Chung tay ngăn chặn nạn đánh bắt chim trời
Tìm về xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) nơi được xem là vùng quê có lượng chim di cư về rất nhiều. Tuy nhiên cũng tại nơi đây bắt đầu từ tháng 8 (âm lịch) năm nay đến tháng 3 (âm lịch) năm sau, người dân thường tập trung đánh bắt chim di cư.
Do vậy, để tránh tình trạng đánh bắt chim di cư ở Thịnh Lộc, ông Nguyễn Khắc Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Thịnh Lộc cho biết: “Trước khi vào mùa mưa, chúng tôi đã tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, các cuộc họp thôn, các buổi sinh hoạt đoàn thể, thậm chí đến từng nhà chuyên hành nghề săn bắt chim để tuyên truyền, vận động. Cùng với đó bố trí lực lượng công an, dân quân tham gia cùng Kiểm lâm, Công an huyện, Bộ đội biên phòng kiểm tra địa bàn, xóa bỏ lùm đơm, tiêu hủy mồi giả, thả chim mồi, kiểm tra việc buôn bán chim trời tại các nhà hàng, quán chợ”.
Lực lượng chức năng thu gom cò giả tiêu hủy |
Ông Phan Quân, trú tại xã Thịnh Lộc kể lại: “Dân chúng tôi đã có truyền thống săn bắt chim trời từ bao đời nay, những năm qua chính quyền địa phương đã vận động, tuyên truyền dừng đánh bắt để bảo vệ đàn chim phong phú, bảo vệ nhiều loài chim có nguy cơ tuyệt chủng… Nhờ vậy, các điểm đánh bẫy chim đã giảm khoảng 90% so với các năm trước, để bảo vệ các đàn chim chúng tôi truyền thông điệp “bảo vệ chim trời” từ hộ gia đình này đến hộ gia đình khác”.
Được biết, mùa mưa bão đang đến gần, nên các đàn chim như cò, cói, vạc, chèo bẻo, vàng anh, hoét, dạt… sẽ di cư vào các địa phương ven biển để cư trú. Trước tình hình đó các lực lượng chức năng và chính quyền các cấp gấp rút triển khai công tác bảo vệ các loài chim.
Ông Nguyễn Xuân Mận – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà cho hay: “Thực hiện theo Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Để đảm bảo an toàn cho các đàn chim, chúng tôi cũng đã tham mưu cho Huyện ủy và UBND huyện Lộc Hà ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, phòng, ngành vào cuộc nhằm chấn chỉnh tình trạng đánh bắt chim trời. Đặc biệt, trong 2 tuần qua, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương và lực lượng chức năng, ra quân 7 lần, tiêu hủy 170 cò xốp, 1.330 cây nhạ, thả 26 con chim mồi, phá 10 lùm đơm…”
Lực lượng chức năng tiêu hủy cò giả và bẫy nhạ |
Tình trạng đánh bắt chim trời không chỉ có ở huyện Lộc Hà, mà các huyện như Nghi Xuân, Thạch Hà, Đức Thọ.. vẫn xảy ra. Cụ thể, như cánh đồng gần 100 ha của thôn Song Nam, xã Cương Gián (Nghi Xuân) được ví là “cửa tử” của các loài chim. Cứ vào mùa bẫy, lưới chim được giăng như thiên la địa võng. Để giải quyết tình trạng này, địa phương cũng đã tuyên truyền và vào cuộc phá bỏ các chòi bẫy, lùm đơm…
Ông Trần Thanh Tường – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân cho hay: “Để thắt chặt công tác quản lý, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương, Công an yêu cầu các hộ dân ký cam kết về việc không đánh bắt chim trời, thông tin cho người dân những quy định mới liên quan vấn đề này”.
Song song với đó, địa phương đã ra quân kiểm tra phá bỏ 10 lùm trú, tiêu hủy 200 mồi giả, 5.000 cây nhạ… ông Tường cho biết thêm.
Tại huyện Vũ Quang, nơi có Vườn quốc gia Vũ Quang, lòng hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang cũng được lực lượng bảo vệ rừng cùng các ngành chức năng hết sức quan tâm đến việc ngăn chặn nạn đánh bắt chim trời.
Trong thời gian này, các lực lượng Công an, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai sâu rộng, đồng bộ, liên tục các biện pháp, giải pháp từ nâng cao nhận thức đến ngăn chặn đánh bắt, trực tiếp răn đe, kiểm soát tiêu thụ (chợ, nhà hàng)… để hướng tới mục tiêu bảo vệ an toàn cho các loài chim di cư.
Nguồn: Báo lao động thủ đô