Lai Châu tổ chức Hội thảo Chuyên đề: “Công nghệ gắn với phát triển xanh và bền vững”
Lai Châu tổ chức Hội thảo Chuyên đề: “Công nghệ gắn với phát triển xanh và bền vững”
Sáng 29/8, Ban Tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 (Techfest Việt Nam 2022) tại Lai Châu tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Công nghệ gắn với phát triển xanh bền vững”.
Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Giàng A Tính – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; bà Tita Thy Nguyễn – Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Thế giới Việt Nam và chuyên gia của Hội đồng Năng lượng Thế giới Việt Nam; đại diện lãnh đạo 16 Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố; các diễn giả.
Về phía tỉnh Lai Châu có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật cùng 37 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, vật liệu.
Dự Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, khoa học công nghệ không chỉ là cầu nối đưa nhanh các nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chuyển giao vào sản xuất mà còn đóng vai trò then chốt như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra giá trị lớn trong việc giảm thiểu những tác động và giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, cũng như mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, hoàn thiện sinh thái vì con người, vì môi trường.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới, hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh; giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển công nghệ xanh và các ngành công nghiệp sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch… nhằm buộc các nhà sản xuất chuyển chi phí bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm; đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà quản lý và khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bảo vệ môi trường.
Với quan điểm trên, các đại biểu đã giới thiệu với hội thảo nhiều mô hình công nghệ gắn với phát triển xanh, bền vững như: Thí điểm xây dựng bộ chỉ số: “Tam giác vàng năng lượng”; mô hình Năng lượng mặt trời nổi thay thế cho các hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà; Mô hình làng thông minh gắn với năng lượng xanh và định hướng phát triển xanh, bền vững; Công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm và giải pháp bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các vấn đề như: Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh; phát triển kinh tế số; Kinh nghiệm, giải pháp trong việc ứng dụng công nghệ vào kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; Công tác quản lý nhà nước; Thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã…
Các tham luận tại hội thảo đã nêu bật những góc nhìn toàn diện hơn đối với các công nghệ hiện đại đang được áp dụng ở một số ngành công nghiệp, đồng thời tạo ra sự tương tác, trao đổi giữa các chuyên gia và các đại biểu tham dự hội thảo.
Thông qua hội thảo này, Lai Châu mong muốn sẽ tiếp tục được đón các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu và đến đầu tư tại tỉnh với những công nghệ hiện đại gắn với phát triển xanh và bền vững.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị