Chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Xây dựng đề án để thúc đẩy phát triển

(Xây dựng) – Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến nhu cầu chỗ ở cho đối tượng có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải có một đề án định hướng lâu dài để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân đồng bộ trên cả nước.

chinh sach nha o xa hoi nha o cong nhan xay dung de an de thuc day phat trien
Khu nhà ở xã hội Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội (Ảnh: T.T)

Nhu cầu lớn về nhà ở xã hội

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Theo số liệu thống kê từ 40 địa phương, Bộ Xây dựng tổng hợp, đánh giá nhu cầu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2.600.000 căn và mục tiêu đề ra phải hoàn thành khoảng 1.800.000 căn hộ.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong giai đoạn 10 năm tới sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng, tác động lớn đến nhu cầu nhà ở xã hội. Đó là kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định, dẫn đến tiếp diễn xu hướng đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị, xu hướng di cư từ nông thôn ra đô thị dự báo vẫn tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, hệ thống đô thị nước ta trong giai đoạn vừa qua có nhiều thay đổi, không ngừng tăng về số lượng; tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 39% (đến năm 2020). Dự báo đến năm 2030, tốc độ đô thị hóa và phát triển hạ tầng tiếp tục diễn ra mạnh. Cũng theo Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mục tiêu đề ra đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%.

Theo Bộ Xây dựng, với tốc độ đô thị hóa cao, dân số đô thị ngày càng tăng, sức hút mạnh đối với lực lượng lao động tại các khu đô thị lớn sẽ thúc đẩy nhu cầu NƠXH có giá thành phù hợp tiếp tục tăng cao. Đồng thời, sự gia tăng quy mô kèm theo cơ cấu dân số trẻ tăng nhanh ở khu vực đô thị sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở phù hợp với các nhóm gia đình trẻ đô thị trong trung hạn.

Cũng theo Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đối với nhà ở công nhân, theo định hướng của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030 là động lực hình thành và mở rộng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các vùng kinh tế trọng điểm. Chính vì vậy, xu hướng dịch chuyển lao động và dân cư đến các khu vực này vẫn tiếp diễn, xu hướng tăng.

Dựa trên số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tính đến nay trên phạm vi cả nước có 392 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 119,9 ngàn ha; trong đó: Có 286 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 85,2 ngàn ha và 106 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích tự nhiên khoảng 34,7 ngàn ha. Có khoảng hơn 2,7 triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp này, trong đó có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Giai đoạn 2021-2030, tự do thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế sẽ nâng cao đời sống và thu nhập của người dân. Đối với công nhân, người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… thì thu nhập và tích lũy có thể đảm bảo khả năng sở hữu nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Đối với nhóm thu nhập thấp nhất thì thu nhập có sự gia tăng nhưng cũng vẫn chỉ tiếp cận được NƠXH để cho thuê.

Đề án sẽ thúc đẩy phát triển

Trong nhiều năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành khoảng 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo chỗ ở, cải thiện đời sống cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nhiệp trên cả nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách về NƠXH cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn để sớm khắc phục, giải quyết tốt hơn nữa nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội.

Vì vậy, đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm căn cứ để các Bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu phát triển NƠXH từng năm và từng giai đoạn. Trên cơ sở Đề án, sẽ cân đối, tăng cường nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp theo hướng lâu dài, bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển nhà ở, trong đó có NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân”.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng này nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.

chinh sach nha o xa hoi nha o cong nhan xay dung de an de thuc day phat trien
Nhà ở công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa).

Theo Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, lãnh đạo Bộ cũng đã chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển NƠXH cho các đối tượng trên phải gắn với phát triển thị trường bất động sản và phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương. Đặc biệt, tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Bộ Xây dựng đang trong quá trình dự thảo Đề án, với mục tiêu đến năm 2030 trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Trong thời gian sớm nhất, khi Đề án được thông qua sẽ có nhiều giải pháp mang tính đột phá thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân một cách đồng bộ, hiệu quả tại nhiều địa phương trên cả nước.

Mục tiêu của Đề án: Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ hoàn thành tại các địa phương khoảng 1.630.000 căn (giai đoạn 2021-2025 khoảng 600.000 căn và giai đoạn 2025-2030 khoảng 1.030.000 căn).

Nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình với thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích