Chính sách đặc thù cho thể thao: Phải có đãi ngộ tốt cho người tài năng

Chính sách đặc thù cho thể thao: Phải có đãi ngộ tốt cho người tài năng
Nguyễn Thị Oanh là biểu tượng của thể thao Bắc Giang và Việt Nam. Ảnh: Thanh Vũ

Bắc Giang đãi ngộ nhân tài

Thể thao Bắc Giang đang sở hữu gương mặt ưu tú nhất Việt Nam của môn điền kinh là Nguyễn Thị Oanh. Trong ngày 12.7.2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã thông qua Nghị Quyết số 19/2022/NQ-HĐND về Quy định chế độ, chính sách và hỗ trợ đối với huấn luyện viên, vận động viên, học sinh năng khiếu thể thao tỉnh Bắc Giang (bắt đầu thực hiện từ ngày 1.8.2022). Ở đó, các chế độ dành cho dinh dưỡng, tiền công của huấn luyện viên, vận động viên tỉnh Bắc Giang đã được nâng cao hơn so với trước.

Đơn cử, trong thời gian huấn luyện viên, vận động viên của đơn vị này tập luyện thì hướng mức dinh dưỡng 240.000 đồng/người/ngày còn khi thi đấu, mức dinh dưỡng là 320.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, mỗi vận động viên của thể thao Bắc Giang được tập trung vào đội tuyển thể thao quốc gia còn được địa phương hỗ trợ mức năm triệu đồng/người/tháng và đơn vị Bắc Giang quy định các trang thiết bị về trang phục, giầy, tất… hàng năm cấp cho huấn luyện viên, vận động viên và cả trang phụ khi tham gia thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc.

Về cơ bản, với một địa phương chưa có nguồn kinh phí mạnh dành cho thể thao như Bắc Giang thì việc các chế độ được tăng thêm theo Nghị Quyết 19/2022/NQ-HĐND như vậy là một tín hiệu mừng ban đầu cho các huấn luyện viên, vận động viên nơi đây. Nếu không tăng chế độ phù hợp và có những phương thức ưu đãi đối với sự nghiệp của vận động viên tiêu biểu sau thi đấu thì rất khó để Bắc Giang giữ được những ngôi sao như Nguyễn Thị Oanh ở lại với mình. Bước đi ban đầu như vậy là một tín hiệu khả quan.

Trước đây, một trong những ngôi sao của thể thao Bắc Giang được nhiều người biết tới là vận động viên cầu lông Vũ Thị Trang đã rời địa phương để gia nhập thể thao TP.Hồ Chí Minh. Do đó, xây dựng một gương mặt để là biểu tượng thể thao của địa phương là không dễ và khi đã có rồi mà giữ được con người ấy toàn tâm với mình thì trên hết phải có một chế độ thật sự phù hợp. Hiện tại, Nguyễn Thị Oanh đang là biểu tượng thể thao của địa phương này.

Kế hoạch của Hà Nội

Ngày 26.8 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng có một quyết sách quan trọng khi thông qua Kế hoạch 230/KH-UBND về việc xây dựng cơ chế thu hút nhân tài Thể dục Thể thao Thủ đô giai đoạn 2022-2025 định hướng tới năm 2030.

Kế hoạch ghi cụ thể trong yêu cầu khi thực hiện đó là “Cơ chế, chính sách thống nhất, khả thi từ khâu tuyển chọn chiêu mộ, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đối với cá nhân có năng khiếu đặc biệt gắn với đào tạo, bồi dưỡng và phát triển bền vững; Các cơ chế chính sách triển khai hiệu quả, thu hút kịp thời và có chất lượng, tuyển chọn đúng người có tài năng, năng khiếu đặc biệt, có đủ phẩm chất, đạo đức trí tuệ, năng lực, sức khỏe nhằm nâng cao thành tích thi đấu của vận động viên Hà Nội tại các đấu trường quốc gia, quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế của Thủ đô; Chế độ, chính sách phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng và có tính kết thừa”.

Chia sẻ sau khi Kế hoạch 230/KH-UBND vừa được thông qua, đại diện Trung tâm Huấn luyện đào tạo và thi đấu Thể dục – Thể thao Hà Nội bày tỏ đây là một kế hoạch thật sự cần thiết cho thể thao Thủ đô nói riêng bởi nó sẽ giúp những nhà quản lý của các Sở, ban ngành của Hà Nội (không riêng Sở Văn hóa, Thể thao) cùng chung tay phối hợp thực hiện mang lại hiệu quả cao nhất. Bản chất vẫn là phải có đầu tư để ra con người có chuyên môn tốt rồi từ đó đào tạo họ trở thành những tài năng tốt nhất, mang vinh quang về cho địa phương. Nếu làm tốt, huấn luyện viên, vận động viên quyết tâm vì màu cờ sắc áo của địa phương mà không ngoảnh mặt tìm đi những địa phương khác.

Mục tiêu mà Kế hoạch 230/KH-UBND của Hà Nội hướng tới là “đến năm 2025 hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thu hút tài năng năng khiếu thể thao đặc thù trình Hội đồng Nhân dân thành phố phê duyệt. Từ năm 2026-2030 cập nhật điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới”.

Với việc có một quyết sách như vậy, thể thao thủ đô Hà Nội kỳ vọng sẽ tìm ra được những gương mặt vận động viên tài năng nhất để là những đầu tàu trong thi đấu SEA Games, ASIAD và Olympic trong tương lai. Chưa kể, ở chính sách đãi ngộ tài năng thể thao sau khi kết thúc tập luyện, ngành thể thao của Hà Nội sẽ hướng tới có chế độ đào tạo bồi dưỡng các nhân tố ấy thành huấn luyện viên, trọng tài quốc gia, quốc tế, hỗ trợ học đại học, ngoại ngữ, tin học, học nghề để chuyển ngành theo nhu cầu. Đồng thời, có chế độ chính sách hỗ trợ một lần tính theo năm công tác, cống hiến trong ngành thể thao (ngoài chế độ bảo hiểm thất nghiệp).

Theo Hoài Việt/Laodong.vn

https://laodong.vn/the-thao/chinh-sach-dac-thu-cho-the-thao-phai-co-dai-ngo-tot-cho-nguoi-tai-nang-1090177.ldo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích