Tro xỉ không còn nỗi lo đầu ra
Tro xỉ không còn nỗi lo đầu ra
Từ nỗi lo phải tìm cách giải quyết đầu ra, thời gian qua, tro xỉ ở nhà máy nhiệt điện Duyên Hải đã trở thành “hàng hót” được nhiều doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng (VLXD) săn đón…
Doanh nghiệp đặt hàng liên tục
Theo tìm hiểu từ Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (gọi tắt là Nhiệt điện Duyên Hải) thời gian gần đây số lượng các doanh nghiệp liên quan đến vật liệu xây dựng tìm đến nhà máy để đặt hàng tro xỉ ngày càng nhiều, thậm chí có nhà máy sau khi thương lượng được với Nhiệt điện Duyên Hải đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạch nguyên liệu bằng tro xỉ nằm sát với Nhiệt điện Duyên Hải để giảm chi phí vận chuyển.
Đây là điều khác hoàn toàn với những năm về trước, từ chỗ hàng năm Nhiệt điện Duyên Hải phải tốn hàng chục tỷ đồng/năm để xử lý thì hiện nay, tro xỉ đã trở thành một món “hàng hót” cho nguồn thu nhập đáng kể.
Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) được thành lập từ năm 2015. Từ khi đi vào vận hành đến cuối tháng 8/2022, tổng lượng tro, xỉ phát sinh của ba nhà máy là khoảng trên 8,26 triệu tấn; Tổng lượng tro, xỉ đã được tiêu thụ tái sử dụng là trên 4,57 triệu tấn; Tổng lượng tro xỉ lưu trữ tại bãi trên 3,68 triệu tấn.
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, cho biết: Hiện tại, mỗi ngày, 3 nhà máy của công ty có thể cho ra khoảng 4.000 tấn tro, xỉ thì có đến 90% được tiêu thụ ngay. Công ty đã phải đầu tư thêm một hệ thống, ống dẫn tro bay ra cảng ưu tiên tiêu thụ bằng đường sà lan, tàu biển để vận chuyển được nhiều hơn.
Tro bay và xỉ đáy lò của các nhà máy nhiệt điện đã được cấp chứng nhận hợp chuẩn làm vật liệu san lấp, hợp quy tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng từ năm 2020. Từ đó, đã có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua tro xỉ. Đặc biệt, gần đây, khi giá cát san lấp, cát xây dựng tăng chóng mặt hay đang gặp khó khăn về nguồn cát thì lại có càng nhiều doanh nghiệp hỏi mua tro xỉ về san lấp, làm bê tông, clinker sản xuất xi măng.
Đến nay, đã có 16 đơn vị ký hợp đồng thu mua tro xỉ từ 3 nhà máy của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải. Năm 2021, có gần 860.000 tấn/hơn 1 triệu tấn tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải được tiêu thụ. Nhờ nhu cầu lớn nên chỉ còn khoảng hơn 10% lượng tro, xỉ được trữ tạm tại bãi xỉ, con số này không đáng kể so với sức chứa của bãi xỉ.
Tro xỉ đang thay thế vật liệu tự nhiên
Những năm trước tình trạng khai thác cát ồ ạt dẫn đến cạn kiệt nguồn cát, bên cạnh đó còn làm tình trạng sạt lở bờ sông, biển ngày càng phức tạp, trong khi nguồn cát bồi về ngày càng ít đi, việc tính toán đến nguồn vật liệu khác thay thế đã và đang được ngành chức năng tìm kiếm và tro xỉ là một sản phẩm triển vọng và thay thế các vật liệu xây dựng tự nhiên.
Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng tìm đến chọn tro xỉ để làm VLXD, san lấp, thậm chí có công ty sau khi thương lượng được nguồn nguyên liệu từ Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã đầu tư xây dựng nhà máy sát bên để giảm chi phí vận chuyển cho cả 2 đơn vị.
Cụ thể nhà máy xử lý tro xỉ và sản xuất VLXD DGM, thuộc Công ty TNHH vật liệu Xanh Duyên Hải DGM nằm ngay sát với Công ty Nhiệt điện Duyên Hải. Doanh nghiệp này hoạt động từ cuối năm 2020 và đã ký hợp đồng thu mua tro xỉ lâu dài với Công ty nhiệt điện Duyên Hải. Sau đó, đưa về nhà máy để sản xuất thành VLXD.
Ông Nguyễn Quang Huân, Giám đốc doanh nghiệp này, cho biết: Mỗi tháng, nhà máy tiêu thụ ít nhất 3.000 khối tro bay và 1.000 khối xỉ. Qua đó, sản xuất 1.500.000 viên gạch không nung/tháng; 10.000 tấn vữa khô đóng bao/tháng và 90.000 khối vật liệu san lấp, sản xuất bê tông/tháng.
“Tro xỉ đang cho thấy hiệu quả lớn trong việc thay thế các VLXD truyền thống dùng trong xây dựng và san lấp mặt bằng. Với giá thành rẻ hơn, thân thiện với môi trường và chất lượng thì rất tốt. Đến nỗi, hiện chúng tôi không đủ nguồn tro xỉ để sản xuất”, ông Huân nói.
Chia sẻ thêm, ông Trần Phước Lợi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận Hòa TV, cho biết: Doanh nghiệp của ông chuyên san lắp mặt bằng cho các dự án trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Thời gian qua, giá vật liệu xây dựng, nhất là giá cát liên tục tăng cao, đắt đỏ; hơn nữa đây lại là nguồn tài nguyên hữu hạn, không phải vô tận. Từ thực trạng trên, ông đã quyết định chuyển qua dùng tro xỉ cho việc san lấp mặt bằng.
“Vừa rồi, Công ty trúng đấu giá mua 1 triệu tấn tro xỉ từ Công ty nhiệt điện Duyên Hải với giá hơn 17 tỷ đồng. Sau khi trúng giá, tro xỉ vẫn để ở bãi chứa của nhà máy nhiệt điện, khi cần san lấp ở chỗ nào thì mình cho xe vận chuyển đến chỗ đó. Tôi đã đi khảo sát nhiều nơi, tại nhiều công trình và cho thấy, chất lượng san lấp mặt bằng từ tro xỉ không hề thua kém so với san lấp bằng cát. Hơn nữa, mỗi khối tro xỉ khi san lấp có giá chỉ bằng 2/3 khối cát”, ông Trần Phước Lợi cho biết.
Ông Lợi cho biết thêm: Theo ước tính, mỗi năm huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải cần tới 5 đến 6 triệu khối VLXD để dùng cho việc san lấp mặt bằng, phục vụ nhu cầu phát triển. Tôi hy vọng thời gian tới, tro xỉ sẽ được cho phép dùng rộng rãi trong việc san lắp để làm đường giao thông, hạ tầng…”.
Sau khi được ngành chức năng chứng nhận là vật liệu hợp quy, chuẩn sử dụng cho ngành vật liệu xây dựng, nỗi lo về môi trường của người dân về tro xỉ đã không còn nữa. Hiện tro xỉ đang là vật liệu được ngành xây dựng săn đón để thay thế nguồn vật liệu tự nhiên đang bị dần đắt đỏ và khan hiếm…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị