Công khai quy hoạch, ngăn chặn trục lợi, thổi giá đất
(Xây dựng) – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Nghị quyết số 115/NQ-CP, theo đó, yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.
Công khai quy hoạch sử dụng đất bảo đảm nguyên tắc minh bạch ngăn chặn trục lợi, thổi giá đất. |
Thời gian vừa qua, tình trạng sốt đất ảo diễn ra tại nhiều nơi trên toàn quốc, nhất là tại các thành phố lớn, các tỉnh có tiềm năng kinh tế, dịch vụ, du lịch phát triển như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu, Quảng Ninh… Chỉ trong một thời gian rất ngắn, giá đất tại các nơi liên tục nhảy múa, tăng chóng mặt gấp 2, gấp 3, gấp 4 lần một cách bất thường.
Tại Hà Nội, sau ít ngày công bố dự án ven sông Hồng và quy hoạch dự kiến xây dựng 4 cây cầu: Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Giang Biên, Sông Đuống thì “cò đất” đã thổi giá đất lên chóng mặt. Tại một số huyện, vùng ven đô sắp lên quận và được hưởng lợi từ việc dự kiến xây dựng 4 cây cầu như Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai… giá đều tăng.
Theo khảo sát của phóng viên, tại huyện Đan Phượng, những lô đất đẹp nằm giữa trung tâm thị trấn đã tăng từ khoảng trên dưới 40 triệu đồng/m2 thì nay có những chỗ lên đến hơn 100 triệu/m2. Đất dự án Mê Linh cũng từ 40 – 100 triệu/m2.
Hệ luỵ của nó khiến người thu nhập thấp khó kiếm được một chỗ an cư, giá bất động sản thổi cao gấp nhiều lần thu nhập của những người có nhu cầu thực khó tiếp cận. Ngoài việc trục lợi từ thổi giá bất động sản, cũng không ít những cán bộ bị kỷ luật do nắm trước thông tin quy hoạch và đã mua ôm đất kiếm lời.
Nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm những bất cập trong quản lý đất đai; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch hành động triển khai, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai. Hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống, sinh kế tốt hơn, quan tâm phúc lợi xã hội cho người chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội.
Ngoài những nội dung yêu cầu tăng cường quản lý đất đai, Chính phủ yêu cầu các bộ, ban ngành thông tin quy hoạch sử dụng đất được bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch. Bộ, ngành tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền được phân cấp; quan tâm thu hút đầu tư, phát triển tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước…
Đặc biệt, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng. Theo đó, các đơn vị xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất, hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.
Nguồn: Báo xây dựng