Nhiều dự án lớn nằm trong diện giám sát có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Nhiều dự án lớn nằm trong diện giám sát có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Bộ TN&MT vừa ban hành Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Theo kế hoạch, trong năm 2022, Bộ TN&MT sẽ thực hiện giám sát về môi trường tại nhiều dự án, cơ sở sản xuất ở cả 3 miền. Trong danh sách giám sát, có nhiều cái tên dự án, cơ sở sản xuất đã từng gây sự cố môi trường hoặc dư luận phản ánh, lo lắng về nguy cơ ô nhiễm môi trường. Cụ thể:
Tại miền Bắc, tập trung giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Các dự án, Khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá; Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo; Các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tằng Loỏng – Lào Cai; Các cơ sở đang hoạt động tại Làng nghề Phong Khê và Cụm công nghiệp giấy Phong Khê – Bắc Ninh. Giám sát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường/công tác bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Tập trung triển khai Kế hoạch xử lý điểm nóng ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, ô nhiễm môi trường tại làng nghề Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và khu vực Cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Tại KV miền Trung – Tây Nguyên, tập trung giám sát các cơ sở, Nhà máy sản xuất các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (cơ sở của ngành giấy, hóa chất và luyện gang, thép) như: Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng – TKV, Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV (chủ dự án Nhà máy tuyển quặng bauxit và Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ); Công ty Cổ phần Lọc – Hoá dầu Bình Sơn; Công ty Cổ phần Bột – Giấy VNT19 (Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19); Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất (Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất). Đồng thời triển khai khảo sát, kiểm tra, đánh giá về công tác bảo vệ môi trường tại các cảng cá 06 tỉnh ven biển miền Trung.
Tại khu vực miền Nam: Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân – tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Điện lực Sông Hậu – tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Điện lực Duyên Hải – tỉnh Trà Vinh, Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên – tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bộ còn tập trung theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại 47/117 khu, cụm công nghiệp có lưu lượng xả thải lớn trên địa bàn 04 tỉnh: Bình Dương (26 cơ sở), Đồng Nai (10 cơ sở), Bà Rịa – Vũng Tàu (02 cơ sở), TP. Hồ Chí Minh (09 cơ sở)./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị