Nhà kính trắng trời khiến phố núi Đà Lạt ngập lụt nghiêm trọng?

Nhà kính trắng trời khiến phố núi Đà Lạt ngập lụt nghiêm trọng?

MTĐT –  Thứ sáu, 02/09/2022 18:24 (GMT+7)

Hệ thống nhà kính khiến Đà Lạt trở thành thủ phủ hoa và rau quả, song nó cũng khiến nền đất mất tác dụng thấm nước, gây ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng chiều 1/9.

Phố núi ngập nặng

Cơn mưa lớn chiều 1/9 đã khiến Đà Lạt xuất hiện nhiều điểm ngập. Điểm ngập gây chú ý nhất là đường Phan Đình Phùng (đoạn suối Cam Ly đi ngang qua, phường 2, Đà Lạt). Nước từ suối tràn lên khiến một đoạn đường khoảng 100 mét ngập nặng. Đây là điểm ngập mới xuất hiện. Ngoài khu vực trên, nhiều nơi khác tại thành phố Đà Lạt cũng bị ngập, như: đường Cách Mạng Tháng Tám, Trạng Trình, Trương Văn Hoàn, Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân…

Các khu vực bị ngập trong trận mưa chiều 1/9 đều có đặc điểm chung là nằm dọc suối Cam Ly. Đây là con suối chảy qua nhiều khu vực của Đà Lạt. Khi nước mưa thoát không kịp, nước sẽ tràn lên vùng ven suối gây ngập. Cơ quan chức năng cho biết Đà Lạt chỉ ngập cục bộ trong thời gian ngắn, song một nơi có địa hình cao như Đà Lạt bị ngập là điều khiến dư luận thấy khó hiểu.

Trận mưa lớn chiều 1/9 khiến nhiều nơi ỏ Đà Lạt ngập nặng.
Trận mưa lớn chiều 1/9 khiến nhiều nơi ở Đà Lạt ngập nặng.

Theo TS Lâm Ngọc Tuấn, nguyên trưởng khoa môi trường Đại học Đà Lạt, việc xây dựng nhà kính mang tính chất phong trào, đại trà với mật độ cao đã phá vỡ cảnh quan của Đà Lạt, làm tăng hiệu ứng nhà kính.

Mưa lớn trong thời gian ngắn cũng là một nguyên nhân gây lũ, tuy nhiên đó không phải là nguyên nhân cốt yếu. Những trận nước dâng cao đột ngột gây lũ diễn ra với tần suất ngày càng dày hơn có nguyên nhân rất lớn từ việc gia tăng ồ ạt diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính tại Đà Lạt, nhất là vùng nông nghiệp dọc hai bên suối Cam Ly.

Về lý thuyết, những vùng đất có nhà kính hệ số thấm nước bằng 0. Có nghĩa mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm nilon và đổ ào ào ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ với tốc độ chảy mạnh, dù mưa không to nhưng vẫn xảy ra lũ, lụt.

Theo các số liệu mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích sản xuất rau hoa của Đà Lạt khoảng 18.000ha nhưng có khoảng 10.000ha nhà kính. Diện tích nhà lưới nhà kính chủ yếu nằm ở những vùng nông nghiệp lớn dọc suối Cam Ly như Thái Phiên, Chi Lăng, Mê Linh.

“Chúng ta cần lưu ý, việc phá rừng trồng rau chưa tác hại bằng phá rừng để làm những khu nhà kính. Kết cấu vùng đồi núi bị phá vỡ, dòng chảy, cách thẩm thấu nước đều bị thay đổi theo hướng tiêu cực và hậu quả gánh chịu không chỉ ở nơi có rừng, có nhà kính mà còn cả ở những nơi cách đó hàng chục, hàng trăm cây số”, TS Lâm Ngọc Tuấn nói.

Chất lượng đất nông nghiệp sẽ suy giảm

Theo các chuyên gia, Đà Lạt đối mặt với việc mưa thì có lũ, nắng thì hạn, kiệt nước. Nước không thấm vào đất khiến suy kiệt nước ngầm ở những vùng đất có nhà kính. Và ở đây chất lượng đất nông nghiệp cũng sẽ suy giảm rất nhanh. Nhà kính tràn lan từ nội ô đến ngoại ô là nguyên nhân nghiêm trọng khiến cho hệ thống thoát nước của thành phố Đà Lạt bị quá tải dù đã cải tạo rất nhiều.

TS Vũ Ngọc Long, nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho hay, diện tích nhà kính ở Lâm Đồng hiện nay đã gấp 5 lần so với 5 năm trước đó. Hiện trạng xây dựng nhà kính được phát triển một cách tự do và gần như thả nổi tùy vào “sức mạnh” của từng hộ gia đình. Theo ông Long, lũ xuất hiện là hậu quả nhãn tiền của lạm dụng nhà kính.

tm-img-alt
Nhà kính là một phần của nông nghiệp 4.0 ở Đà Lạt.

“Tôi cho rằng Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên cần đánh giá lại toàn diện các yếu tố tác động gây biến đổi cảnh quan, suy giảm hệ số thấm nước, mật độ xây dựng đô thị và cả yếu tố lâu nay chúng ta bỏ ngỏ là tổ chức sản xuất nông nghiệp. Việc đánh giá sẽ cho những cơ sở quan trọng để phòng chống lũ lụt” – ông Long khuyến cáo.

Đà Lạt đang nóng lên với đỉnh nhiệt độ có lúc vượt ngưỡng 30 độ C gây nên tình trạng oi bức khó chịu. Một trong những nguyên nhân là do phát triển “nóng” các nhà kính. Mật độ nhà kính dày đặc che hết diện tích bề mặt của đất khiến nước mưa không thể thấm xuống mà tập trung thành những dòng chảy lớn dẫn đến xói mòn đất sản xuất nông nghiệp; gây ra lũ ống, ngập lụt cục bộ vào những ngày mưa lớn làm bồi lắng ao, hồ, sông, suối…

Các chuyên gia cho rằng, giải pháp hiện tại, cần thay đổi tư duy, cách nghĩ, không nên tiếp tục coi nhà màng, nhà kính là hợp phần thiết yếu, là biểu tượng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đà Lạt và Lâm Đồng.

Đã đến lúc cần có sự đánh giá của các nhà quản lý cũng như quy hoạch vùng phát triển và tiêu chuẩn nhà kính tại nơi sản xuất rau, hoa lớn nhất cả nước này. Đà Lạt là thành phố xanh và nhà kính đã làm mất dần các giá trị vốn có của Đà Lạt, không nên vì lợi nhuận mà đánh đổi môi trường. Nếu không có các giải pháp sớm, Đà Lạt không chỉ phải đối phó với mưa ngập mà hạn hán và nhiều loại hình thiên tai khác có thể xảy ra do tác động quá lớn vào môi trường tự nhiên./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích