.

Việc nhiều ý kiến cho rằng phát triển xe đạp không phù hợp với Hà Nội là dễ hiểu, vì điều kiện thời tiết Việt Nam nóng ẩm khác với châu Âu mát mẻ; thực trạng giao thông hỗn hợp, các tuyến đường chính trong đô thị đều quá tải, thường xuyên ùn tắc, khói bụi nên xe đạp là phương tiện rủi ro; việc sử dụng xe đạp sẽ rất khó khăn do thiếu tính kết nối với các phương tiện công cộng khác…

Hơn nữa, với thực tế vỉa hè dành cho người đi bộ còn… không có mà đi và những bất cập trong thí điểm xe buýt nhanh (BRT), nhiều người sẽ nghiêng về tâm lý phản đối; nhất là khi cái mới chưa được thông tin cụ thể, có lộ trình và tầm nhìn rõ ràng.

ha noi thi diem lan duong rieng cho xe dap nen hay khong
Người dân đạp xe qua Hồ Gươm (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Nhưng, nếu đặt việc nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp trong tổng thể các nhiệm vụ nhằm tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, chúng ta sẽ thấy tính hợp lý và cần thiết của phương án này. Đó là xu hướng phát triển hệ thống giao thông xanh và bền vững ở các đô thị; là ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy; thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố…

Rõ ràng, trong tương lai không xa, khi thành phố triển khai lộ trình cấm xe máy, hạn chế ô tô cá nhân thì sẽ thúc đẩy người dân đi bộ, đi xe đạp, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, qua đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn trong đô thị.

Xe đạp phù hợp cho di chuyển quãng ngắn, dưới 5km. Người dân di chuyển quãng dài cần có kết nối với các phương tiện công cộng khác như tàu điện, xe buýt. Do vậy, việc phát triển xe đạp nội đô là cần thiết trong chiến lược phát triển giao thông công cộng, với điều kiện cần gắn kết các loại hình phương tiện hỗ trợ nhau trong mạng lưới quy hoạch chung.

Về thời tiết, nhìn ra các nước trong khu vực, chúng ta thấy rằng Singapore có khí hậu nóng quanh năm dù không khắc nghiệt bằng mùa hè ở Hà Nội, song vẫn phát triển được mạng lưới đường dành cho xe đạp kết nối tới khắp mọi nơi và bạn có thể thuê xe đạp dùng chung. Được biết hiện nay Singapore có khoảng 500km đường dành cho xe đạp và đặt mục tiêu phát triển mạng lưới đường đi xe đạp trên toàn đảo quốc lên 800km trong 2 đến 3 năm tới, cuối cùng đạt mục tiêu khoảng 1.300km vào năm 2030.

Hà Nội tính ra sẽ có khoảng 4/12 tháng hè khó có thể đạp xe do thời tiết quá nắng. Với xe đạp truyền thống như lâu nay thì việc e ngại thời tiết và yêu cầu di chuyển quãng dài là đúng. Nhưng công nghệ thay đổi, hiện nay chúng ta không chỉ có một lựa chọn là xe đạp truyền thống mà có thêm xe đạp trợ lực bằng điện với nhiều mức giá đáp ứng các phân khúc khác nhau.

Khi chuyển sang xe đạp trợ lực bằng điện bạn khỏi lo việc phải đạp xe dưới trời nắng nóng 40-42 độ, còn nếu mát trời, dư dả thời gian thì đạp chân để thể dục. Đây cũng chính là một trong những cách để rèn luyện sức khỏe và góp phần giảm thải ô nhiễm khói bụi, vì một thành phố không tiếng ồn xe máy. Để khuyến khích, nhà nước có thể đưa ra cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư, cung cấp dịch vụ cho thuê xe sao cho chi phí đi xe đạp điện rẻ hơn đi xe máy.

Tính toán bài toán hạ tầng giao thông khi thí điểm làn đường riêng cho xe đạp là vấn đề khó khăn, phức tạp nhất. Thành phố vốn đất chật người đông, vào giờ cao điểm thì các phương tiện tràn lên cả vỉa hè cũng còn chưa đủ, nói gì đến làn dành riêng cho xe đạp. Mà không có làn riêng, sử dụng chung với các phương tiện cơ giới khác thì chạy xe đạp là rủi ro lớn.

Với thực trạng giao thông Hà Nội hiện nay, trước mắt việc thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp ở các tuyến giao thông chính đang quá tải có thể là nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên thành phố có thể tìm kiếm những tuyến phố khác phù hợp. Trong tương lai, quy hoạch các khu đô thị mới, kể cả các vùng nông thôn nên có làn đường riêng cho xe đạp. Thời bao cấp và trước đó, Hà Nội từng là thành phố xe đạp. Phương tiện này không xa lạ với chúng ta, vấn đề chỉ là giờ đây chúng ta bàn về xe đạp trong sự tiến bộ của công nghệ, trong xu hướng chung của giao thông đô thị cũng như để góp phần cải thiện sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích