Phát triển đèn giao thông giúp giảm thiểu tai nạn cho người qua đường hay sử dụng smartphone
Hàng thập kỷ qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ sang đường. Các tín hiệu âm thanh khác nhau, từ tiếng chim kêu đến giai điệu nhịp nhàng được sử dụng để giúp đỡ người khiếm thị. Một số nước như Australia thậm chí lắp đặt các bảng báo hiệu rung để người khiếm thị hoặc khiếm thính chạm vào và biết khi nào có thể qua đường an toàn.
Điển hình trong số đó, tại Seoul, thủ đô của Hàn Quốc đã lắp đặt đèn LED màu đỏ và xanh lá cây ở rìa giao lộ; còn tại các thành phố Cologne và Augsburg của Đức thử nghiệm dãy đèn LED tại những điểm giao cắt với tuyến xe điện.
Theo kỹ sư điều khiển giao thông Alex Au, với sự phổ biến ngày càng tăng của smartphone, nhiều người đi bộ bị phân tâm. Thay vì chỉ dựa vào tín hiệu đèn đỏ hình người truyền thống để cảnh báo dừng, nhà chức trách đã lắp đặt đèn LED chiếu sáng các điểm qua đường bằng ánh sáng đỏ. Họ hy vọng người đang cúi đầu nhìn điện thoại sẽ thấy vỉa hè bên dưới sáng đèn và dừng lại. Giải pháp mới được thử nghiệm diễn ra tại 4 địa điểm và kéo dài 6 tháng.
Đèn LED chiếu sáng một điểm qua đường ở Hồng Kông trong sáng kiến nhằm nhắc nhở người đi bộ dừng lại.
Ông Hendrik Tieben – Giám đốc Trường Kiến trúc thuộc Đại học Trung văn Hong Kong hoan nghênh thử nghiệm nhưng cảnh báo rằng nhiều điểm qua đường ở Hong Kong vẫn nguy hiểm vì không có bất kỳ loại báo hiệu nào.
“Một trong những vấn đề lớn nhất là sự nguy hiểm khi người đi bộ dùng điện thoại ở điểm sang đường không có báo hiệu”, ông Tieben cho biết. Ông ủng hộ giải pháp giảm tốc độ giới hạn xuống 30 km/h trên những con phố mà người đi bộ và người đạp xe cùng hòa vào dòng xe cộ.
Theo số liệu thống kê, số người đi bộ thiệt mạng trên các con đường ở Hồng Kông đã giảm trong ba năm qua, từ 57 người vào năm 2019 xuống còn 55 người vào năm ngoái, tương đương 0,74 trên 100.000 dân.
An Hạ