Kiên quyết xử lý các dự án tồn đọng, chậm tiến độ

(Xây dựng) – Tại một số địa phương hiện còn tồn tại rất nhiều dự án đầu tư dang dở, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài nhiều năm mà không thể triển khai, hoàn thành. Thực tế này đã phát sinh những hệ lụy, trở thành rào cản, điểm nghẽn cho phát triển kinh tế của các địa phương.

kien quyet xu ly cac du an ton dong cham tien do
Tình trạng quy hoạch treo, dự án treo, dự án chậm tiến độ hiện vẫn đang tồn tại ở nhiều địa phương, dẫn đến những hệ lụy khó lường. (Ảnh: Hữu Duyên/Lao động Thủ đô).

Ảnh hưởng lớn đến phát triển của địa phương

Không khó để tìm ra những dự án dang dở, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài nhiều năm ở các địa phương hiện nay. Những tồn tại trên đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc đội vốn, gây lãng phí nguồn lực cho Nhà nước, doanh nghiệp, địa phương, đồng thời gây bức xúc cho người dân.

Đơn cử có thể kể đến Hà Nội, địa phương có khá nhiều dự án chậm tiến độ, dang dở, tồn đọng kéo dài. Cụ thể, số liệu công bố mới đây của Hà Nội cho thấy, trong số 404 dự án vốn ngoài ngân sách bị thanh tra, kiểm tra thì có đến 60 dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng; 29 dự án bị kiến nghị thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất và 96 dự án đã được các chủ đầu tư khắc phục vi phạm sau thanh tra.

Từ thực tế trên, cho thấy câu chuyên dự án chậm tiến độ, dự án tồn đọng… đặt ra nhiều thách thức, khó khăn. Câu hỏi mà dư luận quan tâm là tại sao chúng ta lại để các dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài nhiều năm? Thậm chí, có những dự án kéo dài lê thê tới hơn chục năm mà không thể triển khai hoàn thành…

Nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng hệ thống pháp luật hay cơ chế đầu tư cũng như công tác quản lý của các địa phương chưa thực sự đủ mạnh để giải quyết những tồn đọng kéo dài của các dự án này.

kien quyet xu ly cac du an ton dong cham tien do
Được phê duyệt từ năm 2008, dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, văn phòng cho thuê Xuân La do Công ty Cổ phần xây dựng Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) làm chủ đầu tư vẫn chưa được triển khai, gây lãng phí tài nguyên đất, ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Khánh Hòa – Thảo Phương).

Để giải quyết bất cập, tồn tại trên, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành liên quan tới việc triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề “quy hoạch treo”, “dự án treo”.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường, phối hợp đồng bộ, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, quy hoạch.

Cụ thể, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đặc biệt đối với các quy định về lập, thẩm định quy hoạch xây dựng.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”.

Tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển

Trước đó, không lâu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực, nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh gặp vướng mắc trong thời gian dài tại các bộ, ngành, địa phương.

kien quyet xu ly cac du an ton dong cham tien do
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên có quyết định đầu tư năm 2005; khởi công xây dựng năm 2007, đến nay vẫn dở dang gây lãng phí lớn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua việc thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở các địa phương trên cả nước đã góp phần tích cực vào việc huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án đầu tư ở địa phương cho thấy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số dự án đã được chấp nhận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không được triển khai thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ đăng ký.

Trong đó có không ít dự án bị chậm tiến độ hàng chục năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện và bức xúc trong dư luận xã hội. Thực trạng này đã và đang trở thành điểm nghẽn cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời làm ảnh hưởng đáng kể đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung cũng như hiệu quả thu hút đầu tư của các địa phương nói riêng.

Do vậy, việc tổ chức rà soát, xác định các dự án thực hiện không hiệu quả, chậm tiến độ, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các dự án này thực hiện có hiệu quả là cần thiết, cấp bách nhằm xóa bỏ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương.

Theo đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai như: Một số dự án vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng. Đồng thời, một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, không thực hiện các thủ tục để triển khai. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các dự án đầu tư đã được chú trọng thực hiện và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nhưng kết quả xử lý đối với các chủ đầu tư, các dự án vi phạm còn chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích