Những điểm nhấn nổi bật trong quá trình thi hành Luật TC&QCKT

Luật TC&QCKT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến TC&QCKT. Qua hơn 15 năm thực hiện các quy định của Luật TC&QCKT và các văn bản hướng dẫn, hoạt động tiêu chuẩn hóa đã được nâng lên cả chất và lượng, công tác kế hoạch, xây dựng, thẩm định và ban hành TC&QCKT đã chặt chẽ hơn, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật được ban hành đầy đủ. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và động bộ cho việc triển khai công tác lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn/ban hành quy chuẩn kỹ thuật, cũng như hoạt động áp dụng TC&QCKT trong thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật

Luật TC&QCKT là đạo luật quy định đầy đủ và toàn diện nhất về TC&QCKT, bao gồm các chế định liên quan đến TC&QCKT, đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và việc thực thi các quy địnhnày.

Nhằm thực thi hiệu quả Luật TC&QCKT, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TC&QCKT trong từng lĩnh vực TC&QCKT. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước về TC&QCKTđã chủ trì xây dựng 20 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật TC&QCKT và các Nghị định. Ngoài ra, còn có 196 văn bản pháp luật (từ Bộ luật, Luật, Nghị định, Thông tư) điều chỉnh các lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác cũng có một số quy định liên quan đến lĩnh vực TC&QCKT.

Nhìn chung, hệ thống các văn bản pháp luật về TC&QCKT của nước ta hiện nay đã tương đối đầy đủ và đồng bộ, tạo nên khung pháp lý cần thiết cho việc triển khai hoạt động quản lý nhà nước về TC&QCKT, đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về TC&QCKT, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.

Việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật về TC&QCKT đã có những tác động tích cực đến sự phát triển của hệ thống TC&QCKT của nước ta ở các khía cạnh sau: (i) Góp phần thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước xây dựng nền móng ý thức tôn trọng pháp luật về TC&QCKT từ phía các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân; (ii) Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ để tổ chức thực hiện việc xây dựng, thẩm định, công bố, ban hànhTC&QCKT; (iii) Tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước ta thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TC&QCKT;

(iv) Người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi được người bán, người sản xuất, nhập khẩu cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng theo TC&QCKT, đặc biệt đối với những mặt hàng có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe tính mạng đối với người tiêu dùng; (v) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất chất lượng, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại không cần thiết; hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực.

Kể từ khi được ban hành, Luật TC&QCKT đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Công tác tổ chức thi hành Luật TC&QCKT

Về công tác phổ biến, tuyên truyền Luật TC&QCKT và các văn bản hướng dẫn thi hành được các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương cũng như các bộ, ngành có liên quan tích cực triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức hội thảo, tọa đàm, các lớp tập huấn, biên soạn, dịch và xuất bản sách, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về TC&QCKT v.v…

Ở Trung ương, nhất là ở ác cơ quan quản lý nhà nước về TC&QCKT, sau khi Luật TC&QCKT được ban hành, trong giai đoạn từ năm 01/01/2007 đến 31/3/2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã tổ chức 96 cuộc hội thảo, hội nghị phổ biến 893 TCVN cho hơn 4.200 doanh nghiệp; đã tổ chức đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ TCCS cho hơn 4.800 doanh nghiệp và hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp xây dựng, áp dụng 1.800 TCCS; ngoài ra tổ chức hội nghị phổ biến, đăng tài liệu phổ biến trên mạng cho hơn 2.000 doanh nghiệp góp phần từng bước nâng cao nhận thức của các nhóm đối tượng có liên quan (cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước về TC&QCKT ở cả Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, người tiêu dùngv.v.).

Bên cạnh việc tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm và các lớp tập huấn, đào tạo, các Bộ nêu trên còn thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác nhằm từng bước nâng cao nhận thức chung của xã hội về hoạt động TC&QCKT cũng như các kiến thức cơ bản liên quan đến quy trình xây dựng TC&QCKT, như cung cấp tin, bài tuyên truyền về TC&QCKT cho các đài phát thanh và truyền hình, báo, tạp chívà các hoạt động tuyên truyền khác, v.v.

Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan, ban ngành khác, sau khi Luật TC&QCKT được ban hành, nhiều bộ ngành đã quan tâm đến việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật TC&QCKT và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

Là một trong số các cơ quan có chức năng thực thi TC&QCKT và quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm thương mại trong nước, xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, phát triển thị trường ngoài nước, quản lý thị trường, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng vệ thương mại,đây là những lĩnh vực có liên quan mật thiết đến TC&QCKT. Bộ Công Thương đã đặc biệt quan tâm đến việc quán triệt, phổ biến nội dung các quy định của pháp luật về TC&QCKT tới các cán bộ trực tiếp thực hiện chức năng điều tra và xử lý hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về TC&QCKT thông qua nhiều biện pháp như tuyên truyền trên báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác để hướng dẫn và phổ biến cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng hiểu rõ các chế tài của pháp luật đối với việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo TC&QCKT, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TC&QCKT.

Bên cạnh đó, triển khai nhiệm vụ được giao tại Điều 60 Luật TC&QCKT về trách nhiệm của các bộ, ngành khác cũng xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng, áp dụng TC&QCKT trong lĩnh vực của mình, ví dụ: Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 46/2014/TT-BCT ngày 03 tháng 12 năm 2014 quy định về hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Công Thương. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương hàng năm đã hướng dẫn cho các Tổ chức khoa học công nghệ, Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đểphục vụ công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tương tự, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BTTTT ngày 22 tháng 11 năm 2019 quy định hoạt động xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông; Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; Thông tư số 26/2020/TT-BTTTT ngày 23 tháng 9 năm 2020 quy định việc áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai tích cực, xây dựng bổ sung mới các Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Tới nay, Bộ đã xây dựng, ban hành 128 QCVN, đề nghị Bộ KH&CN công bố hàng trăm TCVN bao trùm các lĩnh vực: Bưu chính, xuất bản, viễn thông, internet, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin, an toàn thông tin.

Tại các địa phương, công tác phổ biến Luật TC&QCKT và văn bản hướng dẫn thi hành cũng được thực hiện đồng bộ tại nhiều địa phương với nhiều biện pháp, như phối hợp với cơ quan lý nhà nước về TC&QCKT ở Trung ương (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;Thanh tra chuyên ngành…) trong việc tổ chức phổ biến kiến thức về Luật TC&QCKT cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp dưới các hình thức hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ thực thi, cán bộ quản lý của các Sở, ban, ngành; Tuyên truyền về TC&QCKT qua các chương trình phát thanh, truyền hình của địa phương; Thường xuyên cập nhật thông tin về TC&QCKT lên Trang tin và Bản tin thông tinKH&CNcủa Sở KH&CN; Ban hành các Chỉ thị, Quyết định để quản lý, chỉ đạo điều hành đối với hoạt động quản lý nhà nước về TC&QCKT tại địa phương.

Bên cạnh đó, đối với việc phổ biến, hướng dẫn triển khai áp dụng QCVN cho các doanh nghiệp, các địa phương sử dụng nhiều hình thức như: Gửi văn bản trực tiếp doanh nghiệp liên quan; phổ biến, hướng dẫn rộng rãi trên Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành; các bản tin, tạp chí chuyên ngành. Đối với một số mặt hàng có tác động lớn hơn đến kinh tế – xã hội (như: mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện – điện tử – công nghệ thông tin – truyền thông, xăng dầu, sắt thép, vàng trang sức mỹ nghệ, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm tiêu dùng, đồ uống, vật liệu xây dựng, thiết bị công nghiệp…), tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến, hướng dẫn trực tiếp cho các doanh nghiệp liên quan; đồng thời, lồng ghép công tác kiểm tra, kiểm soát đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa hằng năm để hướng dẫn doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy định tại QCVN tương ứng.

Hoạt động nêu trên tại các địa phương đã từng bước tạo sự chuyển biến tích cực cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho cán bộ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp về TC&QCKT, góp phần làm giảm tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này ở các địa phương. Các doanh nghiệp hiểu và áp dụng đúng các QCVN, TCVN, tiếp cận và cập nhật thông tin, công nghệ tiên tiến thông qua TC&QCKT, từ đó có điều chỉnh kịp thời trong hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu của quản lý nhà nước, xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường trong thời kỳ hội nhập.

Về công tác xây dựng, công bố, ban hành TCVN, QCVN, QCĐP, sau khi Luật TC&QCKT được ban hành,hoạt động xây dựng, công bố, ban hành TCVN, QCVN đã được đẩy mạnh với số lượng TCVN, QCVN, QCĐP tăng hằng năm, cùng với đó, tỷ lệ hài hòa TCVN với tiêu chuẩn quốc ngày càng tăng, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.

Hệ thống tiêu chuẩn được hoàn thiện với hai cấp (TCVN – TCCS), phù hợp với thông lệ quốc tế. Hệ thống TCVN được xây dựng trên nguyên tắc ưu tiên hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, đã tạo nền tảng cơ sở kỹ thuật vững vàng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước, giảm thiểu những rào cản kỹ thuật không cần thiết, tạo thuận lợi hóa thương mại quốc tế. Công tác kế hoạch TCVN của các bộ ngành đã đi vào nề nếp, khai thác hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước và nguồn đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống tiêu chuẩn. Loại bỏ được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trước đây khi các Bộ tự xây dựng tiêu chuẩn ngành.

Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật được hình thành với hai cấp (QCVN – QCĐP), phù hợp với Hiệp định WTO/TBT. Về cơ bản đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước trong điều kiện thực tế của Việt Nam đối với sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Hệ thống QCVN ban hành trên 800 QCVN trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn. Các địa phương đã ban hành 28 QCĐP cho các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, chất lượng nước, khí thải và hiện nay các tỉnh, thành phố có kế hoạch, triển khai xây dựng gần 50 QCĐP. Trong những năm gần đây các tỉnh thành địa phương, chủ động xây dựng, ban hành QCĐP để tăng cường quản lý, kiểm soát an toàn, vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường tại địa phương.

Tính đến 31/3/2022, Bộ KH&CN công bố hơn 13.000 TCVN (Danh mục TCVN theo ICS theo Phụ lục III), đạt tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực 60%. Các bộ, ngành đã ban hành hơn 800 QCVN tập chung vào đối tượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2, có tính rủi ro cao trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, giao thông vận tải, thông tin truyền thông, xây dựng, y tế, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy (PCCC)… .

Các địa phương đã ban hành 28 QCĐP, trong đó, có các QCĐP cho các sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng của các tỉnh như: cá khô An Giang, hạt điều Bình Phước, rượu Xuân Thạnh – Trà Vinh, sản phẩm tinh dầu tràm Huế, sản phẩm mè xửng Huế; có 4 tỉnh (Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An) đã ban hành QCĐP chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo yêu cầu của Bộ Y tế. Công tác xây dựng QCĐP ngày càng được các địa phương chú trọng.

Đặc biệt, xác định rõ tiêu chuẩn là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất chất lượng, ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (gọi tắt là Chương trình 712) với Mục tiêu “Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”. Sau 10 năm triển khai đồng hành cùng doanh nghiệp, bằng sự quyết tâm và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, Chương trình 712 đã có kết quả nổi bật, tạo tiền đề cho sự vươn lên, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Trong giai đoạn 2010-2020, chương trình đã xây dựng được hệ thống gồm hơn 8.000 tiêu chuẩn trong tổng số hơn 13.000 TCVN đóng góp 62% số lượng các tiêu chuẩn quốc gia và nâng tỉ lệ hài hòa trên 60% với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

Như vậy, với số lượng TCVN, QCVN, QCĐP được cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, công bố, ban hành gia tăng hằng năm đã phản ánh: (i) Nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của TC&QCKT đã từng bước được nâng cao; (ii) Môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nước ta, trong đó có sự đóng góp của Luật TC&QCKT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đã được cải thiện và phát huy được vai trò tích cực, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần vào sự triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đối với hoạt động thực thi Luật TC&QCKT, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực thi Luật TC&QCKT bằng các biện pháp: dân sự, hình sự và hành chính.

Thực tiễn cho thấy hầu hết các vụ việc vi phạm đều được xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào đối tượng kinh doanh hàng hóa có chỉ tiêu không phù hợp với QCVN và tiêu chuẩn công bố áp dụng. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt cảnh cáo, phạt tiền. Năng lực chuyên môn của cán bộ các cơ quan thực thi TC&QCKT đã từng bước được cải thiện. Cơ quan thực thi Luật TC&QCKT của một số địa phương đã có sự chủ động hơn trước trong việc đánh giá, xem xét và xử lý các hành vi vi phạm.

Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TC&QCKT thường gắn với hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp QCVN và tiêu chuẩn công bố áp dụng, đặc biệt là vi phạm về không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật. Trong hệ thống trên 800 QCVN do các bộ ban hành bao phủ toàn bộ các lĩnh vực của đời sống: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kiểm soát môi trường, công trình xây dựng, phương tiện giao thông vận tải, an toànthực phẩm, PCCC… Do vậy, các vi phạm trong lĩnh vực này rất phức tạp. Ví dụ: như vi phạm về QCVN xăng dầu, nạn xăng dầu giả có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân; vi phạm về chất lượng phân bón, nạn phân bón giả, kém chất lượng; vi phạm về QCVN môi trường, khí thải ngày càng nghiêm trọng…

Mặc dù đã có chế tài xử lý trong các văn bản như: Nghị định số 119/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan thực thi TC&QCKT, nhưng thực tế cho thấy tình trạng vi phạm TC&QCKT ở nước ta vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh chân chính, gây tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội, quyền lợi người tiêu dùng. Có thể khẳng định rằng một trong những điểm yếu và thách thức lớn nhất trong việc xử lý vi phạm trong lĩnh vựcTC&QCKT của nước ta hiện nay chính là chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm.

 
Về tổ chức, hoạt động của ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, Bộ KH&CN đã thành lập 135 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và 54 tiểu ban kỹ thuật TCVN gồm hơn 1.100 chuyên gia là các giáo sư, tiến sỹ, các nhà quản lý hàng đầu trong những lĩnh vực chuyên môn sâu thuộc các cơ quan quản lý chuyên ngành, viện nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, phòng thử nghiệm, nhà sản xuất, các Hội, Hiệp hội ngành nghề… tham gia xây dựng TCVN và tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, Việt Nam hiện là thành viên chính thức (thành viên P) của 20 Ban kỹ thuật và tiểu Ban kỹ thuật quốc tế ISO và IEC (trong đó có 17 Ban kỹ thuật và tiểu Ban kỹ thuật quốc tế của ISO và 3 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế IEC) trên tổng số 192 ban kỹ thuật (TCs), 541 tiểu ban kỹ thuật (SCs), 2.188 nhóm công tác (WGs) và 38 nhóm nghiên cứu đặc biệt (Ad-hoc Study groups) của tổ chức ISO; tham gia với tư cách thành viên quan sát (thành viên O) đối với 62 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO.
 

Việt Nam tham gia rất tích cực trong quá trình góp ý, xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế: góp ý 3.201 dự thảo tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC từ năm 2012 đến 2021 (trong đó, 2.010 dự thảo của ISO và 1.191 dự thảo của IEC) và góp ý nhiều tiêu chuẩn, tài liệu của Ủy ban an toàn thực phẩm quốc tế CODEX…

Về xây dựng mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp, triển khai hoạt động thừa nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp, từ khi Luật TC&QCKT được ban hành, hoạt động công nhận, thừa nhận, đánh giá sự phù hợp được thúc đẩy mạnh mẽ. Việt Nam đã tham gia hoạt động tại các Tổ chức Công nhận quốc tế và khu vực như Tổ chức công nhận Châu Á – Thái Bình Dương (APAC), Tổ chức Công nhận các phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC) và Diễn đàn công nhận quốc tế (IAF).

Tính đến ngày 30/6/2022, đã có 1.429 tổ chức đánh giá sự phù hợp được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp, trong đó có 975 tổ chức thử nghiệm, 220 tổ chức chứng nhận sản phẩm và chứng nhận hệ thống quản lý, 95 tổ chức giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa, 139 tổ chức kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa và 03 tổ chức công nhận.

Các Hiệp định/Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp (MRA) đối với các sản phẩm, hàng hóa được các Bộ, ngành tích cực triển khai trong phạm vi được phân công quản lý.

Đối với hoạt động hợp tác quốc tế, kể từ khi nước ta chủ trương đổi mới nền kinh tế, hoạt động tiêu chuẩn hóa của nước ta là một trong những lĩnh vực luôn đi đầu và tham gia tích cực trong hoạt động hội nhập với quốc tế và khu vực khi chúng ta sớm tham gia là thành viên của nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực như Liên minh viễn thông quốc tế – ITU (1975); Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế-ISO (năm 1977); Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm – CODEX (1989), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế-IEC (2002), Diễn đàn Tiêu chuẩn khu vực Thái Bình Dương – PASC (1989), Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN – ACCSQ (1995), Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn của APEC – SCSC (1998).

Đến nay, Bộ KH&CN (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã tham gia đàm phán và thực thi các Chương về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của 17 FTA đa phương và song phương. Nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Quá trình triển khai các nội dung liên quan đến TBT của các Hiệp định EVFTA, CPTPP và RCEP sẽ liên quan chặt chẽ đến các Bộ chuyên ngành cùng giám sát việc tuân thủ các cam kết trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tính đến sử dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp làm biện pháp kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa trong nước.

Đặc biệt, giai đoạn 2015-2020, hoạt động hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn đã được đẩy mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Về khía cạnh hợp tác: Bộ KH&CN tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ 08 tổ chức quốc tế, khu vực mà Việt Nam là thành viên, ký kết thêm nhiều thỏa thuận hợp tác với các tổ chức tiêu chuẩn hoá nước ngoài góp phần tăng cường hài hòa tiêu chuẩn, tăng cường năng lực thử nghiệm, chứng nhận, thúc đẩy sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài có bản quyền tại Việt Nam, thúc đẩy thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia, giúp thuận lợi hóa hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp…

Về sự đấu tranh: thông qua đàm phán và thực thi FTA đa phương và song phương nhất là các FTA thế hệ mới cho thấy Việt Nam đang ngày càng tham gia vào sân chơi bình đẳng với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Về tính chủ động: Bộ KH&CN đã đề xuất các hoạt động phục vụ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như đề xuất sáng kiến về chia sẻ kinh nghiệm về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp về thành phố thông minh trong năm APEC 2017, đề xuất xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất quốc gia dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng suất trong khuôn khổ APO và sáng kiến về thúc đẩy sản xuất thông minh trong năm ASEAN 2020 và rất nhiều các đề xuất khác. Tinh thần trách nhiệm thể hiện qua việc đảm bảo đóng niên liễm đầy đủ và đúng hạn, đăng cai cuộc họp thường niên được các bạn bè quốc tế đánh giá cao, nghiêm túc tham gia góp ý các văn bản của các tổ chức, bỏ phiếu thông qua các tiêu chuẩn quốc tế tại các ban kỹ thuật ISO, IEC mà Việt Nam tham gia thành viên. Đảm nhận vai trò Chủ tịch APO, ACCSQ, Đồng Chủ tịch Đối thoại ACCSQ-Mỹ về Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp, Đồng Chủ tịch Tiểu ban TBT Hiệp định VKFTA. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 đang tác động đến mọi mặt đời sống xã hội thì hoạt động hợp tác quốc tế vẫn tiếp tục giúp kết nối và duy trì hợp tác với các tổ chức quốc tế, khu vực và nước ngoài, các phiên họp trực tuyến do Bộ KH&CN chủ trì và tham gia vẫn được thực hiện một cách hiệu quả.

 Luật TC&QCKT đã phát huy vai trò tích cực trong việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Về triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Hiệp định TBT từ thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngày 26/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114/2005/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Mạng lưới cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (nay là Quyết định số 46/2017/QĐ-TTg ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới các cơ quan thông báo và hỏi đáp và ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại). Theo đó, Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Văn phòng TBT Việt Nam) trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KH&CN là đầu mối quốc gia về TBT của Việt Nam theo cam kết tại Hiệp định TBT/WTO, là đơn vị thống nhất  điều phối và quản lý hoạt động thông báo và hỏi đáp về TBT của Việt Nam; điều phối và và hướng dẫn việc thực thi các cam kết khác về TBT và các hoạt động liên quan đến TBT của Việt Nam; điều phối và vận hành Cổng thông tin TBT Việt Nam.

Kể từ khi gia nhập, tính đến tháng 4/2022, Văn phòng TBT Việt Nam đã thông báo 248 biện pháp TBT của Việt Nam cho Ban thư ký WTO, tiếp nhận và xử lý gần 37.000 thông báo TBT của các nước Thành viên WTO. Với vai trò là đầu mối TBT quốc gia, Văn phòng TBT Việt Nam còn điều phối các Bộ ngành có liên quan xử lý các quan ngại thương mại của các nước Thành viên WTO nêu lên với Việt Nam tại Ủy ban TBT/WTO, phối hợp với các Bộ ngành xử lý các góp ý của các nước Thành viên đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và phối hợp xử lý các ý kiến của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước liên quan tới tới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá chứng nhận, ghi nhãn đối với các mặt hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng như: gạo, cà phê, tôm, thủy sản, rượu vang, trang thiết bị y tế. Hoạt động cảnh báo xuất khẩu hàng năm của Văn phòng cũng hỗ trợ và cung cấp thông tin kịp thời về các biện pháp TBT của các nước Thành viên WTO dự kiến ban hành cho các cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm giảm thiểu các rủi ro không cần thiết của việc thiếu thông tin về quy định kỹ thuật tại thị trường xuất khẩu.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cũng được giao là chủ trì tham gia đàm phán và triển khai các chương/cam kết về TBT trong 17 FTA mà Việt Nam đã/đang tham gia đàm phán và ký kết. Nổi bật nhất là Hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP, đây là những hiệp định thương mại tự do có ảnh hưởng lớn tới thương mại của Việt Nam và đã có hiệu lực trong thời gian gần đây.

Về việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về TC&QCKT, các chính sách của Nhà nước về TC&QCKT đã được khẳng định tương đối rõ ràng và đầy đủ trong quy định của Luật TC&QCKT và các văn bản dưới Luật. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật TC&QCKT  được ban hành đầy đủ. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và động bộ cho việc triển khai công tác lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn/ban hành quy chuẩn kỹ thuật, cũng như hoạt động áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Cho đến nay, sau hơn 15 năm thi hành Luật TC&QCKT đã cho thấy việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về TC&QCKT đã đạt được một số kết quả nhất định. Đối với cơ quan nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực TC&QCKT này dần đi vào nề nếp, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước; phân công trách nhiệm quản lý hoạt động TC&QCKT giữa các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương; Quản lý chặt chẽ các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) bằng QCVN do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành. Các quy chuẩn kỹ thuật đã góp phần đưa ra các biện pháp quản lý thống nhất đối với các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, đảm bảo sức khỏe, vệ sinh, môi trường cho người sử dụng; Tiêu chuẩn hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc xây dựng các chính sách công, các quy định, đảm bảo các yêu cầu đối với việc sản xuất, xuất nhập khẩu hài hòa trên toàn thế giới, từ đó thuận lợi hóa việc lưu thông hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia;

Các quy trình, thủ tục tổ chức biên soạn, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia được hoàn thiện; quy định về thể thức trình bày, ghi số hiệu TCVN hiệu hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn của ISO. Góp phần thuận lợi cho công tác hội nhập, hài hòa hệ thống TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với yêu cầu thúc đẩy thương mại toàn cầu phải dựa trên nguyên tắc loại bỏ rào cản kỹ thuật, đẩy mạnh hài hòa tiêu chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực ưu tiên như vật liệu công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ thông tin, thực phẩm chế biến sẵn, ô tô xe máy, trang thiết bị y tế, thiết bị điện – điện tử, mỹ phẩm, dược phẩm… ngày càng diễn ra mạnh mẽ và là nhu cầu tất yếu.

Đối với doanh nghiệp, đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành của Việt Nam có gần 13.000 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hơn 60%, việc xây dựng, công bố các TCVN giúp doanh nghiệp có chiến lược sản xuất và kinh doanh hợp lý; giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa; thúc đẩy doanh nghiệp công bố hợp chuẩn cho các sản phẩm hàng hóa, thông qua đó ngày càng có nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao và ổn định góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong nhiều lĩnh vực.

Hệ thống TCVN, QCVN đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu, việc đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đã giúp các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính thuận lợi, không bị cản trở bởi các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu đồng thời khẳng định được trình độ chất lượng để cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế.

Đối với người tiêu dùng, với hệ thống hơn 13.000 TCVN và trên 800 QCVN bao trùm hầu như tất cả các khía cạnh của cuộc sống như tiêu chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hàng ngày giúp người tiêu dùng đảm bảo an toàn sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi được người bán, người sản xuất, nhập khẩu cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt đối với những mặt hàng có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe tính mạng đối với người tiêu dùng, ví dụ: QCVN về xăng dầu, nhiên liệu sinh học, QCVN về phương tiện giao thông, QCVN về PCCC, QCVN về vật liệu xây dựng, QCVN về an toàn công trình dân dụng, QCVN về lò đốt rác thải y tế, QCVN về khí thải xe ôtô, xe mô tô hai bánh, QCVN về kiểm soát môi trường…

Về sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương trong công tác thi hành Luật TC&QCKT, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về TC&QCKT ở Trung ương và địa phương trong công tác thi hành Luật TC&QCKTđược thực hiện tương đối đồng bộ, thường xuyên.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành pháp luật về TC&QCKT, đặc biệt là trong công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về TC&QCKT cho cán bộ các cơ quan nhà nước, tổ chức và xã hội; tư vấn, giải đáp, hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện pháp luật về TC&QCKT, thường xuyên rà soát và kiến nghị với các cấp, cơ quan có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực TC&QCKT còn mâu thuẫn, chồng chéo nhau, không phù hợp với thực tế, hoặc không đáp ứng được các yêu cầu, cam kết về TC&QCKT trong các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã và đang ký kết hoặc gia nhập.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích