Cuộc sống bên trong những căn phòng trọ hộp diêm chỉ 3m2 ở Hà Nội
Nhiều sinh viên, người lao động thu nhập thấp ở Hà Nội có xu hướng tìm kiếm những căn phòng trọ hộp diêm chỉ rộng 3m2, với nhu cầu “chỉ cần một chỗ để ngủ”.
Trần Đình Phúc, 21 tuổi, quê Nghệ An, cúi khom người vào căn phòng “hộp diêm” khoảng 3m2 thuộc dãy trọ trên phố Nguyễn Phúc Lai, quận Đống Đa, Hà Nội.
Trước đây, Phúc từng thuê phòng trọ rộng hơn, giá từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Năm 2020, tìm kiếm trên mạng về mô hình phòng trọ “tổ ong” mới du nhập vào Việt Nam, anh quyết định thuê, mức giá chỉ một triệu đồng/tháng.
Phúc làm nhiều nghề, có ngày 3 ca: Sáng cắt tóc, tối pha chế cà phê, đêm “lên” bar nên chỉ cần “một chỗ để ngủ”, với tiêu chí sống đơn giản.
Cao gần 1m7, anh nói vẫn có thể thoải mãi duỗi thẳng chân mỗi khi ngủ.
Trong căn phòng đơn sơ, Phúc đặt một chiếc nệm mỏng, gối, chăn, thêm vài thiết bị điện, cất gọn hành lý ở kệ sắt cuối phòng. Anh không có nhu cầu một số sử dụng dịch vụ chung như máy giặt hay nhà bếp, chủ yếu ăn ngoài.
“Tôi đã ở đây hai năm, giá phòng vẫn thế, không tăng thêm. Trong dịch Covid-19, tôi được miễn phí giá dịch vụ”, Phúc nói. Là người sống đơn giản, anh không có ý định chuyển phòng.
Theo anh quan sát, dãy trọ luôn được thuê chật kín, tỷ lệ nam – nữ ngang nhau, chủ yếu là sinh viên hoặc người lao động thu nhập thấp.
Thúy (tên nhân vật đã thay đổi), 19 tuổi, quê Thanh Hóa, sinh viên năm hai Đại học Công Đoàn, cách đây một tháng, được bố đưa ra Hà Nội tìm thuê phòng trọ.
Dãy trọ “tổ ong” cách trường 2,5km, giá rẻ, thuận tiện đi lại,… được Thúy lựa chọn. Lần đầu bước vào phòng, em hơi bất ngờ, không ngờ một căn phòng 15-20m2, có thể chia thành 8-9 phòng “hộp diêm” chỉ khoảng 3m2.
“Tôi cao hơn 1,6m, nằm vừa căn phòng, thậm chí còn thừa khoảng trống”, Thúy cười, cho biết dành nhiều thời gian đi học, đi chơi, nên không ở phòng nhiều. Tương tự Phúc, nữ sinh viên “chỉ cần một chỗ để ngủ”.
“Anh trai từng thuê phòng trọ hộp diêm/tổ ong như thế này, nên tôi cũng muốn thử trải nghiệm”, Thúy nói. Giá thuê tháng đầu tiên khởi điểm 1,2 triệu đồng, nếu làm hợp đồng 6 tháng, mức giá này sẽ giảm xuống.
“Lần đầu bước vào phòng, nhiều người cảm thấy ngộp thở. Nhưng mỗi phòng đều được trang bị quạt thông gió, điều hòa chung, nên không hề bí bách”, Thúy nói.
Một người đàn ông ngoài 30 tuổi thuê phòng trọ “tổ ong” được 3 năm, giá một triệu đồng/tháng. Ngoài không gian hẹp, theo anh, điểm bất tiện nữa là do sinh hoạt chung, phòng sát vách, gỗ không cách âm nên ảnh hưởng cuộc sống riêng của người khác.
“Tuy vậy, giữa hai năm dịch Covid-19 và gần đây nhất là bão giá, phòng trọ kiểu này là sự lựa chọn hợp lý của tôi”, anh nói.
Anh Chu Duy Luyện, 27 tuổi, chủ điều hành hệ thống nhà trọ khu vực Hà Nội cho biết, mô hình phòng trọ “tổ ong” được thành lập từ năm 2019, lấy cảm hứng từ “Goshiwon” (phòng trọ siêu nhỏ của Hàn Quốc), Hồng Kông, Nhật Bản,… nhưng được cải tiến.
Đơn vị này hiện có 200 dãy trọ tổ ong tại tất cả các quận của Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy phòng luôn ở mức 90-95%, thời hạn thuê trung bình 6 tháng.
Mức giá thuộc phân khúc siêu rẻ, từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng. Tổng chi phí mỗi tháng dao động 1,5-1,7 triệu đồng, bao gồm: Tiền nhà, điện, nước, wifi, dịch vụ,…
Ba năm qua, họ ghi nhận trung bình 2.000 lượng khách. Tập khách hàng chính là sinh viên, người lao động thu nhập thấp. Tỷ lệ nam chiếm 60-70%. Trong thời kỳ dịch bệnh, lượng khách giảm 30%.
Tại dãy trọ ở phố Nguyễn Phúc Lai, căn nhà 4 tầng có 33 phòng trọ hộp diêm, mỗi tuần lao công sẽ đến dọn dẹp từ 1-2 lần.
Mỗi tầng gồm 2 phòng lớn rộng 15-20m2, chia thành những phòng riêng lẻ 3 – 5m2, phân tách bằng các miếng gỗ ép, đánh số từ 1-9.
Mỗi phòng “hộp diêm” được trang bị bóng đèn, ổ cắm, kệ/thanh treo đồ, quạt thông gió.
Mỗi phòng đều được lắp điều hòa công suất lớn, được miêu tả “có thể mát đến từng phòng hộp diêm”.
Khu bếp chung dưới tầng 1, được bố trí sẵn bếp điện, bồn rửa, tủ để đồ, bình nóng lạnh, máy lọc nước,…
Đội ngũ quản lý sẽ đến “thăm nhà” 1-2 lần/tuần. Ngoài ra, 3-5 kĩ thuật viên luôn sẵn sàng “ứng cứu” nếu khách hàng phản ánh thiết bị hỏng hóc.
“Chúng tôi tạo ra mô hình nhà trọ tổ ong hi vọng giúp sinh viên, người lao động tiết kiệm chi phí sinh hoạt”, anh Luyện nói.
Nguồn: Báo xây dựng