Có nên mua chung cư giữa dịch Covid-19?
Đã kết hôn được gần 3 năm những vẫn thuê nhà tại TP.HCM, chị Trâm (30 tuổi) đã bắt đầu tìm mua một căn chung cư. Với số tiền có sẵn khoảng 2 tỷ đồng, cộng thêm khoảng 50% vay ngân hàng, chị muốn tìm một căn hộ ở các quận lân cận trung tâm như Phú Nhuận, TP. Thủ Đức, quận 8… Tuy vậy, nguồn cung căn hộ ở TP.HCM còn hạn chế khiến chị Trâm vẫn băn khoăn.
Trong khi đó, tại Hà Nội, gia đình anh Nguyễn Bình (quận Đống Đa) có ưng ý khá nhiều dự án, nhưng lại băn khoăn về giá cả khi Thành phố đang giãn cách xã hội. Anh Bình đặt câu hỏi liệu chung cư có giảm sâu nữa hay đây là thời điểm thích hợp để mua.
Băn khoăn về nguồn cung phù hợp, giá cả, thời điểm mua… đang là những câu hỏi nhiều người mua nhà đặt ra giữa dịch Covid-19.
Nguồn chung cư ra sao khi dịch bệnh?
Trong những tháng đầu năm, nguồn cung căn hộ ở Hà Nội và TP.HCM đang chứng kiến những hoàn cảnh trái ngược.
Tại Hà Nội, báo cáo mới nhất của Savills cho biết với sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng kết nối nội đô với các vùng xung quanh đã hình thành nên xu hướng phát triển các chung cư ở khu vực vệ tinh với hệ thống tiện ích nổi trội. Điều mà nhiều dự án trong khu vực nội đô khó thực hiện được do vướng quỹ đất.
Gần đây xuất hiện nhiều tòa nhà văn phòng, trường học, công viên, trung tâm thương mại ở khu vực bên ngoài vành đai 3. Do đó, đã có một làn sóng dịch chuyển về các khu đô thị có đầy đủ chức năng này.
Trong khi đó tại TP.HCM, do tình hình dịch bệnh phức tạp, nguồn cung mới hạn chế, trong khi các giao dịch thứ cấp bị gián đoạn khiến cơ hội mua được chung cư ngày càng khó khăn. Gia đình chị Trâm cũng đã nhiều tháng không tìm được dự án ưng ý phù hợp nhu cầu.
Theo ông Trần Nhật Quang, Giám đốc R&D C.T Group, thị trường căn hộ TP.HCM đã cho thấy sự sụt giảm rõ rệt, với 5.611 sản phẩm mới, tiêu thụ 4.391 sản phẩm.
Nhận định thêm, ông Quang cho biết các chủ đầu tư sản phẩm căn hộ đang ngày càng đạt được sự đồng đều về một số phương diện như chất lượng thi công, chất lượng quản lý, hậu mãi… Song tại TP.HCM, giai đoạn dịch bệnh khiến vấn đề pháp lý dự án vốn đã trắc trở nay độ trễ càng thêm lớn.
Trong khi đó tại Hà Nội, một lãnh đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng những chủ đầu tư lớn, uy tín thì không những đảm bảo vấn đề pháp lý mà còn có chính sách bán hàng hấp dẫn trong mùa dịch.
Giá chung cư vẫn rục rịch tăng?
Về số lượng giao dịch, nhiều dữ liệu cho thấy bất chấp dịch bệnh, việc giao dịch chung cư nói riêng và bất động sản trên cả nước nói chung vẫn khá sôi động trong lúc dịch.
Theo báo cáo quý II của Bộ Xây dựng được tổng hợp số liệu từ các địa phương cho thấy lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng… có gần 30.000 giao dịch bất động sản thành công.
Theo đó, tổng lượng giao dịch bình quân tăng 18% bằng so với quý trước và nhỉnh hơn khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ Xây dựng cho rằng thị trường bất động sản vẫn khá sôi động phản ánh nhu cầu của cả người để ở và nhà đầu tư là rất lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng trong lúc dịch bệnh, bất động sản vẫn là kênh trú ẩn an toàn của nhà đầu tư.
Cơ quan này cũng cho biết giá căn hộ chung cư vẫn tăng bất chấp dịch bệnh. Thống kê giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân trong quý II vừa qua tại Hà Nội và TP.HCM tăng khoảng 5 – 7% so với quý trước.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, dù dịch bệnh và không có giao dịch nhưng giá nhà, đất không giảm khi thị trường đang hình thành một mặt bằng giá mới với các dự án bất động sản đủ các cơ sở pháp lý. Do đó, việc mua chung cư lúc này không có chuyện bị “hớ”, thậm chí sau dịch chi phí bỏ ra còn cao hơn.
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của Savills, giá căn hộ vẫn tăng mạnh bất chấp Covid-19. Quý II vừa qua là quý thứ 10 liên tiếp, giá bán sơ cấp tăng. Nguồn cung ít, cộng với giá sắt thép, vật liệu xây dựng tăng gần đây đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về giá căn hộ.
Đơn vị này nhận định chênh lệch về giá bất động sản giữa khu vực thành thị và vùng lân cận đang được thu hẹp, khi các dự án ở xa có nhiều tiện ích đa dạng. Các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm kết nối như đường vành đai 3 mở rộng và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn II đã và đang góp phần thu hẹp chênh lệch giá.
Còn tại TP.HCM, ông Trần Nhật Quang cho rằng do quỹ đất của TP.HCM ngày càng hiếm và ngày càng đắt, việc giá bán chung cư liên tục tăng không phải là khó dự đoán.
Ai nên mua chung cư vào lúc này?
Trong khi đó, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, đưa ra một số lời khuyên cho những người đang có kế hoạch mua nhà và các nhà đầu tư bất động sản trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Đối với khách hàng đang có nhu cầu ở thực, nếu khách hàng đã tìm kiếm được sản phẩm, dự án tốt, phù hợp thì đây là cơ hội để sở hữu sản phẩm có mức ưu đãi, hỗ trợ tốt.
Đây là cơ hội quý giá của những người trẻ, đặc biệt là khách hàng ở thực, có nhu cầu tìm kiếm nơi an cư trong mức tài chính vừa tầm.
Ông Ngô Quang Phúc
Tổng giám đốc Phú Đông Group
Thực tế cho thấy, các dự án đang chào bán trong giai đoạn này đều được chủ đầu tư áp dụng rất nhiều chính sách ưu đãi như giãn thời gian thanh toán, ân hạn nợ gốc, tặng voucher, chiết khấu khi thanh toán nhanh cùng nhiều chương trình khuyến mại khác theo hướng có lợi cho người mua nhà.
“Đây là cơ hội quý giá của những người trẻ, đặc biệt là khách hàng ở thực, có nhu cầu tìm kiếm nơi an cư trong mức tài chính vừa tầm”, ông Ngô Quang Phúc nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng trong phân khúc 2 – 5 tỷ, khách hàng không nên chờ đợi để mua bất động sản với mức giá giảm sâu, giảm trên diện rộng. Bởi lẽ khó xảy ra xu hướng giảm giá đồng loạt do việc khan cung và chi phí đầu vào gia tăng. Bất động sản sẽ bật đà tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ở phương diện đầu tư, người mua chung cư nếu có khả năng “gồng gánh” hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính ít thì nên giữ tài sản hoặc mua thêm nếu nguồn tiền nhàn rỗi dồi dào, đợi khi dịch được kiểm soát.
Việc mua đầu tư được những bất động sản tiềm năng luôn thu hút các nhà đầu tư và có thanh khoàn tốt ngay cả trong thời điểm thị trường khó khăn nhất./.