Hòa Bình tạo ra giá trị kinh tế bền vững nhờ đổi mới mô hình tăng trưởng
Để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tỉnh Hòa Bình tập trung vào 8 giải pháp chủ yếu.
Mô hình nuôi cá lồng ở xóm Lầu, xã Vạn Mai (Mai Châu) – Ảnh minh họa |
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã xác định nội dung “cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng” là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng và cần thiết nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới, đưa Hòa Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 31/12/2021 về cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án về cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 14/2/2022, Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 30/5/2022 thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tỉnh Hòa Bình tập trung vào 8 giải pháp chủ yếu – Ảnh minh họa |
Trong đó, mục tiêu tổng quát là: Cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng cân đối giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, phấn đấu sau năm 2025 phát triển theo chiều sâu. Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng vốn đầu tư. Đẩy mạnh phát triển các ngành, sản phẩm tận dụng các lợi thế của địa phương; các ngành, sản phẩm có đóng góp giá trị cao cho nền kinh tế và giá trị gia tăng cao, có hiệu quả và sức cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động. Gắn kết tăng trưởng nhanh với tiến bộ xã hội, bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để hướng tới phát triển bền vững.
Mục tiêu của Kế hoạch số 97 cũng nhằm xác định, phân công và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chủ yếu của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.
Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch tập trung vào 8 giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất là tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách Nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực; trong đó chú trọng phát triển thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ.
Thứ ba là phát triển doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Thứ tư là tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò của vùng động lực.
Thứ năm là phát triển doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Thứ sáu là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch trên địa bàn; tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Thứ bảy là đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.
Thứ tám là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Nguồn: Báo xây dựng