Trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn, nguy cơ vỡ nợ hiện hữu
Trong 540.000 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn, doanh nghiệp bất động sản chiếm một lượng lớn. Theo các chuyên gia, để xử lý khối lượng lớn này không phải là điều dễ dàng.
Tăng trưởng nóng
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), nếu năm 2018, các doanh nghiệp chỉ phát hành 224 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp thì năm 2019 phát hành đạt 312.000 tỷ đồng còn năm 2020 tăng lên đến 436.000 tỷ đồng và năm 2021 phát hành tăng vọt lên tới 722.700 tỷ đồng
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng từ 4,93% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021, trong đó phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm khoảng 90% tổng lượng phát hành.
Theo SSI, đến năm 2021 có khoảng 1,39 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được lưu hành, góp phần đẩy quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp từ mức tương đương 68% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế năm 2020 lên mức tương đương 88% năm 2021.
(Số liệu và tính toán của Fiin Ratings) |
Cơn lốc trái phiếu doanh nghiệp khiến không chỉ các nhà đầu tư, nhà phát hành, định chế tài chính bị cuốn vào đó mà ngay cả cơ quan quản lý cũng có phần lúng túng và bị động. Những công cụ quản lý, giám sát thị trường khi quy mô còn nhỏ và hầu như không phát triển trước năm 2018 đã không còn phù hợp với quy mô lên tới hàng triệu tỷ đồng như năm 2021.
Chỉ tính riêng lĩnh vực bất động sản, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 9 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến 31/3, tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 13,78% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 21,9% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 24,17%, đạt 30.998 tỷ đồng (chiếm 78,09% tổng giá trị phát hành).
Nhóm bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17.211 tỷ đồng, chiếm 43,36% tổng giá trị phát hành. Việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường. Lượng phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần vốn chủ sở hữu, khoảng 20% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
(Số liệu và tính toán của Fiin Ratings) |
Ths. Hoàng Hải Anh, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam, cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp đặc biệt lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro mà bản than nhà đầu tư chưa nhận thức được. Lãi suất và tổng chi phí cho nguồn vốn từ phát hành trái phiếu cao hơn từ 1,5-1,8 lần so với vốn vay ngân hàng. Đây là mức chi phí vốn không phải phương án đầu tư, kinh doanh nào có sử dụng cũng đạt hiệu quả.
Nguy cơ lớn
Trước nguy cơ hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu sắp đến hạn thanh toán gây nguy cơ vỡ nợ trái phiếu, theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trái phiếu đáo hạn nên có hai cách xử lý.
Một là mời công ty tư vấn, công ty kiểm toán rà soát lại tài chính của mình và mạnh dạn phát hành tiếp một đợt trái phiếu nữa để đáo hạn. Vượt qua được nợ sau mới có cơ hội tồn tại lâu dài trong thị trường.
Thứ hai, tìm mọi cách thanh lý tài sản, thanh lý dự án để trả nợ nhà đầu tư. Cơ quan quản lý cũng cần cân nhắc, tránh hình sự hoá, các doanh nghiệp vừa đến thời điểm đáo hạn, không trả được nợ trái phiếu. Bởi vì nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường và cả nhà đầu tư.
TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, từ nay đến cuối năm, có 112.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu đáo hạn. Trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2%, đây là con số rất lớn. Do đó, cần sớm ra được Nghị định 153 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu. Các doanh nghiệp bất động sản có dư nợ trái phiếu lớn, thời gian đáo hạn trong kỳ tới cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi trả, bao gồm mạnh dạn phát hành trái phiếu mới hoặc bán các dự án, tài sản dở dang.
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn (Ảnh:Hoàng Hà) |
Theo TS. Cấn Văn Lực, Nghị định 153 sửa đổi chắc chắn sẽ phải theo hướng thận trọng và chặt chẽ hơn, nhưng quan trọng phải đúng lúc, đúng đối tượng. Liên quan đến nhà đầu tư, rõ ràng phải chuyên nghiệp hơn, tiêu chí phải cao hơn, chủ thể phát hành phải minh bạch hơn, các đơn vị trung gian cũng phải được chuẩn hóa.
Bên cạnh đó, việc mua đi bán lại trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng phải rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. Liên quan đến việc phát hành ra công chúng, kênh này phải mở rộng hơn, thông thoáng hơn chứ không phải mất quá nhiều quy trình thủ tục để xin phát hành.
Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam đề xuất, để tránh việc đặt lãi suất cao huy động vốn sử dụng cho mục đích khác không phải đi vào hoạt động đầu tư kinh doanh, cần có sự thẩm định khả thi về mức lãi suất huy động tương ứng, phương án đầu tư kinh doanh đăng ký. Đồng thời cần có quy định kiểm soát mục đích sử dụng vốn sau khi huy động trái phiếu như với nguồn vốn vay ngân hàng.
Với trái phiếu doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ để rà soát khả năng chi trả của các tổ chức phát hành có trái phiếu đến hạn trong thời gian tới, tìm mọi biện pháp để có thể đam bảo phương án trả nợ cho nhà đầu tư phát phiếu, không để tình trạng không thể trả nợ của bất cứ tổ chức phát hành nào xảy ra trong gian đoạn này. Điều này bảo vệ niềm tin và giữ chân dòng vốn đầu tư trên thị trường trước khi áp dụng các biện pháp dài hạn khác.
Nguồn: Báo xây dựng