Nam Định: Thúc đẩy công tác sản xuất ngành nghề dịch vụ thương mại tại xã Yên Đồng, huyện Ý Yên


Tại xã Yên Đồng, các ngành nghề dịch vụ phối kết hợp chặt chẽ, phục vụ có hiệu quả cho công tác sản xuất nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật kịp thời, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh và thời tiết gây ra. Tính riêng năm 2021, giá trị từ ngành trồng trọt ước đạt 61 tỷ 977,5 triệu đồng.
Để góp phần tăng thu nhập cho người dân ngoài thu nhập ít ỏi từ ngành trồng trọt, cải thiện đời sống, nhiều năm trở lại đây, các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, thương mại dịch vụ. Nhiều hộ dân đã chủ động tìm hiểu, đầu tư trang thiết bị máy móc, nhà xưởng để hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Năm 2021 là năm Nhà nước tiếp tục cho vay lãi suất ổn định và hạ thấp mức lãi suất ngân hàng hỗ trợ người dân và những doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, quản lý chặt chẽ nguồn vốn cho vay, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nên sản xuất ngành nghề dịch vụ, thương mại tại địa phương phát triển bền vững. Các hoạt động dịch vụ ngày một đông đảo và đa dạng, có hiệu quả, tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Việc phát triển sản xuất, thương mại dịch vụ đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, giảm tỉ lệ hộ nghèo, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Xã Yên Đồng có 10 công ty trách nhiệm hữu hạn và 27 tổ hợp sản xuất may mặc gia công tư nhân. Các mặt hàng gia công tại địa phương có thể kể đến như: găng tay bảo hộ lao động, mũ lưới phục vụ du lịch, hàng may mặc Bộ Quốc phòng… những mặt hàng gia công may mặc tại xã Yên Đồng hiện có mặt tại thị trường trong và ngoài nước, đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của một số quốc gia trong khu vực. Trong đó, một số tổ hợp sản xuất may mặc nổi bật tại địa phương như: cơ sở may mũ Ngọc Cát, cơ sở may mặc Hưởng Thắm, cơ sở may mũ Long Thúy, Công ty TNHH May Việt Phát…

Công ty TNHH May Việt Phát: là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu tại địa phương, công ty hiện đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 60 người lao động địa phương. Với đặc thù gia công hàng hóa phục vụ Bộ Quốc phòng, trong hai năm đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, công ty vẫn vừa thực hiện chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo đời sống cho người lao động.

Cơ sở may mặc Hưởng Thắm: là một cơ sở sản xuất tư nhân tiêu biểu, đã hoạt động trong lĩnh vực may mặc tại địa phương hơn 20 năm. Với lợi thế gia đình có diện tích đất mặt đường, nằm ngay trung tâm xã, nên cơ sở đã sớm đầu tư vốn mở xưởng sản xuất gia công hàng may mặc. Hiện tại, cơ sở Hưởng Thắm sản xuất gia công mặt hàng quần tây, phân phối chủ yếu tới các tỉnh phía Nam, tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 người lao động địa phương, với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng.

Cơ sở may mũ Ngọc Cát: sản xuất mặt hàng gia công mũ lưới, mũ vải, hiện cơ sở đang trong mùa cao điểm để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu du lịch. Hiện nay, cơ sở Ngọc Cát đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 người lao động địa phương. Với đặc thù mặt hàng mũ lưới, mũ vải, nhiều người lao động trên 50 tuổi vẫn phù hợp với công việc gia công tại cơ sở, thu nhập từ 5 – 6 triệu/tháng, vừa tranh thủ thời gian nhàn rỗi, vừa tăng thêm thu nhập, đời sống ngày càng được nâng cao.
Cơ sở may mũ Long Thúy: một trong những cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng mũ lưới có hiệu quả tại địa phương. Hằng năm, cơ sở tạo việc làm cho hàng chục người lao động tại địa phương, có thể nhận hàng về làm tại nhà, kiếm thêm nguồn thu nhập.

Xác định sản xuất, thương mại dịch vụ tạo bước phát triển bền vững trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, thời gian tới, xã Yên Đồng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm của địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu