Truyền thông nâng tầm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ tiên phong và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam, ngoài nỗ lực thúc đẩy từ Chính phủ, bộ/ngành thì cần có sự chung tay và hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông để thúc đẩy, lan tỏa và vinh danh sự đóng góp tích cực của các chuyên gia điển hình, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ đóng góp cho sự phát triển quốc gia.

Theo ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital, Đài truyền hình Việt Nam), truyền thông cho công nghệ tiên phong nghĩa là phải chỉ ra sự khác biệt và nổi trội về sản phẩm của công nghệ đó. Công nghệ dù hiện đại đến đâu cũng phải phục vụ cuộc sống, phục vụ con người.

Sự chủ động của những đơn vị hàng đầu về truyền thông (có sự tiếp cận khán giả lớn) sẽ tạo hiệu ứng xã hội rất quan trọng. Chẳng hạn, trước một sản phẩm công nghệ được đưa vào ứng dụng thì công chúng đã có cách thức để tiếp cận và biết được công nghệ đó sẽ mang lại những gì để hào hứng chờ đợi.

Ảnh minh hoạ

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho hay, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025, đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới kết nối hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Trong đó, truyền thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc vừa nâng cao nhận thức, xây dựng văn hoá khởi nghiệp sáng tạo, vừa truyền tải những thông điệp, mô hình hay, công nghệ mũi nhọn giúp cho thế hệ trẻ có thể tiếp thu và triển khai trong nước. Ông Phạm Hồng Quất cũng cho biết thêm, tháng 10 vừa qua, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN đã kết hợp với Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kết nối những tổ chức, nhà khoa học, người làm công nghệ ở nước ngoài hình thành mạng lưới tư vấn về ĐMST và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp truyền thông, bà Lê Mai Anh, Giám đốc Global PR Hub cũng nhấn mạnh, hầu hết doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam đều có tham vọng vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam để tiếp cận thị trường quốc tế. Một mạng lưới truyền thông bài bản và vững vàng không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mà còn giúp họ khai phá thị trường mới rộng lớn, giúp họ có thêm sức mạnh để vươn ra ngoài biển lớn.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích