Khắc phục bất cập về công bố, ban hành tiêu chuẩn cơ sở
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2006 (Luật số 68/2006/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Qua hơn 15 năm thực hiện quy định của Luật TC&QCKT và các văn bản hướng dẫn, hoạt động tiêu chuẩn hóa đã được nâng lên cả chất và lượng, công tác lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã chặt chẽ hơn, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật TC&QCKT được ban hành đầy đủ.
Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai công tác lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn/ban hành quy chuẩn kỹ thuật, cũng như hoạt động áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tiễn hơn 15 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam thời gian qua cho thấy Luật TC&QCKT còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính cũng như bảo đảm thi hành các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết.
Trong các hạn chế, bất cập được xác định có hạn chế, bất cập về quy trình, thủ tục xây dựng, công bố, ban hành tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), Quy chuẩn địa phương (QCĐP).
Các thông tư hướng dẫn chi tiết của Bộ Khoa học và Công nghệ (Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN ngày 25/12/2019 về xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật; Thông tư số 11/2021/TT-BKHCN ngày 18/11/2021 về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn) đã được sửa đổi, bổ sung và cơ bản đã hoàn thiện về quy trình, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, do ban hành từ năm 2006 nên một số quy định trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật điều chỉnh hoạt động xây dựng, thẩm định, công bố TCVN, ban hành quy chuẩn kỹ thuật đã không còn phù hợp với thực tiễn.
Mặt khác, hoạt động xây dựng, ban hành QCĐP thời gian qua phát triển mạnh, nhưng quy định trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hướng dẫn QCĐP lại khá chung chung, chưa cụ thể, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xây dựng QCĐP tại các địa phương. Vì vậy, các địa phương còn lúng túng khi tiến hành xây dựng, thẩm định, áp dụng QCĐP trong thực tế hiện nay.
Cụ thể, quy định về quy trình xây dựng TCVN, QCVN, Điều 17 và Điều 29 Luật TC&QCKT quy định trong trường hợp cấp thiết liên quan đến sức khoẻ, an toàn, môi trường thì thời gian lấy ý kiến dự thảo TCVN, QCVN có thể ngắn hơn. Quy định này chưa bao quát hết các trường hợp cấp thiết khác như dịch bệnh, thiên tai, đặt vào trong bối cảnh dịch bệnh và biến đổi khí hậu hiện nay. Cụ thể, trong đại dịch covid vừa qua, hoạt động xây dựng, công bố TCVN cho các trang thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ công tác chống dịch gặp một số khó khăn, bất cập trong việc đưa vào kế hoạch xây dựng, thẩm định dẫn đến việc công bố, áp dụng TCVN chưa được kịp thời.
Quy định về quy trình xây dựng QCĐP, trong quá trình xây dựng QCĐP, trong một số trường hợp việc lấy ý kiến Bộ quản lý chuyên ngành khá chậm, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng QCĐP. Nguyên nhân do Luật quy định các bộ tổ chức xem xét cho ý kiến đối với các QCĐP, tuy nhiên, nhiều trường hợp nội dung QCĐP phức tạp thì Bộ quản lý chuyên ngành cần tổ chức họp hội đồng tham vấn chuyên gia và các bên liên quan. Nhưng Luật không quy định bước này nên không thể tổ chức hội đồng tham vấn.
Về quy định xây dựng, công bố, quản lý tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), Luật TC&QCKT quy định các tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở bao gồm: Tổ chức kinh tế; Cơ quan nhà nước; Đơn vị sự nghiệp; Tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Khoản 1 Điều 20 Luật TC&QCKT quy định “Tiêu chuẩn cơ sở do người đứng đầu tổ chức quy định tại khoản 3 Điều 11 của Luật này tổ chức xây dựng và công bố để áp dụng trong các hoạt động của cơ sở”.
Về bản chất hoạt động xây dựng tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước thể hiện tính quyền lực, phục vụ công ích, áp dụng trên phạm vi rộng, phù hợp với việc xây dựng, áp dụng TCVN hơn. Theo quy định pháp luật về TC&QCKT, TCCS được xây dựng và chỉ áp dụng trong giới hạn phạm vi hoạt động của tổ chức công bố TCCS, nên không phù hợp với hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn quy định này đã làm phát sinh một số trường hợp lách luật khi cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, công bố TCCS (theo quy định pháp luật chỉ được áp dụng giới hạn trong phạm vi của cơ quan nhà nước đó, nhưng thực tế lại áp dụng cho các tổ chức, cá nhân liên quan trên phạm vi toàn quốc), gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ví dụ: Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định hoạt động thẻ ngân hàng phải thực hiện tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip nội địa tại Quyết định số 1927/QĐ-NHNN ngày 05/10/2018 về công bố 10 tiêu chuẩn cơ sở. Như vậy, có thể thấy mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố 10 TCCS, tuy nhiên, lại được viện dẫn đến Thông tư số 19/2016/TT-NHNN là văn bản pháp luật bắt buộc áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động thẻ tại Việt Nam. Do vậy, trái quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn về phạm vi áp dụng của TCCS (chỉ áp dụng nội bộ trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Việc sửa đổi Luật TC&QCKT tạo thuận lợi cho việc xử lý vi phạm trong công bố tiêu chuẩn cơ sở. Ảnh minh hoạ
Hiện nay, một số tổ chức, doanh nghiệp xây dựng TCCS mang tính chất đối phó, không dựa trên căn cứ tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định. Điều này dẫn tới chất lượng nội dung của TCCS không cao, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, một số tổ chức, doanh nghiệp khi công bố TCCS chỉ áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có viện dẫn TCVN, nhưng chỉ áp dụng 1 phần của TCVN hoặc cố tình né tránh việc quy định các chỉ tiêu chất lượng thiết yếu, đưa sản phẩm không đảm bảo chất lượng ra thị trường.
Mặt khác, theo quy định pháp luật về TC&QCKT, cơ chế quản lý TCCS rất mở, tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần thông báo tiêu chuẩn áp dụng thông qua hình thức ghi số hiệu tiêu chuẩn hoặc các đặc tính cơ bản trên nhãn, bao gói sản phẩm hàng hóa, hoặc trong các tài liệu giao dịch liên quan. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong thống kê, cập nhật thông tin, số liệu về TCCS; bất cập trong công tác hậu kiểm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm về chất lượng liên quan tới TCCS.
Mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT Mục đích Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quan điểm – Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các quy định liên quan đến minh bạch hóa, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại. – Bảo đảm hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. – Khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, toàn diện của hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, bổ sung các quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện. – Tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm các nước có hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoàn chỉnh, tiến bộ, hiệu quả và vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội ở Việt Nam. |
Phong Lâm