Di tích Báo Than: Địa điểm không thể bỏ lỡ của các cầu thủ dự Press Cup Cẩm Phả 2022

Di tích Báo Than: Địa điểm không thể bỏ lỡ của các cầu thủ dự Press Cup Cẩm Phả 2022

Di tích Báo Than (phố Quang Trung, TP. Cẩm Phả) được xem là địa chỉ đỏ của báo chí cách mạng vùng mỏ Quảng Ninh. Đây được xem là một trong những điểm đến ý nghĩa đối với các cầu thủ dự Press Cup Cẩm Phả 2022.

bao Than

Di tích báo Than vẫn đang trong quá trình đề nghị xếp hạng. Ảnh: Ngọc Hà

Di tích Báo Than (phố Quang Trung, TP Cẩm Phả) là một di tích có giá trị lớn về lịch sử. Ngày nay, di tích còn là điểm giáo dục truyền thống về lịch sử đấu tranh vùng than, là điểm hẹn cho lớp phóng viên trẻ muốn tìm hiểu về lịch sử báo chí vùng mỏ.

Ngược dòng lịch sử, từ những năm 20 của thế kỷ trước, Quảng Ninh là khu công nghiệp mỏ lớn nhất của thực dân Pháp, có đội ngũ công nhân đông đảo, cũng là cái nôi hình thành và phát triển phong trào công nhân. Đây cũng là một trong những nơi được tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt chú ý và cử nhiều cán bộ về phát triển phong trào.

Cuối năm 1928, hai nhóm Thanh niên Cẩm Phả và Cửa Ông ghép lại thành một chi bộ do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư. Đây là chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở Quảng Ninh. Chi bộ này đã tổ chức xuất bản tờ báo địa phương, lấy tên là Báo Than, phụ trách và viết bài là đồng chí Đặng Châu Tuệ, Bí thư Chi bộ. Người phụ trách in là đồng chí Vũ Thị Mai, công nhân nhà sàng. Toà soạn báo đặt tại ngôi nhà nhỏ thuộc phố Boóc-đô (nay là số 22, Quang Trung, Cẩm Đông, TP Cẩm Phả).

Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, từ cuối năm 1928 đến đầu năm 1931, có lúc phải ngừng xuất bản nhưng Báo Than đã gây được ảnh hưởng sâu rộng trong công nhân mỏ, phát huy vai trò để các Chi bộ, Đặc khu uỷ tuyên truyền, vận động cách mạng, đoàn kết, tập hợp quần chúng Vùng mỏ dưới lá cờ của Đảng đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc.

bao Than 1

Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh tổ chức kỷ niệm 90 năm ra đời Báo Than

Theo năm tháng, hiện ngôi nhà nơi đặt Tòa soạn vẫn được bảo tồn, khẳng định giá trị lịch sử và được nhiều thế hệ làm báo ghé thăm.

Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo tỉnh Quảng Ninh, Phó trưởng BTC Press Cup 2022 cho biết, Di tích Báo Than không chỉ đóng vai trò khởi nguồn của báo chí Quảng Ninh, mà qua đấy, các thế hệ đi sau có thể có một cái nhìn, hình dung về một giai đoạn lịch sử mà trong đó báo chí đóng vai trò quan trọng, đồng hành với phong trào công nhân, đấu tranh giải phóng vùng mỏ, dân tộc. Với những giá trị đó, đây là điểm đến để giáo dục, tự hào truyền thống ý nghĩa cho các thệ hệ làm báo, đặc biệt là thế hệ trẻ.

“Trong những năm gần đây, để bảo vệ di tích quý giá này, TP Cẩm Phả đã đưa di tích vào danh mục kiểm kê, phân loại để quản lý, bảo vệ. Năm 2014, di tích đã được gắn biển tạo điều kiện cho công tác quản lý, bảo tồn cũng như nghiên cứu, đề xuất xếp hạng di tích. Hy vọng, các nhà báo, phóng viên dự Press Cup sẽ có thêm một điểm đến ý nghĩa tại di tích này”, nhà báo Đỗ Ngọc Hà cho biết thêm.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và TP Cẩm Phả cũng đang phối hợp để bảo tồn, phát huy, đưa di tích này vào kết hợp cùng với các di tích ngoài trời như tòa nhà Trụ sở Thị ủy cũ, Quảng trường 12/11 và một số tòa nhà cũ trên địa bàn… nhằm tạo thành một cụm di tích ngoài trời có giá trị.

Empty

Bạn cũng có thể thích