Theo chân “biệt đội nhí” đẩy xe tự chế đi ‘xin’ rác tài nguyên ở Đà Nẵng
Theo chân “biệt đội nhí” đẩy xe tự chế đi ‘xin’ rác tài nguyên ở Đà Nẵng
Suốt 4 năm nay, tại Đà Nẵng có một “biệt đội nhí” chuyên đi thu gom, phân loại rác vào dịp cuối tuần. Thành viên của đội quân bảo vệ môi trường đặc biệt này là những cô bé, cậu bé chỉ từ 6 – 15 tuổi.
17 giờ chiều Chủ nhật, không ai hẹn ai, một “đội quân nhí” với bộ đồ thể thao màu xanh lá lại í ới nhau tập hợp bên vỉa hè đường Cao Xuân Dục (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Sau khi mang găng tay, khẩu trang xong, tất cả cùng với “thủ lĩnh” Phạm Công Lương (SN 1956, Bí thư chi bộ Khu dân cư Bình Phước 1) hào hứng đẩy chiếc xe tự chế rảo quanh khu dân cư để thu gom rác tài nguyên.
Đi dọc các tuyến đường, thấy nơi nào có rác, các em đều dừng lại cặm cụi nhặt. Cái nắng gay gắt của ngày hè và những giọt mồ hôi thấm trên lưng áo, dường như không ngăn cản nổi những bước chân rộn rã và niềm háo hức của các em.
Thấy hình ảnh quá đỗi dễ thương này, người lớn đã tự giác gom lại từng chiếc vỏ lon, chai nhựa, giấy báo,… để dành cuối tuần chờ chiếc xe môi trường nhí đi qua. Nhiều cụ già 70 – 80 tuổi cũng nhặt nhạnh phế liệu để ủng hộ các cháu.
Lễ phép cảm ơn, rồi đưa 2 tay nhận lấy túi rác từ bà cụ và để ngăn nắp vào các hộc phân loại, em Nguyễn Trần Vy Anh (9 tuổi) hào hứng cho biết: “Cháu tham gia câu lạc bộ môi trường nhí được 2 năm rồi. Cuối tuần nào hai chị em cháu cũng đi nhặt rác với các bạn hết. Tuy mệt, nhưng góp phần bảo vệ môi trường nên cháu rất vui”.
Theo ông Lương, khu dân cư Bình Phước 1, hiện có hơn 100 hộ với hơn 400 nhân khẩu, lượng rác thải hàng ngày rất lớn. “Biệt đội nhí bảo vệ môi trường” chính thức ra đời vào đầu năm 2019, nòng cốt là những em nhỏ trong độ tuổi từ 6 – 15 tuổi, với mục đích tạo cho các cháu có ý thức, hành động cụ thể để bảo vệ môi trường, tập cho các em thói quen sinh hoạt cộng đồng, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn và tận dụng nguồn tài nguyên này để gây quỹ hoạt động từ thiện.
Sau gần 4 thành lập, đến nay CLB đã có “biên chế” 42 em và 3 xe đẩy cùng rất nhiều cộng tác viên. Từ khi được “kết nạp” vào CLB này, ý thức giữ gìn môi trường của mỗi thành viên nhí đều được nâng cao rõ rệt.
Gạt vội giọt mồ hôi lấm tấm trên má, em Nguyễn Phạm Thùy Trâm (10 tuổi) khoe: “Cháu được kết nạp vào câu lạc bộ hơn 3 năm rồi. Bây giờ, cứ thấy chai nhựa ở đâu là cháu nhặt rồi đem về khoe chiến tích với bác Lương. Khi đi chơi với ba mẹ, cháu cũng đem theo bao để đựng vỏ lon, giấy báo. Cháu rất vui vì đã góp sức để bảo vệ môi trường sống tại khu phố của mình và làm cho trái đất thêm sạch đẹp hơn”.
Đặc biệt, hành động tích cực của con trẻ cũng đã làm thay đổi nhận thức phân loại rác của bà con khu phố. Giờ đây, thành thói quen, nhiều hộ gia đình đã tự phân loại rác tài nguyên, để gọn gàng trước cổng nhà mỗi chiều cuối tuần, đợi những xe thu gom cùng với nụ cười hồn nhiên của “lực lượng nhí” đi qua.
Trong “dịp Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2019, nhiều du khách cũng rất ấn tượng và thích thú với hình ảnh “Đội môi trường nhí” hằng đêm đều có mặt trên nhiều tuyến đường, để vừa giúp các cô chú lao công dọn vệ sinh, vừa thu gom rác tài nguyên.
“Tôi nghĩ rằng, việc nhặt rác sẽ vun đắp cho các cháu nhiều điều tốt đẹp hơn. Không chỉ để các cháu biết rác cũng là nguồn tài nguyên có giá trị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của bản thân và mọi người xung quanh, mà còn giúp các cháu hạn chế sử dụng nhiều điện thoại, máy tính… để có nếp sinh hoạt lành mạnh. Mình phải giáo dục lớp trẻ văn minh thì Đà Nẵng mới thật sự trở thành nơi đáng sống được”, ông Lương bộc bạch.
Từ khi thành lập đến nay “biệt đội nhí bảo vệ môi trường” đã thu gom hàng tấn rác tài nguyên đem bán, thu về được tổng 170 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, đội thu về 30 triệu đồng từ tiền bán phế liệu, tương đương 16 tấn rác không phải vận chuyển chôn lấp.
Với vai trò là “cha đẻ” của CLB, kiêm luôn thủ quỹ, cứ mỗi lần gom rác bán xong, ông Lương lại công khai tài chính rạch ròi để các em phấn khởi vì thành quả của mình. Ông còn thành lập 2 đội bóng mini, thuê sân đá bóng để các em rèn luyện sức khỏe trong dịp hè và các ngày cuối tuần.
Vậy là từ việc ngửa tay xin tiền ba mẹ, nay các em không chỉ hoàn toàn “tự chủ” về kinh phí cho các hoạt động vui chơi của mình, mà đội để dư ra một nguồn quỹ để trợ giúp học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ hộ nghèo, khuyết tật, ốm đau,… Đặc biệt, trong năm 2021 và 2022, CLB còn tặng tiền bác sĩ trên tuyến đầu chống Covid-19 và hỗ trợ gạo cho những gia đình khó khăn trong đại dịch.
Mới đây, CLB đã trích tiền mua nhiều chậu hoa giấy để trang trí các tuyến đường trong khu phố. Dự kiến, trong dịp Trung thu tới, CLB sẽ trích tiền để thuê lân, mua quà vui Tết Trung thu. Trong những dịp tập trung đông đảo trẻ em như vậy, ông Lương lại mang chuyện nhặt rác tài nguyên ra nói và tiếp nhận thêm những thành viên mới.
“Tôi hiểu muốn thay đổi một điều gì bền vững thì phải thay đổi từ gốc rễ, và thế hệ trẻ chính là cái gốc cho sự phát triển trong tương lai, bởi bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình”, ông Lương trải lòng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị