Phân loại đô thị theo yếu tố đặc thù, bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Nghị quyết 1210 sau khi được ban hành đã trở thành công cụ quản lý quan trọng để đánh giá chất lượng đô thị. Sau 5 năm thực hiện, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận 5 đô thị loại I, 12 đô thị loại II. Bộ Xây dựng theo thẩm quyền đã ban hành quyết định công nhận đối với 20 đô thị loại III và 33 đô thị loại IV. UBND cấp tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 197 đô thị loại V…
Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 6 năm 2022, cả nước có 883 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV và 686 đô thị loại V.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu thể chế hóa các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 là thực sự cần thiết và cấp bách.
Trên cơ sở đó, lần sửa đổi này bổ sung mục đích và nguyên tắc phân loại đô thị. Quy định bổ sung nguyên tắc về việc phân loại đô thị được thực hiện trên cơ sở đặc điểm vùng miền và yếu tố đặc thù; phạm vi đánh giá, phân loại đô thị được công nhận phải đúng với phạm vi dự kiến hình thành đơn vị hành chính đô thị.
Đồng thời sửa đổi bổ sung quy định về phân loại đô thị áp dụng vùng miền và đặc thù. Theo đó, quy định rõ mức áp dụng khác nhau về một số tiêu chí, tiêu chuẩn như quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp…
Áp dụng phân loại đô thị theo yếu tố đặc thù: Quy định rõ mức áp dụng đối với các trường hợp đô thị, khu vực dự kiến hình thành đô thị: có đường biên giới quốc gia; ở hải đảo; thuộc địa bàn miền núi, vùng cao… Bổ sung quy định đối với các trường hợp việc phân loại đô thị thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đơn vị hành chính đô thị.
Bên cạnh đó là sửa đổi, bổ sung quy định về tính điểm. Bổ sung quy định cụ thể cơ cấu tiêu chuẩn của 5 tiêu chí, điểm tối thiểu và tối đa của các tiêu chí; sửa đổi, bổ sung quy định cách tính điểm đối với các tiêu chuẩn, tiêu chí, các đánh giá áp dụng đối với các Thành phố trực thuộc Trung ương và các tiêu chuẩn có tính định tính.
Kế đến là sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị và rà soát, đánh giá phân loại đô thị. Trên cơ sở đó, xác định rõ trình tự, thủ tục về lập, thẩm định, công nhận và đánh giá phân loại đô thị.
Lần sửa đổi này cũng bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về việc lập hoặc điều chỉnh chương trình phát triển đô thị và tổ chức đầu tư hoàn thiện chất lượng đô thị trước năm 2025 đối với các đô thị từ loại III trở lên nhất là hạ tầng y tế, hạ tầng giáo dục và công trình văn hóa cấp đô thị.
Qua khảo sát lấy ý kiến, nhiều cơ quan, tổ chức và địa phương cho rằng một số tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị quy định tại Nghị quyết số 1210 là khá cao đối với đô thị thuộc địa bàn có yếu tố đặc thù. Nếu vẫn giữ nguyên các tiêu chí, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số như hiện hành mà không tính đến yếu tố đặc thù theo vùng miền thì khó có thể đạt mục tiêu đến năm 2025 số lượng đô thị toàn quốc khoảng 950 – 1.000 đô thị, đến năm 2030 đạt khoảng 1.000 – 1.200 đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210 nên tập trung sửa đổi các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với đô thị có yếu tố đặc thù và cập nhật, chỉnh sửa một số chỉ tiêu cụ thể làm cơ sở xây dựng định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; nghiên cứu, cụ thể hóa các tiêu chí của một số loại hình đô thị mới xuất hiện và đang có xu hướng phát triển để bảo đảm thực hiện một số nội dung chỉ đạo khác trong các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị.
Cũng tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban Pháp luật đã biểu quyết nhất trí về việc hồ sơ dự án Nghị quyết đã bảo đảm điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.