Những người “gác cổng” hệ thống Y tế Thủ đô – Kỳ 1: “A lô! Y tế xã, phường xin nghe!”

Những người “gác cổng” hệ thống Y tế Thủ đô - Kỳ 1: “A lô! Y tế xã, phường xin nghe!”
Những ngày này, cán bộ y tế phường Đức Thắng tất bật với việc xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm.

Những cuộc gọi bất kể ngày đêm

“A lô! Trường hợp của bác đã hết thời hạn cách ly tại nhà, nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe. Nếu có dấu hiệu bất thường về đường hô hấp phải báo ngay nhé!”; “Chiều nay, mời anh đúng giờ đến điểm tiêm chủng của phường để được tiêm vắc xin ngừa Covid-19”; “Ngày mai, phường vẫn tiêm chủng cho trẻ em nhé”… Đây chỉ là một trong số ít những nội dung mà mỗi ngày, nhân viên y tế phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) phải nghe, tư vấn và trả lời.

Những ngày này, số điện thoại của các y, bác sĩ, nhân viên Trạm Y tế phường Đức Thắng đã trở thành đường dây nóng của bà con nhân dân, cán bộ trên địa bàn. Mỗi ngày, bà Đỗ Thị Kỳ – Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đức Thắng phải tiếp hàng chục cuộc điện thoại của người dân để giải đáp thắc mắc và tư vấn sức khỏe. Chưa kể, tại phường Đức Thắng, ngoài số điện thoại của bà Kỳ thì 3 số điện thoại khác từ số cố định của Trạm Y tế phường cho đến số của Trạm trưởng và một nhân viên y tế khác đều được công khai cho người dân mỗi khi cần được trợ giúp về y tế.

Thậm chí, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở đợt dịch thứ 4 này, những cuộc gọi từ sáng sớm, giữa trưa cho đến lúc nửa đêm không còn khiến các nhân viên y tế bất ngờ nữa. Bà Kỳ cũng như những đồng nghiệp của mình luôn trong tâm thế “trực chiến”, nhận được lệnh là lên đường ngay. Trong “cuộc chiến” lần này, phường Đức Thắng cũng là một trong những địa phương xuất hiện “ổ dịch” sớm, thậm chí một Tổ dân phố đã bị phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để tiến hành truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Những người “gác cổng” hệ thống Y tế Thủ đô - Kỳ 1: “A lô! Y tế xã, phường xin nghe!”
Để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, cán bộ y tế phường Đức Thắng phải lấy mẫu buổi tối, kể cả những ngày trời mưa gió.

Bà Kỳ nhớ lại, 12 giờ trưa ngày 27/7, sau khi vừa hoàn thành nốt công việc của buổi tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân vào buổi sáng, các nhân viên y tế úp tạm gói tôm ăn cho qua bữa để kịp thời đón tiếp người tiêm vào buổi chiều. Thế nhưng mới kịp gắp được vài đũa, Trạm Y tế phường nhận được tin xuất hiện 1 ca F1 trên địa bàn. Lập tức, Trạm Y tế phân thành 2 lực lượng, 1 đội tiếp tục công việc tiêm buổi chiều; bà Kỳ cùng 2 người khác phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành vẽ sơ đồ ổ dịch, truy vết, khoanh vùng đối tượng.

“Khi chúng tôi có mặt, F1 đã bắt đầu có những dấu hiệu khó thở. Ngay lập tức, chúng tôi tiến hành các biện pháp nghiệp vụ liên quan và báo cáo lên cấp trên. Chưa đầy 1 tiếng sau khi nhận được tin báo, đội phản ứng nhanh của quận Bắc Từ Liêm đã nhanh chóng có mặt. Lúc đó, cán bộ y tế phường vẫn đang miệt mài làm công tác điều tra các hộ gia đình xung quanh, đánh giá nguy cơ, lẫy mẫu xét nghiệm và lập chốt kiểm soát…”, bà Kỳ cho biết.

Những ngày sau đó mới thật sự là những ngày vất vả của lực lượng cán bộ y tế phường Đức Thắng. Ngay ngày hôm sau tiến hành đưa F1 đi cách ly tập trung thì F1 đã chuyển thành F0, phường Đức Thắng đã nhanh chóng tiến hành cách ly toàn bộ Tổ dân phố số 5. Tiếp sau đó, 2 người thân của bệnh nhân cũng lần lượt trở thành F0 khiến người dân trên địa bàn vô cùng hoang mang. Lúc này, song song với công tác tiêm chủng, việc lấy mẫu xét nghiệm cũng là mục tiêu quan trọng. Có những buổi trưa nắng cháy da hay những buổi đêm mưa như trút nước, các nhân viên y tế đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Khi các bà bầu cũng tham gia chống dịch

Đầu tháng 8/2021, khi dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu căng thẳng, những cuộc gọi đến “đường dây nóng” của các trạm y tế lại càng nhiều hơn. Tất nhiên, trên địa bàn phường Đức Thắng, các “đường dây nóng” cũng liên tục trong trạng thái “cháy máy”. Nhất là thời điểm liên quan đến ổ dịch tại Công ty thực phẩm Thanh Nga (quận Hai Bà Trưng), có 1 nhân viên F0 giao hàng tại một siêu thị trên địa bàn phường Đức Thắng.

Những người “gác cổng” hệ thống Y tế Thủ đô - Kỳ 1: “A lô! Y tế xã, phường xin nghe!”
Công tác tiêm chủng cũng được tiển khai một cách nhanh chóng

Thời điểm ấy, có những hôm bà Kỳ cùng đồng nghiệp phải liên tục trả lời điện thoại từ sáng cho đến tận đêm để trấn an và hướng dẫn người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống dịch. “Có những ngày nhân viên y tế chúng tôi đi làm từ 6 giờ sáng và về nhà lúc 12 giờ đêm. Thật sự, đến thời điểm này, khi ổ dịch tại phường Đức Thắng đã cơ bản được kiểm soát, không phát sinh ca mắc mới, nhân viên y tế tại Trạm cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. Chúng tôi đã và đang đóng góp một phần sức lực của mình trong công tác phòng, chống dịch, tạo sự bình yên cho người dân”, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đức Thắng bày tỏ.

Và có lẽ, Trạm Y tế phường Đức Thắng là một trong những trạm y tế đặc biệt nhất trên địa bàn, bởi trong tổng số 11 cán bộ y tế của Trạm có đến 3 “thai phụ” và 1 người mới nghỉ sinh. Vất vả khi trong một thời gian ngắn phải hoàn thành nhiều đầu việc nhưng sự đoàn kết, nhiệt tình, nỗ lực hết mình của các nhân viên y tế chính là “chìa khóa” quan trọng nhất.

Chị Lê Thị Hà, Nguyễn Thị Phương Thanh, Nguyễn Bích Ngọc… là những nhân viên y tế đang công tác tại Trạm y tế phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm). Điều đáng nói là, cả 3 nhân viên y tế này mặc dù đang mang thai, thậm chí có người đang ở tuần thứ 40 vẫn bằng cách này hay cách khác góp sức vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Đang mang thai ở tháng thứ 9, thế nhưng hàng ngày, chị Nguyễn Bích Ngọc (31 tuổi) vẫn nhiệt tình tham gia công tác rà soát lại đối tượng ho, sốt, gọi điện thoại kiểm tra, xác minh đối tượng nghi nhiễm trên địa bàn, xếp lịch tiêm chủng, phân luồng bệnh nhân. “Thời gian qua, khi xuất hiện các ca F0 trên địa bàn thì công việc của các nhân viên y tế phường càng thêm phần vất vả, gần như ko có thời gian nghỉ trưa. Chứng kiến những khó khăn, vất vả của các anh, chị, em đồng nghiệp, chúng tôi không ai bảo nhau đều mong muốn góp một phần sức mình vào công tác phòng, chống dịch”, chị Ngọc chia sẻ.

Những người “gác cổng” hệ thống Y tế Thủ đô - Kỳ 1: “A lô! Y tế xã, phường xin nghe!”
Mặc dù đang mang thai ở nhưng 3 cán bộ y tế phường Đức Thắng vẫn nhiệt tình tham gia hỗ trợ công tác chống dịch

Với lực lượng nhân lực mỏng, nhưng đến nay, trên địa bàn phường Đức Thắng đã tiêm được gần 4.000 mũi vắc xin Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 1.000 đối tượng. Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em đều được diễn ra đầy đủ, an toàn; các hoạt động kiểm tra, giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cũng được hoàn thành một cách tốt nhất.

Chị Ngọc chia sẻ: “Dù mệt nhưng tinh thần chúng tôi vẫn đặt trên cao nhất để cố gắng làm sao càng nhanh càng tốt, góp sức vào công tác phòng, chống dịch. Những ngày này, khối lượng công việc khá nhiều nên chúng tôi mỗi người cố gắng một chút để làm sao ngăn chặn dịch, điều tra hết những yếu tố tiếp xúc để kết thúc những thứ liên quan đến ca bệnh đó càng sớm càng tốt. Vì vậy mà chúng tôi luôn đặt tinh thần lên đầu, luôn chú tâm vào công việc”.

Y tế cơ sở là tuyến trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường thì tuyến y tế cơ sở càng phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các vấn đề liên quan tới công tác phòng, chống dịch, công tác tiêm chủng… tạo đồng thuận cho người dân, để từ đó người dân cùng chung sức, đồng lòng thì công tác phòng, chống dịch mới đạt được hiệu quả bền vững.

Kim Tiến – Minh Khuê

(Kỳ 2: Dấu ấn những bước chân không mỏi)

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích