Hải Dương: Nỗ lực khắc phục ô nhiễm trên các tuyến kênh mương

Hải Dương: Nỗ lực khắc phục ô nhiễm trên các tuyến kênh mương

MTĐT –  Thứ năm, 01/09/2022 14:57 (GMT+7)

Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Theo đánh giá từ Sở TN&MT Hải Dương, nguyên nhân chính vẫn là do các hành vi xả nước thải, chất thải rắn trái phép từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân và từ sinh hoạt của người dân.

Một trong những tuyến bị ô nhiễm nghiêm trọng là hệ thống Bắc Hưng Hải, đi qua 7 huyện, thành phố gồm: Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện và TP Hải Dương với chiều dài gần 292km bờ kênh.

Thông tin từ Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, trên địa bàn Hải Dương có hơn 450 nguồn thải thuộc diện phải cấp phép xả thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 118 trường hợp được cấp phép, đạt tỷ lệ 26%, còn lại là xả thải không phép.

Tại huyện Gia Lộc, hệ thống Bắc Hưng Hải gồm Sông Sặt (Kim Sơn) có chiều dài khoảng 6 km chạy qua các xã Thống Nhất, Yết Kiêu, Lê Lợi; sông Đò Đáy (Đĩnh Đào) dài khoảng 17 km qua các xã Lê Lợi, Đoàn Thượng, Đồng Quang, Đức Xương, Thống Kênh.

anh-2.jpg
Đoàn Thanh niên Công an tỉnh ra quân dọn vệ sinh, khơi thông dòng chảy trên tuyến kênh Bá Liễu, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương và kênh Thôn Cậy, xã Long Xuyên, huyện Bình Giang.

Theo UBND huyện Gia Lộc, địa phương không có cơ sở sản xuất, kinh doanh xả nước thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải nhưng có 72 tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào công trình thuỷ lợi, trong đó 64 trường hợp chưa được phép. Việc xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu, chưa có giấy phép là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước của hệ thống công trình thủy lợi. Nước từ kênh mương như Chùa So – Quảng Giang, Thạch Khôi – Đoàn Thượng… lại đổ trực tiếp vào hệ thống Bắc Hưng Hải.

Để khắc phục tình trạng này, hiện nay, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tìm giải pháp khắc phục, cải thiện chất lượng nguồn nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở TN&MT đã đề nghị sớm di dời bãi rác nằm gần hệ thống Bắc Hưng Hải ở các xã Yết Kiêu và Phạm Trấn.

Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh đã phối hợp với Nghiệp đoàn Liên tỉnh về xử lý nước thải vùng Paris (SIAAP) – Cộng hòa Pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề bún Đông Cận (xã Tân Tiến). Ưu tiên vốn cho các dự án thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư, đô thị chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, làng nghề xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải vào hệ thống thủy lợi… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, tránh vứt rác thải ra kênh mương, gây ảnh hưởng đến nguồn nước.

anh-1.jpg
Kênh Bá Liễu, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương và kênh Thôn Cậy, xã Long Xuyên, huyện Bình Giang là 2 tuyến kênh đã trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các công trình thủy lợi vừa tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương cũng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Hải Dương đã mở 4 đợt cao điểm tổng rà soát, điều tra cơ bản, lên danh sách, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến xả thải gây ô nhiễm môi trường. Kết quả, đã rà soát, kiểm tra, thu mẫu nước thải của hơn 100 tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm về hành vi xả thải ra hệ thống thủy lợi, phát hiện 67 vụ, liên quan đến 63 tổ chức, 4 cá nhân, phạt tiền gần 2,3 tỷ đồng.

Đặc biệt, sau khi trực tiếp tiến hành khảo sát các tuyến kênh mương bị ô nhiễm nghiêm trọng trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổng hợp báo báo thực trạng, đánh giá tình hình, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp xử lý ô nhiễm, từ đó tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phối hợp thực hiện. Công an tỉnh cũng chủ động xây dựng phương án để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 1411 về phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, nhằm sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích