TP.HCM: Nhà phố, biệt thự gia tăng sức hút
(TN&MT) – Thị trường nhà phố, biệt thự tại TP.HCM những tháng đầu năm 2022 đã cho thấy sự cải thiện với nguồn cung sơ cấp tăng 18% so với quý trước đó. Tỷ lệ hấp thụ các sản phẩm này của thị trường cũng ở mức cao, tăng 15 điểm phần trăm so với 3 tháng đầu năm.
Theo nhận định của các chuyên gia, đại dịch Covid -19 vừa qua đã phần nào tác động đến tâm lý người mua nhà tại các đô thị lớn. Khách hàng có xu hướng tìm đến những sản phẩm nhà ở khép kín, có không gian sinh hoạt rộng rãi, tiện ích cao cấp, hệ thống an ninh 24/7… để bảo vệ sức khỏe gia đình ngày càng nhiều.
Báo cáo Thị trường Bất động sản (BĐS) của Savills Việt Nam trong quý II/2022 cho thấy, nguồn cung BĐS liền thổ đang dần phục hồi trải dài khắp thành phố. Nguồn cung xây sẵn sơ cấp tăng 18% theo quý và 1% theo năm, đạt 577 căn. Nguồn cung mới đóng góp hơn 370 căn hay 64% nguồn cung sơ cấp từ 6 dự án mới và 3 giai đoạn tiếp theo tại TP Thủ Đức, quận 12, Bình Chánh và Nhà Bè góp phần tăng 22% theo quý. Cùng với đó, nguồn cung đất nền sơ cấp cũng tăng 10% theo quý với 221 nền nhưng giảm 17% theo năm.
Cũng trong quý II/2022, lượng giao dịch BĐS liền thổ đạt hơn 370 căn, tăng 54% theo quý với tỷ lệ hấp thụ là 64%, cải thiện 15 điểm phần trăm theo quý. TP Thủ Đức dẫn đầu thị trường với 52% tổng lượng giao dịch. Các sản phẩm trên 18 tỷ đồng chiếm ưu thế với 64% lượng giao dịch và được hấp thụ 68%.
Theo như dự báo của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), lạm phát đạt 3,7% cho cả năm 2022 và sẽ tăng lên 5% vào năm 2023. SSI kỳ vọng lãi suất huy động trong nửa cuối 2022 có thể tăng 50 đến 70 điểm cơ bản. Trong 6 tháng đầu năm 2022, 67% dư nợ tín dụng BĐS là vay mua nhà. Với tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao, lãi suất tăng sẽ làm giảm lượng người mua sử dụng vốn vay do chi phí vay thế chấp cao hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhà ở.
Đánh giá về vấn đề này, ông Hồ Đắc Duy – Quản lý Cấp cao Bộ phận kinh doanh Nhà ở của Savills Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, mặc dù thị trường BĐS có nhiều biến động, tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận đối với sản phẩm BĐS liền thổ có mức độ tăng giá khá cao dao động từ 20-25%/năm. Thậm chí, tại một số dự án, khu vực giá thị trường thứ cấp tăng 40-50%/năm.
Ông Duy nhận định rằng, phân khúc nhà liển thổ tại TP.HCM trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, mặc dù hiện tại thị trường BĐS tương đối trầm lắng và tính thanh khoản chưa cao. Lý do chính là quỹ đất khan hiếm, nguồn cung hạn chế và nhu cầu sở hữu cao khiến giá trị dòng sản phẩm nhà phố, biệt thự sẽ tăng mạnh ở cả sơ cấp lẫn thứ cấp. Cũng theo ông Duy, không riêng gì BĐS liền thổ mà ngay cả chung cư, đất nền vùng ven giá cũng được đẩy lên khá cao so với giá trị thực. Hơn nữa, các chủ đầu tư khi giới thiệu ra thị trường hầu như đều thiết lập giá sản phẩm của họ trong 2-3 năm tới.
Theo dự báo của Savills Việt Nam, đến năm 2025, nguồn cung tương lai đạt trên 11.500 căn/nền. BĐS xây sẵn chiếm 89% và đất nền cung cấp 11%. BĐS liền thổ vẫn là kênh đầu tư hiệu quả và nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh tình hình lạm phát tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới. Dòng sản phẩm này phù hợp với nhà đầu tư có dòng tài chính ổn định, có thể đầu tư trong trung và dài hạn. Mặc dù đây là dòng sản phẩm có tỷ suất sinh lời khá cao, nhưng lời khuyên cho nhà đầu tư vốn nhỏ là sẽ rủi ro nếu họ vay quá nhiều dẫn đến khó kiểm soát đòn bẩy tài chính.
Bên cạnh đó, Đề án “Xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030” đã được phê duyệt định hướng tăng tỷ lệ nhà ở chung cư cao tầng và giảm dần tỷ lệ nhà ở thấp tầng trong các dự án khu trung tâm thành phố. Chính vì vậy, trong thời gian tới, nguồn cung BĐS liền thổ sẽ tiếp tục hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội cho nguồn cung liền thổ giá cả phải chăng ở các tỉnh lân cận.