Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn

Theo Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải nên ý thức của người dân là rất quan trọng. Thế nhưng, hiện tại, các chương trình phân loại rác tại nguồn ở địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Trong đó, 13% rác thải được đốt, 16% được chế biến, khoảng 71% được chôn lấp.

Hiện tại, công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mới được thực hiện thí điểm ở một số khu vực thuộc đô thị lớn, còn lại, phần lớn rác thải chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn và vận chuyển tới bãi chôn lấp. Do không được phân loại, rác vô cơ-hữu cơ, rác thải, rác tái chế trộn lẫn nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp. Các điểm xử lý rác theo kiểu thủ công này luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, gây bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực có rác thải chôn lấp.

Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn

 Toàn cảnh tọa đàm.

Đánh giá về thực trạng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở nước ta hiện nay, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Việc phân loại rác tại nguồn trước đây không bắt buộc. Tuy nhiên, đã có một số địa phương thực hiện thí điểm như tại Hà Nội, TP. HCM, Thừa Thiên – Huế, Lào Cai. Hiện nay, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định rõ việc phân loại rác tại nguồn cụ thể tại khoản 1 điều 75 và đến ngày 1/1/2025, phân loại rác là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Rác thải cụ thể chia ra gồm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Đánh giá về việc hiện nay một số địa phương đã thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, ông Hoàng Dương Tùng Chuyên gia môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Trước năm 2020, một số địa phương đã thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Ví dụ: Tại Hà Nội có phường Phan Chu Trinh và Nam Thành Công nhưng sau 1 thời gian thực hiện không thành công vì không có dự đồng bộ giữa người dân và đơn vị thu gom.

Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng có quy định và chế tài xử phạt 20 triệu đồng đối với hộ gia đình không phân loại rác tại nguồn nhưng sau 1 thời gian vướng pháp lý và trang thiết bị nên cũng không thành công. Nhưng, một số địa phương nông thôn như xã Dục Tú, huyện Đông Anh có thành công nhất định. Như vậy có thể thấy một bức tranh không đồng đều, nó phụ thuộc vào từng nơi, phương pháp, quy định, thiết bị. Có những điểm sáng cần học tập rút kinh nghiệm, có những nơi cần phải theo dõi để áp dụng cho phù hợp với địa phương.
Phải nói rằng phân loại rác tại nguồn cực kì khó, các nước khác để thành công phải mất từ 5- 10 năm. Hàn Quốc thực hiện phân loại rác tại nguồn từ năm 1995 hay Thượng Hải Trung Quốc thực hiện từ 2019. Từ đó có thể thấy công tác phân loại rác tại nguồn nó khó khăn thế nào, cần sự đồng lòng, quyết tâm của người dân và hệ thống chính trị.

Chia sẻ về việc, rác thải sinh hoạt được quy định phân loại như thế nào, bà Chu Thị Tuyết – Phó Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn – Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội cho biết: Hiện tại URENCO thực hiện phân loại rác thành 2 nhóm là rác tái chế và rác chôn lấp. Rác tái chế có thể sử dụng do những người thu mua, hoặc công nhân của công ty, hoặc công nhân họ đi thu mua rác tái chế này.

URENCO nói chung thực hiện đổi rác lấy quà, vận động và tuyên truyền cho người dân – những loại rác tái chế để công ty thu mua lại rác bằng cách đổi quà lấy rác, đồng thời công ty dùng nguồn tài trợ và công ty mua các phần quà như bút, vở để tuyên truyền cho các cháu học sinh để các con cũng có thể mang đồ rác tái chế. Ngoài ra, công ty cũng phối hợp cùng các địa phương, các phường, người đứng đầu các phường tuyên truyền sao cho dễ tiếp cận và dễ thực hiện thực hiện.

Có thể thấy, việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, phân loại rác giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm áp lực diện tích chôn lấp, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hướng tới cuộc sống xanh, bền vững.

Khi người dân thực hiện tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, nhưng nhân viên thu gom rác lại chỉ sử dụng một xe thu gom duy nhất, vậy cần có biện pháp gì cải thiện điểm bất cập này.

Trao đổi về vấn đề bày, ông Hoàng Dương Tùng cho biết, ngoài trách nhiệm của người dân trong phân loại rác thì trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác cũng cần quan tâm. Theo Luật BVMT năm 2020, đơn vị thu gom rác phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, tham gia đấu thầu công khai, phải trang bị kỹ huật để đáp ứng yêu cầu đã đặt ra mới được thu gom, vận chuyển.

Luật 2020 đã quy định đồng bộ, người dân phải trả tiền xứ lý rác chứ không phải nhà nước bao cấp hoàn toàn. Do đó, đơn vị thu gom phải đồng bộ về con người, kỹ thuật, năng lực quản lý, xử lý. Đơn vị thu gom sẽ vừa phải cân đối chi phí lãi lỗ, vừa phải thực hiện theo đúng quy định.

Nói về việc chuẩn bị về phương tiện thu gom, vận chuyển và xử lý như thế nào để đáp ứng nhiệm vụ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, bà Chu Thị Tuyết cho biết, hiện URENCO đang đợi kế hoạch phân loại rác tại nguồn của thành phố Hà Nội để xây dựng kế hoạch cụ thể. Đồng thời phải có nguồn kinh phí thực hiện và chuẩn bị 3 loại xe rác cho 3 loại rác được thu gom và phân loại.

Để khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, ông Hoàng Dương Tùng cho biết: Tôi nghĩ vấn đề tổ chức các ngày hội tuyên truyền chưa thực sự bền vững, phổ biến rộng rãi, đâu đó nhiều cái theo phong trào chỉ được 1 thời gian, làm thế nào để chuyển đổi được thành hành vi, người dân tự giác thực hiện mới thành công. Chúng ta đã tuyên truyền nhưng dường như cơ quan quản lý làm chưa tới.

Chính quyền địa phương phải cụ thể hóa việc phân loại rác tại nguồn, làm sao để hình thành thói quen đổ rác và thấy lợi ích khi phân loại như giảm được tiền xử lý. Ngoài ra, kết hợp với tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân. Tổ chức tập huấn để người dân nhận thấy vấn đề đó không phức tạp. Một số nước dùng app điện thoại để người dân thấy việc phân loại rác rất dễ dàng. Và không nhất thiết phải 3 thùng rác, có nhiều cách. Đổ rác hằng ngày thì có 3 túi rất nhỏ gọn, không nhất thiết hằng ngày đi đổ rác mà có những loại rác đổ hàng tuần.

Nói về giải pháp, lộ trình để người dân có thể thực hành việc phân loại rác ngay từ bây giờ, ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề này, về phía bộ đã dự thảo hướng dẫn về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ đang lấy ý kiến của các địa phương, đến nay chúng tôi đã lấy 30 ý kiến của địa phương, trên cơ sở đó Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ ban hành để các địa phương căn cứ vào đó để chúng ta làm các quy định cụ thể chi tiết của địa phương, vì chỉ có địa phương mới biết được chúng ta quy định thế nào, có phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, định hướng trong thời gian tới của địa phương.

Do vậy, việc này làm càng sớm càng tốt. Sau đó chúng ta đi đào tạo, tập huấn, truyền thông, vận động để người dân hình thành thói quen chuyển thành hành động cụ thể.

Chúng ta làm từng bước, từng bước, hiện nay, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chương trình phối hợp với nhau trong tuyên truyền, đưa hướng dẫn phân loại rác tại nguồn vào trường học dạy các cháu từ bé.

Tuyên truyền có nhiều hình thức tuyên truyền nhưng chúng ta phải thực hiện đồng bộ, từng bước, liên tục, chứ không phải thi thoảng mở một lớp tập huấn, xong mời bà con đến, làm ào ào rồi bà con không hiểu gì, bẵng đi một thời gian xong lại tổ chức. Ý tôi là, địa phương phải có kế hoạch rất cụ thể, chi tiết, kịch bản cho các đối tượng khác nhau.

Chúng ta có lực lượng rất mạnh là các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân phối hợp tuyên truyền để người dân hình thành ý thức.

Hình thức xử phạt là cuối cùng, mục tiêu của chúng ta không phải xử phạt mà là tuyên truyền, vận động để người dân thấy được trách nhiệm, ý thức về bảo vệ môi trường của từng người dân, từng cộng đồng trong xã hội. Việc bảo vệ môi trường không phải của cơ quan nào cả, không phải của tổ chức nào cả mà cả hệ thống chính trị đặc biệt người dân tham gia vào thì mới cải thiện được.

Muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác tại nguồn, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý. Phân loại rác tại nguồn sẽ cho rác thải bao bì một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.

Kim Anh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích