Sớm thay đổi đơn giá thu gom, xử lý rác thải

Sớm thay đổi đơn giá thu gom, xử lý rác thải

MTĐT –  Thứ hai, 05/09/2022 08:25 (GMT+7)

Đồng Nai là một trong những địa phương phát sinh chất thải sinh hoạt lớn của cả nước với 1,8 nghìn tấn rác mỗi ngày, mỗi năm tăng 5%.

Tuy nhiên mức phí thu gom và xử lý rác qua nhiều năm vẫn không thay đổi, đòi hỏi phải có điều chỉnh cho phù hợp, để khuyến khích các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải tái đầu tư phương tiện.

Gỡ khó cho doanh nghiệp vận chuyển, xử lý chất thải

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, từ năm 2018, tỉnh Đồng Nai chuyển sang hình thức đấu thầu xử lý chất thải và hàng năm UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt giá trần xử lý rác sinh hoạt của năm tiếp theo. theo tổng hợp ý kiến của các chủ xử lý, giá trần để xử lý rác sinh hoạt bằng phương pháp đốt, tiêu hủy là 496.000 đồng/tấn (đã bao gồm chi phí xúc, vận chuyển và chôn lấp rác trơ) là chưa phù hợp thực tế, hiệu quả kinh doanh thấp. Bên cạnh đó, việc chưa có quy định về đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cũng gây khó khăn cho các địa phương trong việc quyết toán kinh phí hàng năm đối với nội dung này.

Chia sẻ về khó khăn trong hoạt động thu gom, xử lý rác thải, theo đại diện Công ty CP Dịch vụ Sonadezi – Chủ đầu tư dự án Khu Xử lý chất thải Quang Trung (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất), hiện nay, đơn giá xử lý rác thải sinh hoạt được xây dựng theo định mức đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị và xử lý nước rỉ rác theo Thông tư, Quyết định của tỉnh và các bộ, ngành liên quan, trên cơ sở xác định chi phí tiền lương, giá sản phẩm, dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, các chi phí này chưa phù hợp với tình hình hiện tại cũng như sự biến đổi của thị trường. Ngoài ra, hiện nay, các quy định giá xử lý còn chưa cụ thể, chỉ quy định cho giá theo công nghệ trong nước và nước ngoài nhưng thực tế có nhiều loại công nghệ trong nước, công nghệ nước ngoài nên khi áp dụng doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đại diện Công ty CP Dịch vụ Sonadezi kiến nghị, các quy định hướng dẫn điều chỉnh định mức đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị và xử lý rỉ rác, nên được cập nhật hàng năm/từng giai đoạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị xử lý có cơ sở để đầu tư các công trình xử lý ngày càng tiên tiến hơn.

Thực tế, thời gian qua, một số đơn vị không tham gia đầu tư xử lý chất thải sinh hoạt vì không đáp ứng tỷ lệ chôn lấp rác theo yêu cầu của tỉnh hoặc mức giá trần xử lý chưa phù hợp. Điều này khiến các địa phương phải vận chuyển chất thải sinh hoạt đi xa, tốn kém chi phí, gia tăng ô nhiễm môi trường. Vì vậy, cần có lộ trình tăng dần giá trần, thu hút các dự án xử lý chất thải công nghệ hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.

Sớm thay đổi đơn giá thu gom, xử lý rác thải
Công nhân Khu xử lý chất thải Quang Trung đang phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Nguồn: Sonadezi.com.vn

Tăng giá, tăng chất lượng dịch vụ

Không chỉ băn khoăn về giá trần trong xử lý chất thải, nhiều đơn vị cho rằng, cần điều chỉnh cả đơn giá thu gom, vận chuyển rác thải. Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai, hiện nay, các địa phương đang thực hiện mức phí thu gom rác thải tại các hộ gia đình theo văn bản số 8907/UBND-KTNS ngày 30.7.2020 của UBND tỉnh về xây dựng và thực hiện đơn giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ các hộ dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức thu chung là 6.000 đồng/cá nhân/tháng và 28.000 – 30.000 đồng/hộ gia đình/tháng; 30.000 – 195.000 đồng/tháng đối với các hộ kinh doanh dịch vụ, trường học, cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, theo các đơn vị kinh doanh hoạt động thu gom rác, mức phí này đã nhiều năm không thay đổi, trong khi giá cả các mặt hàng đều tăng, đặc biệt là xăng dầu tăng gấp 3 lần so với thời điểm đơn giá được ban hành. Hơn nữa, đối với các khu vực nông thôn, mật độ dân số thấp, mức phí thu gom không đủ chi phí cho các đơn vị thu gom tái đầu tư, chuẩn hóa phương tiện thu gom theo đúng quy định. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, các hợp tác xã thu gom rác thải phải bù lỗ, do phương tiện vận chuyển hao mòn nhanh. Mặt khác, giá dịch vụ thấp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hợp tác xã, tổ hợp tác chậm đổi mới phương tiện vận chuyển, bỏ hoặc giãn tần suất thu gom chất thải, làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Xuất phát từ thực tế đó, không ít ý kiến cho rằng, cần điều chỉnh tăng lên 30.000 – 40.000 đồng/hộ/tháng và 50.000 – 300.000 đồng/tháng đối với hộ kinh doanh dịch vụ, trường học, cơ quan, đơn vị. Sự điều chỉnh này là cần thiết khi giá cả nhân công và nhiên liệu tăng cao, giúp đơn vị kinh doanh dịch vụ có điều kiện tái đầu tư phương tiện, thiết bị, nhân công cho hoạt động bảo vệ môi trường. Tăng giá thu gom rác còn có ý nghĩa giúp người dân giảm lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ra hàng ngày.

Theo các chuyên gia, giá tăng phải tỷ lệ thuận với chất lượng dịch vụ, bởi có một thực tế là nhiều phương tiện vận chuyển, thu gom rác không đạt chuẩn; đơn vị thu gom tự động cắt giảm tần suất thu gom rác khiến rác thải còn tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường… Điều đó đòi hỏi phải có kế hoạch chuẩn hóa xe, phương tiện thu gom rác, nhất là ở các đơn vị dân lập vì hiện nay có ở nhiều khu dân cư người thu gom còn sử dụng xe thô sơ. Đối với các xe vận chuyển rác chuyên dụng từ nội đô đến các bãi rác xử lý tập trung, phải bảo đảm sạch sẽ nhằm hạn chế phát tán mùi hôi, nước thải ra môi trường…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích