Nhớ chợ cóc phố tôi
(Xây dựng) – Những ngày này, bình minh yên ả, trong veo. Nắng lấp lánh dát vàng những vòm lá, lưng nhà cao vút. Không nghe tiếng còi xe chỉ thấy tiếng chim gù xa vắng… Con phố nhỏ như im lìm ngủ hay gắng nằm lười đợi tiếng nói cười chị em đi chợ lao xao… nhưng nào thấy!
Ảnh minh họa. |
Phố buồn thiu… Tôi cầm phiếu đi chợ trên tay, lặng lẽ bước trên con đường quen thuộc. Đường ngõ bỗng rộng thênh, thiếu vắng những xe hàng, những gương mặt cười đon đả mời chào bên rau quả, hàng hóa đủ loại… Ôi! Chợ cóc thân thương, nhớ quá!
Chẳng biết ai là người đầu tiên gọi những chợ nhỏ, chợ tạm, họp tự phát, đầu tiên từ những gánh hàng rong tụ lại ở một điểm thích hợp nơi đông dân cư, trong một thời gian thích hợp, sau đó rải rác có sạp hàng cố định, có thể họp sáng, chiều… là chợ cóc. Chỉ biết rằng, với người thành phố bộn bề công việc, xe cộ dọc ngang như mắc cửi, chợ cóc quen thuộc và tiện lợi hơn cả chợ truyền thống, chợ chính và sức sống của kiểu chợ dân sinh này nhiều phen cũng khiến người quản lý đô thị phải đau đầu…
Đã có thống kê của các ngành chức năng, ở Hà Nội có trên 400 chợ chính, riêng các quận nội thành có hơn 100 chợ truyền thống, nhưng chưa có ai đếm nổi có bao nhiêu chợ cóc mỗi ngày. Đô thị hoá càng nhanh, những chợ cóc mọc lên như nấm… mang lại bao niềm vui, tiện ích và hệ lụy mỗi ngày… Bên mỗi ngõ nhỏ, phố nhỏ, xen dưới những chung cư cao tầng, chợ cóc dần dần cứ bất chợt hiện ra, phục vụ nhu cầu dân sinh khu dân cư đô thị nhưng còn quen với phong cách sinh hoạt truyền thống làng quê… Nhiều lúc tắc đường, chúng ta phàn nàn. Nhưng giờ đây, khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16, đi vào giãn cách xã hội thì vắng chợ chao ôi là nhớ!
Tôi bâng khuâng nhìn con ngõ vắng như dài thêm, hun hút. Những dây băng trắng buồn lạnh dăng hai bên và cuối con đường. Những chiếc lá thu chợt rùng mình khẽ lăn xao xác theo làn gió bất chợt thổi đến. Bài thơ ngày nào tôi viết chợt ngân lên trong lòng, gợi nhớ, gợi thương:
Sáng nay
Tôi gom được bao nụ cười trên phố
Cô hàng hoa xinh tươi muôn sắc màu hớn hở
“Chị ơi hoa hồng chớm nở mới cắt đây!”
Cô hàng thịt thái thoăn thoắt bàn tay
“Làm tí thăn này bác nhớ!”
Đon đả mời chào là anh hàng phở
“Chị muốn ăn phở gì?”
Chị hàng tôm hàng cá xoen xoét mọi khi
Chợt dịu dàng: “Chị ăn cá rô phi em lọc nhé!”
Đôi môi nở như hoa là cô bé
“Rau sạch nhà trồng cô bác nhớ mua!”
Rạng rỡ mắt nhìn là cô hàng cua
“Cua em xưa chỉ tiến vua thôi đấy!”
Bé bán hoa quả má lúm đồng tiền chất chồng trái cây lên chiếc xe đẩy
“U ăn ổi, dứa, xoài hay trái thanh long…?”
Ôi những nụ cười sóng sánh tựa dòng sông
Tôi lặn ngụp trong mênh mông hạnh phúc
Cuộc sống cứ chảy trôi, nhịp đời lăn náo nức
Tôi múc niềm vui, uống những nụ cười
Vị ngọt ngào lan tỏa trên môi
Một đóa hoa trời tươi non bừng nở
Những đóa hoa bềnh bồng trong nắng gió
Hồng lên…rực rỡ mặt trời…
(Nụ cười – 2017)
Nhớ biết bao những gương mặt bình dị quanh tôi! Tôi chợt nhìn quanh… Nơi góc đường, ngay đầu chốt bảo vệ khu vực xanh kia có gánh hàng rau của một chị trong làng công giáo. Chị hay tặng tôi rau vào những ngày lễ tết và những nụ cười mỗi lúc tôi ghé qua. Ai lên giá thì lên, chị không bao giờ lấy thêm của ai một đồng vào những ngày đầu xuân mới. Chếch hè bên kia là cô bé hàng bún có hàm răng tươi đều cũng trắng như bún vậy: “Cô cứ yên tâm ăn bún của con. Nhà con mấy đời làm bún sạch, cô thấy con ăn bún nhiều mà xinh thế này là yên tâm cô nhỉ!”. Đầu ngõ bên kia là cô hàng thịt bán hàng có duyên, thỉnh thoảng có chồng và cậu con trai ghé qua trợ giúp. Hóa ra cậu con đẹp trai đang học Đại học, chẳng nề hà giúp mẹ điều gì và anh chồng ở làng mãi chán, lên thành phố làm nghề thợ xây cho gần vợ …
Tôi lại nhớ chị hàng rau xở lởi, thường bốn mùa bán thêm lọ dưa muối rất ngon, chiều muộn, hay có cậu con trai qua đón chị. Không hiểu sao chị rất quý tôi và bao giờ cũng bán cho tôi rẻ hơn mọi người. Nhìn dáng vẻ bề ngoài lam lũ nhưng ánh mắt, nụ cười chị ấm áp vô cùng. Chị khoe có hai con trai đang học đại học và cô bé út cũng học giỏi lắm. Niềm vui lấp lánh trên đôi mắt chị khi nhắc về các con… Ngay bên cạnh chị là cô hàng rau kiệm lời có gương mặt sầu muộn, ít khách. Có lần, chị ghé tai tôi nói nhỏ: “Nó cũng là người trong họ, chồng con chẳng ra gì, hay đánh đập, hắt hủi, nó phải lên đây tự lo thân kiếm sống đấy, chứ không phải như chị lên bán hàng nuôi con”.
Tôi lại nhớ cô gái thường thồ xe rau, thịt… đặc sản Hòa Bình lặc lè mà giọng nói tiếng cười cứ trong văn vắt. Em bán hàng thoăn thoắt. Ngồi nhờ cửa bà cụ hàng nước mà hôm nào cũng bán hết veo, hầu hết chỉ trong buổi sáng. Tôi thường trêu khi đợi đến lượt mua: “Em bán hàng như thời bao cấp thế này, được cái không kiêu như các cô mậu dịch viên thời ấy nhỉ!”. Em khanh khách cười! Rồi có hôm đông khách, bắt gặp cậu trai lớn của em đến giúp mẹ, mới biết em đã có con trai là sinh viên Đại học rồi. Khen mẹ trẻ đẹp thế mà đã có con lớn, em cười: “Chị nói thế chồng em lo đấy, ông xã em yêu vợ cực kỳ nhưng rất hay ghen!”.
Thế mới biết, sau mỗi gánh hàng rong là biết bao phận đời vui buồn, khát vọng. Tôi thường nghĩ, thế giới của chợ trước hết là thế giới đàn bà. Người bán, người mua thường là đàn bà với đủ thứ hỉ nộ ái ố, lo toan, vun vén chăm lo gia đình của đàn bà, những người giữ lửa sống trong mỗi ngôi nhà, dù bình dị hay phú quý giàu sang… Thiếu họ, cuộc sống sẽ ra sao?
Tôi nhớ cảnh có cặp vợ chồng xe thồ đèo nhau, hàng chất ngất mà chị vợ ngồi lọt thỏm, bó gối trong khung xe cũ. Tôi nhớ hình ảnh ngày Tết, có bà mẹ trẻ bán hàng xong tranh thủ mua thêm bánh trái, hoa quả, cành đào, thịt thà treo núc nỉu quanh xe, còn đứa con nhỏ xíu theo mẹ đi chợ thì nằm khoanh ngủ ngon lành trong chiếc làn to dưới chân mẹ… Tôi chẳng thể hình dung người mẹ trẻ ấy vừa bán hàng, vừa dỗ chăm con thế nào giữa mịt mù nơi phố thị bán mua này…
Tôi nhớ những ngày mưa rét căm căm, chị em khoác áo mưa run rẩy đẩy xe nép vào góc khuất. Tôi nhớ những ngày hè nắng gắt, mồ hôi ròng ròng trên trán, lăn xuống khẩu trang che mặt và tay áo em quệt vội lúc bán hàng…Nhớ những nụ cười mệt mỏi khi em lên xe về lúc màn đêm dần lan…
Tôi nhớ cả tiếng chị em trong phố gặp nhau ríu rít chào, níu nhau nói dăm ba câu chuyện. Nhớ có đôi cụ già tóc bạc, đẩy xe cho nhau vừa mua sắm, vừa tranh thủ đi dạo lúc chiều buông… Nhớ các bé con đi học về qua chợ, vòi mẹ, vòi bà mua quà… Nhớ những đôi bạn trẻ dắt nhau, vừa đi vừa ăn nũng nịu… Nhớ bé em nằm trong xe nôi ngước mắt trong veo nhìn mẹ khanh khách cười… Ôi! Nhịp sống đời thường mà giờ đây tha thiết nhớ biết bao nhiêu!
Nơi ngõ nhỏ xôn xao chị em này, thỉnh thoảng tôi còn bắt gặp cả tâm hồn nghệ sĩ. Có cô em bán hàng thịt duyên dáng, phúc hậu quê xứ Đoài, khi thấy tôi qua lúc vãn khách là kéo chị vào tâm sự đôi điều. Mắt em ngời sáng khi kể chuyện làng quê, mùa lễ hội. Em mở điện thoại cho tôi xem video quay cảnh quê em đẹp sầm uất thế nào, cảnh em diễn chèo trên sân khấu hội làng mùa xuân ra sao… Tôi vẫn biết em giờ vẫn đẹp nhưng ngạc nhiên thấy em trên sân khấu như một con người khác, xinh tươi duyên dáng, mắt lúng liếng dao cau và hát ngọt như một diễn viên chuyên nghiệp. Em thoát xác, thăng hoa khỏi hiện thực cuộc sống lam lũ nơi phố chợ hàng ngày. Thỉnh thoảng, em còn cất tiếng khe khẽ hát một tích chèo cho tôi nghe, mặc kệ người đi qua mỉm cười… Em nói, em không muốn xa quê làm ăn nhưng đồng ruộng chẳng còn, kiếm sống bằng gì hả chị. Tôi vừa cười đấy mà lại ứa nước mắt…
Tôi bước đi âm thầm trên ngõ vắng, mơ hồ quanh tôi như vẫn xôn xao tiếng nói cười… Những gương mặt bình dị mà thân thương, những cảnh đời lam lũ nhưng xanh ngời sức sống thân phận cỏ… Cơn bão dịch dã đang thổi tung khắp ngả. Những phận cỏ ơi! Em đang bay về đâu? Cứ bám rễ và biếc xanh, bình yên bất cứ nơi nào em nhé!
Nguồn: Báo xây dựng