Hệ thống chính sách về tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước trên thế giới
Các quốc gia trong khối ASEAN
Ở hầu hết quốc gia trong khối ASEAN, tiêu chuẩn quốc gia chỉ do một đầu mối là cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia ban hành. Cơ quan tiêu chuẩn hoá của các nước ASEAN chịu trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn quốc gia và đại diện trong các tổ chức quốc tế, khu vực về tiêu chuẩn hoá.
Ví dụ: tại Thái Lan là Viện Tiêu chuẩn công nghiệp Thái Lan (TISI) thuộc Bộ Công nghiệp; tại Malaysia là Tổng cục Tiêu chuẩn Malaysia (DSM) thuộc Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường; tại Singapore là Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia (Enterprise Singapore); tại Indonesia là Cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia trực thuộc Chính phủ (BSN)…
Trong số 10 nước thuộc khối ASEAN thì 6 nước có hoạt động tiêu chuẩn hoá khá phát triển là Indonexia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Phillippines và Singapore. Các nước này đều là thành viên chính thức của các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế hàng đầu (ISO, IEC, ITU), đóng góp tích cực vào hoạt động tiêu chuẩn hoá khu vực (APEC,ASEAN, PASC). Các nước này đều có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia được thiết lập và phân loại theo khung phân loại tiêu chuẩn quốc tế ICS.
Các nước này đều có chung phương hướng đẩy mạnh việc chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC thành tiêu chuẩn quốc gia, đặc biệt là Philippines, Singapore và Malaysia có tỷ lệ chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC thành tiêu chuẩn quốc gia khá cao. Điều này đã làm cho hoạt động thương mại trở nên dễ dàng hơn, vượt qua rào cản kỹ thuật của thị trường khó tính. Tại các nước đang phát triển, trong đó có các quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonexia, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia là các cơ quan thuộc Chính phủ.
Các nước đều có quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động tiêu chuẩn. Malaysia ban hành Luật Tiêu chuẩn (Act 549), hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc gia ở Indonexia được điều chỉnh bởi Nghị định Chính phủ số 102/2000. Luật Tiêu chuẩn của Philippines quy định về việc thành lập Cục Tiêu chuẩn (BS) trực thuộc Bộ Công Thương (DTI).
Về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, hiện nay, trong khu vực ASEAN chỉ có Indonesia là quốc gia có chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia cụ thể, Cơ quan Tiêu chuẩn hóa quốc gia (BSN) với tư cách là cơ quan của Chính phủ có chức năng rà soát, xây dựng chính sách quốc gia trong lĩnh vực tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ phát triển vĩ mô, điều phối hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc gia từ 2015 – 2025 đối với tất cả các bên liên quan. Với mục tiêu Chiến lược quốc gia 2015-2025, Indonesia mong muốn “Hệ thống tiêu chuẩn sẽ hỗ trợ cạnh tranh quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Indonesia xác định thực hiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm: Bảo vệ an toàn, an ninh và sức khỏe cộng đồng cũng như bảo tồn môi trường; Tăng cường niềm tin vào các sản phẩm quốc gia trên thị trường nội địa; Mở ra khả năng tiếp cận các sản phẩm quốc gia trên thị trường toàn cầu; Tạo một nền tảng cho hệ thống đổi mới quốc gia; Tăng lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm quốc gia.
Các quốc gia ngoài khu vực ASEAN
Tại Liên bang Nga, trong lĩnh vực xây dựng pháp luật về tiêu chuẩn hóa, Liên bang Nga đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ thông qua việc xây dựng và ban hành Luật Liên bang về Tiêu chuẩn hoá năm 1993 và sau đó 9 năm, ban hành Luật Liên bang về quy chuẩn kỹ thuật để thay thế cho Luật nêu trên song song với việc hình thành và phát triển bộ luật liên bang về tiêu chuẩn hoá.
Ngày 27/12/2002, Tổng thống Liên Bang Nga V. Putin đã ký Lệnh ban hành Luật Liên bang No 184-F3 về quy chuẩn kỹ thuật sau khi Đuma Quốc gia Nga đã thông qua ngày 15/12/2002 và Hội đồng Liên bang đã chấp nhận ngày 18/12/2002. Đến năm 2015, Nga đã ban hành Luật Tiêu chuẩn hóa mới nhằm tăng cường hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, đảm bảo phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Trung Quốc ban hành Luật Tiêu chuẩn hóa năm 2017. Trung Quốc cũng là quốc gia đạt được thành tựu lớn khi xây dựng và triển khai có hiệu quả Chiến lược tiêu chuẩn hóa ngay sau khi ra nhập WTO. Thời gian này, ngoài các mục tiêu cần đạt được, Trung Quốc xác định 4 định hướng chiến lược gồm: Xây dựng các tiêu chuẩn đại diện cho thành tựu đổi mới độc lập của Trung Quốc; Đẩy mạnh tham gia vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn hóa quốc tế, khai thác hiệu quả công nghệ mới của thế giới; Trọng tâm phát triển hệ thống tiêu chuẩn trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên liên quan, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện.
Kết quả là trong báo cáo tổng kết giai đoạn 1 thực hiện Chiến lược tiêu chuẩn hóa, có rất nhiều thành tích vượt bậc trong đó phải kể đến việc Trung Quốc có những bước tiến ngoạn mục khi đưa được hàng nghìn chuyên gia tham gia sâu vào các ban kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, thể thiện vị thế đáng nể và một cải tiến lớn về hình ảnh của Trung quốc. Từ 2008, Trung Quốc trở thành một trong sáu thành viên thường trực của Hội đồng ISO, ITU, IEC.
Luật Tiêu chuẩn Nhật Bản được ban hành vào năm 1949 nhằm nâng cao chất lượng và hợp lý hóa sản xuất các sản phẩm công nghiệp và khoáng sản, đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tiêu chuẩn hóa của Nhật Bản. Cụ thể, nó tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động của Ủy ban tiêu chuẩn công nghiệp (JISC); các tiêu chuẩn Nhật Bản (JIS) và hệ thống đánh giá sự phù hợp quốc gia của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ.
Năm 2018, Nhật Bản đã ban hành Luật Tiêu chuẩn sửa đổi. Theo đó, mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đối với lĩnh vực dịch vụ và các lĩnh vực khác phù hợp với thông lệ tiêu chuẩn quốc tế; Đẩy mạnh phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (JIS) vì quá trình phát triển của các tiêu chuẩn quốc tế cũng như sự phát triển của công nghệ mới ngày càng trở nên nhanh hơn; Chủ động, tích cực đóng góp và tham gia vào các hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế để đưa các công nghệ mới của Nhật Bản chiếm lĩnh thị trường quốc tế; Tăng cường các biện pháp phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật giữa JISC và các hiệp hội, ngành sản xuất Nhật Bản.
Hàn Quốc ban hành luật khung về tiêu chuẩn quốc gia (1999); Luật Tiêu chuẩn hóa công nghiệp (1961). Theo đó, Luật khung về tiêu chuẩn quốc gia đưa ra các quy định chung về tiêu chuẩn quốc gia như khái niệm tiêu chuẩn quốc gia, cơ quan có thẩm quyền xây dựng tiêu chuẩn, quy trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia…, còn Đạo luật Tiêu chuẩn hóa công nghiệp tập trung vào các quy định liên quan đến tiêu chuẩn hóa công nghiệp. Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của Hàn Quốc là Cơ quan Công nghệ và Tiêu chuẩn Hàn Quốc (KATS), trực thuộc Bộ Kinh tế Tri thức. KATS đóng vai trò đặc biệt quan trọng trongchương trình tiêu chuẩn quốc gia của Hàn Quốc.
Hoa Kỳ không có một luật cụ thể về tiêu chuẩn hóa. Các quy định liên quan đến tiêu chuẩn hóa được quy định rải rác tại các luật như: Luật Phát triển và Chuyển giao Công nghệ Quốc gia (NTTAA), Luật An toàn sản phẩm cho người tiêu dùng, Luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp bảo hiểm y tế, Luật Quản lý thực phẩm và thuốc. Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của Hoa Kỳ là Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (ANSI).
Để phát triển toàn diện, hiệu quả hệ thống tiêu chuẩn, Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Hoa Kỳ (USSS) đặt ra mục tiêu chiến lược để hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe, an toàn của Hoa Kỳ và thương mại toàn cầu, hướng dẫn cách Hoa Kỳ phát triển và sử dụng các tiêu chuẩn, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển các tiêu chuẩn quốc tế. USSS được cập nhật 5 năm một lần để đảm bảo việc tiếp tục đáp ứng nhu cầu, lợi ích đa dạng của Hoa Kỳ, phản ánh những tiến bộ về công nghệ, các lĩnh vực tăng trưởng của ngành, các ưu tiên quốc gia và quốc tế, cũng như cập nhật những chính sách liên quan của chính phủ Hoa Kỳ. Chiến lược khẳng định rằng Hoa Kỳ cam kết thực hiện hoạt động tiêu chuẩn hóa tự nguyện qua hình thức tiếp cận dựa trên lĩnh vực, trên phạm vi cả nước và toàn cầu.
Tại châu Âu, quy định tiêu chuẩn hóa Châu Âu (EU) số 1025/2012, cung cấp cơ sở pháp lý để sử dụng các tiêu chuẩn Châu Âu cho các sản phẩm và dịch vụ, xác định các thông số kỹ thuật ICT và tài trợ cho quá trình tiêu chuẩn hóa. Quy định này cung cấp khuôn khổ pháp lý cho phép Ủy ban châu Âu yêu cầu các Tổ chức tiêu chuẩn hóa châu Âu (ESO) soạn thảo các tiêu chuẩn và tiêu chuẩn hóa phân phối cho hàng hóa, dịch vụ nhằm hỗ trợ các chính sách của EU và luật của EU, để EU hỗ trợ hoạt động của Hệ thống Tiêu chuẩn hóa Châu Âu (ESS) và đặt ra các tiêu chí chính cho hoạt động của ESS. Do đó, Quy chế trao vai trò trung tâm cho ba ESO, đó là CEN, CENELEC và ETSI. Cho đến nay, đây là những thực thể duy nhất được phép xây dựng các tiêu chuẩn châu Âu để hỗ trợ luật pháp của EU.
Các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế
Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) ban hành chiến lược hoạt động với các mục tiêu: gắn bó chặt chẽ với thị trường và xã hội (đáp ứng hiệu quả nhu cầu của thị trường và xã hội, tập hợp sự tham gia của tất cả các bên liên quan, cung cấp giải pháp sáng tạo trong hợp tác với tổ chức khác); mô hình kinh doanh bền vững (tạo dựng sự tin tưởng và phổ quát của thương hiệu IEC trên toàn thế giới, đảm bảo sự ổn định lâu dài thông qua các nguồn doanh thu đa dạng và bền vững, thiết lập nền tảng pháp lý vững chắc cho toàn bộ mô hình kinh doanh);
Tổ chức linh hoạt đạt được một cơ cấu quản trị minh bạch giải quyết các cơ hội và thách thức, đảm bảo hoạt động của IEC có liên quan và được sử dụng ở mọi nơi, đại diện cho tất cả lợi ích liên quan ở tất cả các cấp, thu hút được các lãnh đạo và chuyên gia tốt nhất); hoạt động nhạy bén (nắm bắt những cách làm việc mới, tạo ra quy trình và hoạt động linh hoạt, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, cung cấp các công cụ CNTT hiện đại nhất).
Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã công bố Chiến lược ISO 2030, trong đó thiết lập tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức nhằm làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, an toàn hơn và tốt hơn – được hỗ trợ bởi một loạt mục tiêu và ưu tiên có thể hành động. Với nỗ lực hợp tác, các thành viên từ 165 quốc gia đã đóng góp vào việc phát triển, hoàn thiện và công bố tiêu chuẩn. Chiến lược ISO 2030 xác định bốn “động lực chính của sự thay đổi” là các lĩnh vực mà tiêu chuẩn quốc tế có tác động và có mức độ liên quan nhiều nhất trên toàn cầu, đó là: kinh tế, công nghệ, xã hội và môi trường. Chiến lược kết hợp sáu hành động ưu tiên của ISO để đạt được mục tiêu và tối đa hóa tác động của nó.
Đánh giá chung
Nhìn chung, hệ thống tiêu chuẩn của mỗi quốc gia có đặc điểm chung như sau: Hệ thống tài liệu/văn bản quy chuẩn (normative documents) của mỗi quốc gia bao gồm các loại hình: tiêu chuẩn (standard), quy định kỹ thuật (technical specification), quy phạm thực hành (code of practice), quy chuẩn kỹ thuật (technical regulation) và một số loại hình tài liệu nữa tồn tại, áp dụng trong thực tiễn của hoạt động tiêu chuẩn hoá và lập quy quốc tế, khu vực và ở các quốc gia.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của các nước đa phần bao gồm hai hình thức: bắt buộc áp dụng và tự nguyện áp dụng, trong đó hình thức tiêu chuẩn tự nguyện được đa số các nước áp dụng. Quy chuẩn kỹ thuật sẽ là bắt buộc áp dụng.
Tất cả các quốc gia đều ưu tiên sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế làm cơ sở để tham khảo hoặc chấp nhận thành các tiêu chuẩn quốc gia, các thủ tục đánh giá sự phù hợp. Tuy nhiên, quy trình xây dựng, thẩm định, áp dụng cần phải có bước đi cụ thể vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập vừa phù hợp trình độ phát triển khoa học công nghệ của mỗi nước.
Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc gia, đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế. Một số quốc gia quy định cụ thể cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia trong luật tiêu chuẩn như Malaysia,Nhật Bản…; một số quốc gia khác quy định chung cơ quan tiêu chuẩn hóa thuộc các cơ quan Chính phủ như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc…; đối với các quốc gia khác như Hoa Kỳ, các quốc gia châu Âu, cơ quan tiêu chuẩn hóa là các tổ chức độc lập, không thuộc Chính phủ nhưng vẫn chịu sự giám sát của Chính phủ và có sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong hoạt động tiêu chuẩn hóa.
Các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn được quy định theo nguyên tắc chung trong pháp luật về tiêu chuẩn của quốc gia, được thành lập bởi cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, có nhiệm vụ hỗ trợ cho các cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia trong hoạt động xây dựng, phổ biến áp dụng tiêu chuẩn.
Pháp luật về tiêu chuẩn của các quốc gia trên thế giới hiện nay không quy định cụ thể về tiêu chuẩn doanh nghiệp, hiệp hội (tương đương với tiêu chuẩn cơ sở trong hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn tại Việt Nam), mà chỉ đề ra các nguyên tắc chung trong việc xây dựng, công bố, áp dụng các dạng tiêu chuẩn này.
Ví dụ như Luật Tiêu chuẩn hóa của Trung Quốc quy định: Một doanh nghiệp, nếu có nhu cầu, có thể tự xây dựng tiêu chuẩn doanh nghiệp hoặc làm việc với doanh nghiệp khác để hợp tác phát triển các tiêu chuẩn doanh nghiệp; Nhà nước hỗ trợ việc sử dụng công nghệ sáng tạo bản địa để phát triển các tiêu chuẩn hiệp hội và tiêu chuẩn doanh nghiệp trong lĩnh vực như các ngành then chốt, các ngành chiến lược mới nổi và công nghệ quan trọng; Các yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn doanh nghiệp, hiệp hội không được thấp hơn yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc.
Ngoài những đặc điểm chung trong các quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, mỗi quốc gia lại có các quy định cụ thể khác nhau, đặc biệt trong hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo được tính thống nhất về các yếu tố cốt lõi về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Ví dụ đối với hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, Luật Tiêu chuẩn hóa của Trung Quốc quy định “Các tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc phải được xây dựng cho các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe con người, an toàn tính mạng và tài sản, an ninh quốc gia và an ninh môi trường sinh thái, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của quản lý kinh tế và xã hội”. Trong khi đó, Luật TC&QCKT của Việt Nam quy định “Tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện. Toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn cụ thể trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật”.
Các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực như ISO, IEC, ITUCEN/CENELEC,… ban hành các chiến lược tiêu chuẩn hóa hướng đến các giá trị phổ quát, mang tính dẫn dắt để thế giới an toàn hơn, thuận tiện hơn, hiệu quả hơn, ngày càng thu hút nhiều thành phần xã hội tham gia quá trình xây dựng tiêu chuẩn và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.
Tóm lại, Luật TC&QCKT của Việt Nam về cơ bản tương thích với pháp luật của các quốc gia trên thế giới, đảm bảo phù hợp đối với các yếu tố cốt lõi về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, giúp thuận tiện hơn trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn các nội dung cần phải xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với hoạt động thực tiễn cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT không chỉ khắc phục những tồn tại, hạn chế đang hiện hữu trong quá trình áp dụng Luật TC&QCKT năm 2006 mà còn hướng đến mục tiêu tạo dựng được một hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp nhiều hơn vào quá trình tiêu chuẩn hóa, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, từ đó, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia cũng là nhiệm vụ cần thiết để định hướng, thúc đẩy phát triển tiêu chuẩn hóa và tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.
Phong Lâm