Nhìn trước những khó khăn
(Xây dựng) – Dịch bệnh đang tác động tiêu cực và gây khó khăn (tiềm ẩn lạm phát, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là vốn ODA), thách thức cho phát triển những tháng cuối năm. Chính vì thế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về các giải pháp để vượt qua thách thức trong những tháng cuối năm.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Biểu hiện rõ nhất cho những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt về tác động của dịch Covid-19 là trong 7 tháng năm nay, có gần 79,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Trước tình hình đó, Chính phủ cũng nhìn nhận rõ rằng, chúng ta đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trước đại dịch Covid-19 ngày một phức tạp, đe dọa sức khỏe, tính mạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế – xã hội của đất nước.
Nhìn lại diễn biến của hơn 7 tháng qua, sống trong mối đe dọa bởi dịch bệnh, dễ nhận thấy những mặt trái của toàn cầu hóa đang hiển hiện. Các nhà nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng, trong khi toàn cầu hoá có thể đem đến nhiều lợi ích nhờ vào hiệu quả kinh tế thông qua cạnh tranh, khả năng tiếp cận rộng lớn tới thông tin, công nghệ và học tập những kinh nghiệm tốt từ bên ngoài, thì chính quá trình này cũng gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt khi các loại dịch bệnh với nguy cơ lây nhiễm cao và nhanh như dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới.
Khi môi trường sống bị xuống cấp nghiêm trọng trong một khoảng thời gian ngắn; khi các cộng đồng dân cư phải rời bỏ nơi ở, nơi tái định cư vì quá trình hiện đại hóa và những dự án lớn; và khi con người bị cách ly sống trong các khu ổ chuột hay nghèo khổ cùng cực, trong khi thành phố ngày càng sung túc hơn, chứng tỏ rằng có gì đó không đúng đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Thậm chí, có thời điểm, nhóm những người yếu thế ở đô thị rơi vào khủng hoảng khi các tác động tiêu cực kiểu như dịch bệnh Covid-19 đem đến, mà tình trạng ồ ạt dời thành phố khi dịch bệnh mới bùng phát ở TP.HCM hồi cuối tháng 7 là một minh chứng.
Dịch bệnh đang diễn ra là một cuộc khủng hoảng thực sự đánh vào khả năng phản ứng của các quốc gia. Nó cũng cho thấy, sự chuẩn bị chưa thật tốt cho việc xử lý các khủng hoảng kiểu như dịch bệnh Covid-19. Có những quốc gia lâu nay khả năng phòng vệ về mặt an ninh rất tốt, nhưng gặp dịch bệnh đã thể hiện rõ sự lúng túng, thậm chí còn rơi vào trầm trọng, đứng trước thảm họa.
Ở Việt Nam, diễn tiến phức tạp của dịch bệnh cũng chỉ ra rằng, sau một thời gian dài ứng phó với dịch bệnh, nhất là tại TP.HCM, chúng ta đang đứng trước áp lực lớn, thậm chí là khó khăn trong việc bảo đảm tính liên tục các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, thiếu nhân lực điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, nhiều lúng túng trong việc tổ chức cách ly và xử lý môi trường với số lượng lớn, thời gian ngắn. Nghiêm trọng hơn là xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ lây nhiễm chéo virus SARS-Cov-2, số F0 và người tử vong tăng cao.
Trong trung hạn và dài hạn, các chuyên gia cũng đưa ra đánh giá rằng, các tác động đến tăng trưởng GDP là khó tránh khỏi và đây là dự báo của hầu hết các quốc gia có dịch bệnh Covid-19. Nhà nước sẽ phải huy động và triển khai các gói hỗ trợ kinh tế để hỗ trợ DN và người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong bối cảnh việc làm khó khăn. Đời sống của người dân sẽ chịu tác động khi có những biến động về thị trường lao động, giá cả, tiền lương nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Nhìn trước các khó khăn như thế để chúng ta cùng đồng lòng, chung sức vượt qua giai đoạn đầy cam go này. Mà việc tất thảy các cấp chính quyền đều vào cuộc khẩn trương, quyết liệt thời gian qua đã cho thấy tinh thần đó. Nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2021 là rất nặng nề, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.
Thế kỷ XXI đang chứng kiến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, sự bùng nổ của các loại dịch bệnh mới rất khó kiểm soát. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu để có thể tạo dựng những nơi ở có điều kiện sống tốt hơn khi mà những xung đột lợi ích luôn thường trực? Câu trả lời còn ở phía trước!
Nguồn: Báo xây dựng