Sản xuất yếu, thu ngân sách chủ yếu từ bán nhà đất và dầu thô

Thu ngân sách TP.HCM chủ yếu đến từ lĩnh vực nhà đất tăng rất cao và từ dầu thô. Trái lại, các nguồn thu liên quan đến sản phẩm để tính vào tăng trưởng chỉ ở mức 3%.

Tại cuộc họp về kinh tế – xã hội TP.HCM diễn ra chiều 30/8, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM – ông Nguyễn Khắc Hoàng cho biết những con số rất đáng lưu tâm về tình hình phát triển kinh tế của địa phương này.

Cụ thể, đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), 8 tháng đầu năm tăng 14,8%, trong đó, 4 ngày kinh tế trọng điểm tăng 19,3%. Tuy nhiên, chỉ số IPP so với năm 2019, thời điểm trước dịch cũng chỉ tăng ở mức 1,2%, còn thấp. Một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn tăng trưởng chậm, DN gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào, đặc biệt, lạm phát ở các nước trên thế giới cũng ảnh hưởng tới IIP.

Số DN thành lập mới 8 tháng đầu năm tăng 33,4%, song, quy mô vốn trên mỗi DN giảm nhiều so với các năm trước. Vốn hiện chỉ đạt mức bình quân 11,9 tỷ đồng/doanh nghiệp trong khi năm 2021 là 16,7 tỷ đồng/doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tổng số DN tạm ngừng, giải thể chiếm trên 50% so với tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động. Điều này phản ánh giới DN dễ bị tổn thương trước khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước.

san xuat yeu thu ngan sach chu yeu tu ban nha dat va dau tho
Nguồn thu từ giao dịch nhà đất tại TP.HCM tăng rất cao trong 8 tháng đầu năm (ảnh: Hoàng Hà)

Kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2022 của TP.HCM tăng trưởng tốt. Nhưng, có tới 62% giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu lại được tạo ra từ khu vực có vốn FDI. Có thể thấy, kinh tế phụ trợ, mối liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước và FDI đang yếu, lỏng lẻo, DN Việt chưa phát huy được lợi thế.

Đáng chú ý, thu ngân sách TP tăng và đã đạt khoảng 80,7% dự toán năm. Dẫu vậy, thu ngân sách lại chủ yếu đến từ lĩnh vực nhà đất tăng rất cao và từ dầu thô. Trái lại, các nguồn thu liên quan đến thuế sản phẩm để tính vào tăng trưởng của TP.HCM chỉ ở mức có 3%. Những số liệu trên cho thấy yếu tố chưa bền vững trong sản xuất của các đơn vị.

“GDP phải tính trên thuế từ sản xuất, từ sản phẩm, mức tăng thu ngân sách từ sản xuất thấp trong khi mức tăng chung lại cao. Nguồn thu đang không ổn định. Cơ sở của nền kinh tế tăng trưởng phải đến từ khu vực sản xuất”, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM nói.

Mặt khác, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của TP.HCM lại rất thấp so với các địa phương khác. Trong khi, giải ngân tốt mới đưa các công trình, dự án vào hoạt động rồi từ đó tạo dư địa để phát triển kinh tế. Số liệu từ Kho bạc Nhà nước TP.HCM, đến ngày 26/8, tổng vốn số vốn TP đã giải ngân là 9.035,047 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,8% trên tổng kế hoạch vốn giao (37.996,608 tỷ đồng), con số tỷ lệ này tăng 1,5% so với thời điểm cuối tháng 7/2022.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng, TP.HCM đang rất muốn được Quốc hội tăng tỷ lệ điều tiết vốn để lại cho TP. Dù “khát” vốn nhưng TP lại giải ngân chậm. Do đó, cần chứng minh được khả năng hấp thụ vốn của địa phương thì mới có thể xin thêm. Để đầu tư công tạo đà tăng trưởng, TP.HCM cần chú trọng các dự án đầu tư mang tính an sinh xã hội như chống ngập nước hoặc các dự án liên quan đến y tế, giáo dục.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích