Đề xuất tạm dừng thanh kiểm tra doanh nghiệp cho đến khi hết dịch
Bên cạnh các kiến nghị như giảm, giãn thuế, giảm lãi suất ngân hàng, nhiều doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cần ban hành quy định giảm sách nhiễu, thậm chí tạm dừng ngay thanh kiểm tra thủ tục hành chính, kiểm tra thuế các doanh nghiệp cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tạo động lực cho doanh nghiệp
Ông Hà Tuấn Anh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Ninh Bình cho Lao Động biết, lần bùng dịch này ảnh hưởng rất nặng nề và nghiêm trọng đến sức khỏe của doanh nghiệp. Đó là những thách thức về dòng tiền, thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm vỏ container, cước vận chuyển quốc tế tăng vọt…
Diễn biến dịch phức tạp đã “đánh đổ” hết kế hoạch, khó dự báo do nguồn lực lao động cũng bị tác động mạnh khi nhiều lao động đang tạm rời khỏi các vùng kinh tế.
Do đó, theo ông Tuấn Anh, đây là thời điểm chúng ta cần quan tâm hơn đến vấn đề tạo niềm tin, động lực cho doanh nghiệp.
Bên cạnh các kiến nghị như giảm, giãn thuế, giảm lãi suất ngân hàng, ông Tuấn Anh cho biết, phần lớn doanh nghiệp đều mong muốn tạm dừng ngay thanh kiểm tra thủ tục hành chính, kiểm tra thuế các doanh nghiệp cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát, việc sản xuất kinh doanh trở lại bình thường (trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự).
Đề xuất tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5% – 1%/năm
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu quan điểm, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với với những doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5% – 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.
“Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đang ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may, khoảng 50% nhà máy đặt tại miền Nam. Hiện tỉ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35%, do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ”.
Ngành dệt may Việt Nam đối mặt thách thức thiếu hụt lao động và tỉ lệ tiêm vaccine cho ngành vẫn thấp. Trong kịch bản tích cực, nếu COVID-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8.2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2021 chỉ đạt 33 tỉ USD, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, thời điểm này cực kỳ khó vì dịch vẫn diễn biến rất phức tạp. Mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỉ USD sẽ rất khó khăn. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh, khả năng ngành chỉ đạt 33-34 tỉ USD trong năm nay”, ông Cẩm nói.
Ngoài ra, theo ông Cẩm thời điểm này các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các doanh nghiệp phải gồng mình chống dịch và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho doanh nghiệp ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Chính phủ dừng các khoản thu không phải chi ngay mà để kết dư.
Cụ thể, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP, nhưng không phải chỉ trong 6 tháng từ khi nộp hồ sơ mà 1 năm từ khi nộp hồ sơ. Đối với các doanh nghiệp nằm trong địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg được giảm 50% số tiền phải nộp.
Hiện tại số tiền kết dư của hai quỹ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp đang còn quá lớn. Theo công bố đến nay là 935.100 tỉ đồng, trong khi doanh nghiệp rất khó khăn, cần phải dừng và giảm nộp 1 năm để “cứu” doanh nghiệp trong lúc này.
Nguồn: Báo xây dựng