Đâu có khu công nghiệp ở đó có nhà ở công nhân
Ảnh minh họa. |
Để giải quyết các bất cập trên nhằm tạo ra sự phát triển hài hòa, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế (có hiệu lực từ ngày 15/7) thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP. Theo đánh giá của các chuyên gia, Nghị định 35 đã góp phần hóa giải sự hài hòa giữa thu hút đầu tư và chăm lo đời sống cho người lao động.
Mặc dù bản thân các bộ, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp thời gian qua đã rất nỗ lực, nhưng trên thực tế số lượng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ở của người lao động. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp mới đáp ứng được khoảng gần 40% nhu cầu ở của công nhân. Còn lại người lao động phải đi thuê các khu nhà trọ do người dân gần các khu công nghiệp xây dựng với giá từ 1,5- 2,5 triệu đồng/phòng.
Đáng nói, đa số các nhà trọ do người dân xây không đảm bảo yếu tố an ninh, cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường. Nói ngắn gọn chưa đảm bảo là nơi “an cư” để tái tạo sức lao động sau những giờ làm việc căng thẳng trong nhà máy…
Để khu công nghiệp thực sự là nơi sản xuất hiện đại, đáp ứng đầy đủ các yếu tố môi trường, phúc lợi và an sinh – xã hội, đặc biệt tránh những khiếm khuyết từ việc xây dựng mô hình các khu công nghiệp trước để lại, Nghị định 35/2022/NĐ-CP không chỉ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm động viên, khuyến khích các chủ đầu tư khu công nghiệp đã tạo nên những khu công nghiệp xanh, sạch, đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cả về vấn đề môi trường và vấn đề an sinh xã hội mà còn đưa ra các danh mục, tiêu chí cụ thể về công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động và nhà ở cho công nhân. Đơn cử, tại Khoản 4, Điều 4 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định “các Khu công nghiệp phải dành quỹ đất tối thiểu bằng 2% tổng diện tích để xây nhà ở cho công nhân”.
Quy định diện tích đất phục vụ cho việc xây dựng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi tại các khu công nghiệp cho người lao động được quy định tại Nghị định 35 rất rõ ràng. Điều cần nữa là chờ Quốc hội xem xét, thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng. Hy vọng, khi các hệ thống văn bản pháp quy đã đồng bộ, khi các doanh nghiệp tự ý thức hơn về trách nhiệm xã hội của mình, đặc biệt, đặt người lao động làm trung tâm trong chuỗi sản xuất- kinh doanh thì vấn đề nhà ở công nhân sẽ được giải quyết.
Nói ngắn gọn, cơ chế, hành lang pháp lý đang có và sẽ hoàn thiện nhất, giờ là lúc các cấp cần đưa ra khẩu hiệu: “Ở đâu có khu công nghiệp, ở đó có nhà ở công nhân” để tạo thành một phong trào thi đua rộng lớn nhằm biến mục tiêu thành hiện thực.
Nguồn: Báo lao động thủ đô