Cựu Đại tá Phùng Anh Lê kháng cáo

Ngày 5/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của cựu Đại tá Phùng Anh Lê (55 tuổi) trong vụ án “Nhận hối lộ”.

Trước đó, trong các ngày từ 12-14/8/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên án phạt 4 bị cáo, trong đó bị cáo Phùng Anh Lê lĩnh 7 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 2, điểm c – Bộ luật Hình sự.

Cựu Đại tá Phùng Anh Lê kháng cáo
Bị cáo Phùng Anh Lê tại phiên tòa sơ thẩm.

Ba bị cáo còn lại trong vụ án đều là cựu cán bộ Công an quận Tây Hồ bị tuyên phạt về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” theo quy định tại Điều 378, khoản 1 – Bộ luật Hình sự, gồm: Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) bị phạt 10 tháng 28 ngày tù, bằng thời hạn tạm giam, được trả tự do ngay tại tòa; Vũ Công Ngọc (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) bị phạt 6 tháng tù treo; Lê Đình Trung (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) bị phạt 4 tháng 12 ngày tù, bằng thời gian bị tạm giam, được Tòa ghi nhận đã chấp hành án xong.

Sau khi án sơ thẩm tuyên, chỉ riêng bị cáo Phùng Anh Lê làm đơn kháng cáo. Trong đơn, bị cáo Phùng Anh Lê kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng bị cáo không có tội và bị kết án oan…

Theo bản án, sau khi Nguyễn Hữu Tài ra đầu thú rồi bị tạm giữ khuya 22/9/2016 do liên quan vụ cướp, người thân của Tài đã nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị cáo Lê) gặp ông Lê để nhờ giúp đỡ cho nghi phạm này không bị xử lý hình sự.

Khi gặp chú họ, cựu Đại tá Phùng Anh Lê đã đề nghị phải đưa 110 triệu đồng để cho Tài và phía bị hại hòa giải. Sau đó, người thân của Tài đã chuẩn bị tiền và vay mượn thêm rồi chuyển cho ông Bảy để người trung gian này chuyển cho ông Lê.

Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm kết luận, sau khi ông Bảy gặp và để tiền tại phòng làm việc của ông Lê rồi ra về, bị cáo đã yêu cầu Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc mang hồ sơ vụ việc liên quan Nguyễn Hữu Tài đến để xem.

Lúc đó, Tài đã được đưa vào nhà tạm giữ của Công an quận Tây Hồ. Đêm 22/9/2016, ông Lê chỉ đạo cấp dưới đến nhà tạm giữ đưa Tài ra ngoài, cho viết cam đoan rồi thả về.

Theo Hội đồng xét xử, các bị cáo trong vụ án đều là những người được đào tạo, bồi dưỡng, trưởng thành trong lực lượng Công an nhân dân, được giao trọng trách đảm bảo an ninh trật tự, nhưng đã vi phạm điều lệnh công an, vi phạm quy định pháp luật dẫn đến phạm tội.

Hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng uy tín cơ quan tố tụng, nhất là cơ quan điều tra, gây mất niềm tin trong nhân dân; cần xử lý nghiêm minh.

Lê Thắm

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích