Không ai có quyền phán xét niềm tự hào dân tộc!

Đại dịch rồi sẽ qua, cuộc sống rồi sẽ lại bắt đầu trở về trạng thái bình thường mới. Những ngày này, cùng với cả nước, Hà Nội cũng đang gồng mình chống dịch. Thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để tận dụng thời gian vàng truy vết các F0, khoanh vùng, dập dịch.

Mặc dù hiện tại Hà Nội dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng với phương châm “Thủ đô vì cả nước”, “vì đồng bào thân yêu, vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vẫn hướng về miền Nam với những trợ giúp ý nghĩa và cả đội ngũ y, bác sĩ từ Thủ đô liên tiếp “xuất quân” vào thành phố Chí Minh và các tỉnh Nam bộ tham gia công tác phòng, chống dịch.

Không ai có quyền phán xét niềm tự hào dân tộc!
Cách mạng tháng Tám với thành công cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội vào ngày 19/8/1945 đã góp phần giành chính quyền về tay Nhân dân, đưa nước ta từ thân phận nô lệ trở thành nước độc lập, tự do. Trong bất luận hoàn cảnh nào có những hoạt động, việc làm tưởng nhớ về những ngày mùa Thu cách mạng là trách nhiệm của Chính quyền và toàn thể nhân dân với đạo lý uống nước nhớ nguồn. (Ảnh: Tư liệu)

Với phương châm “dồn sức cho công tác phòng, chống đại dịch”, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố, thành phố Hà Nội đã liên tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo về tiết kiệm chi. Mới đây nhất, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã ban hành văn bản số 2672/UBND-KT về việc tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên năm 2021. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện cắt giảm chi thường xuyên đối với những lĩnh vực chưa cấp thiết, tạm dừng mua sắm các thiết bị tại các cơ quan công sở. Tiết kiệm tối đa việc chi tiêu để “dồn tiền” phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 một số lượng lớn người lao động làm việc trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đặc biệt những lao động tự do ở Hà Nội. Để kịp thời chia sẻ khó khăn cho người dân nói chung, người lao động nói riêng, với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, “không ai bị bỏ đói” trong thời gian giãn cách, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong giải ngân nguồn vốn an sinh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Đồng thời, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố liên tiếp ban hành 03 Nghị quyết về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, như hỗ trợ tiền điện nước, hỏa táng; cấp thêm nguồn kinh phí (ngoài nguồn ngân sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ) để hỗ trợ thêm những đối tượng khó khăn. Chính việc làm quyết liệt, bài bản mà hàng nghìn người dân và người lao động gặp khó khăn đã được hỗ trợ kịp thời, an tâm sinh hoạt, chung tay cùng chính quyền thành phố phòng, chống dịch.

Không những thế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, các cấp chính quyền địa phương bên cạnh việc trích nguồn kinh phí tự có, còn kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức để có nguồn lực thực hiện công tác an sinh. Mỗi tổ chức đều có cách làm sáng tạo mà đích cuối cùng “các nhu yếu phẩm” đến tận tay người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn, nhân dân trong vùng phong tỏa một cách sớm nhất.

Trong đó, tổ chức Công đoàn Thủ đô thực hiện hàng chục chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” mang hàng nghìn “Túi An sinh Công đoàn” đến với những người lao động trong khu vực phong tỏa, cách ly; đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội kịp thời giải ngân các nguồn vốn tài trợ; chính quyền các cấp như Tây Hồ, Hoàn Kiếm… bên cạnh việc “gõ cửa” từng nhà có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng lao động tự do để trao quà, nhu yếu phẩm còn vận động các chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà cho người lao động khó khăn…

Tất cả những hành động đó nói lên rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng cách làm sáng tạo, lấy nhân dân làm trung tâm, sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trên nền tảng “không ai bị bỏ lại phía sau”, “không ai bị đói” trong bối cảnh đại dịch vô cùng phức tạp, Đảng bộ, Chính quyền Thành phố cùng với các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể đã hành động với tất cả trách nhiệm, bổn phận trên tinh thần cầu thị, nhân văn để chung tay cùng Thành phố và cả nước vượt qua đại dịch.

Trong bối cảnh đại dịch chưa từng có, đâu đó chúng ta còn thấy một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh chỗ này, chỗ kia người vô gia cư, người lao động thời vụ chưa đủ ăn. Với tinh thần cầu thị, mỗi khi nhận được thông tin phản ánh, Thành phố đã chỉ đạo quận, huyện nơi được phản ánh khẩn trương vào cuộc ngay. Và thực tế đến giờ phút này khó khăn là có, nhưng không có đối tượng nào rơi vào hoàn cảnh bị bỏ đói.

Về vấn đề này, ngay các nước phát triển như Mỹ, Anh, EU, Hàn Quốc… trong những tháng đại dịch chúng ta vẫn gặp những hình ảnh có người thiếu đói trên các phương tiện truyền thông thế giới. Đây là “mảng tối” trong bức tranh phân bổ nguồn lực mà cộng đồng quốc tế cũng đã, đang tìm cách để hóa giải trong bối cảnh đại dịch ngàn năm có một.

Thiên tai, địch họa là phần của cuộc sống, dù có mất mát, đau thương nhưng rồi sẽ qua, cuộc sống rồi lại tái sinh, rồi sẽ lại bắt đầu. Nhưng để có được ngày hôm nay là biết bao công sức của thế hệ cha anh không tiếc máu xương đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. “Ăn quả phải nhớ người trồng cây”.

Hà Nội những ngày thực hiện đợt giãn cách xã hội thứ 2 và 3 trong năm 2021 cũng là thời điểm kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9. Để đảm bảo nguyên tắc chống dịch, Thành phố không tổ chức Lễ mít tinh, ngành Văn hóa chỉ tiến hành treo băng rôn, phướn chào mừng sự kiện đặc biệt của dân tộc trên một số tuyến phố.

Chỉ có vậy, nhưng trên không gian mạng một số người đã nhanh chóng quy chụp rằng trong bối cảnh đại dịch Hà Nội không tiết kiệm vẫn cứ phô trương; trong bối cảnh đại dịch, Hà Nội vẫn biểu ngữ, băng rôn chào mừng Cách mạng tháng Tám. Nên nhớ, để có độc lập, tự do, đất nước phát triển, hội nhập toàn diện với thế giới, đời sống nhân dân ấm no như hôm là công sức của biết bao thế hệ cha ông đã ròng rã chiến đấu gian khổ trên 80 năm, để dưới sự lãnh đạo Đảng, Nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám “long trời lở đất”, nên không ai có quyền được phán xét niềm tự hào của dân tộc!

Xin khẳng định Hà Nội không hoang phí, không vô cảm, mà Hà Nội đang làm bổn phận với những người đã hy sinh vì nền Độc lập tự do của Tổ quốc; không có họ sẽ không biết bao giờ có ngày Tết Độc lập mùng 2/9, không biết đến bao giờ chúng ta thoát khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân để trở thành quốc gia độc lập – tự do, người dân được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Phàm đã sinh ra trong trời đất, bất cứ ai cũng có chút hãnh diện, tự hào cho riêng mình. Phạm vi gia đình, quốc gia cũng vậy. Với quá khứ oai hùng của tiên tổ, khi nhắc lại là góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc nhằm xây dựng đất nước giàu đẹp hơn.

Ngay tại Nga trong bối cảnh đại dịch cũng diễn biến phức tạp, ngày 9/5 họ cũng tổ chức rất hoành tráng Ngày chiến thắng Phát xít. Xin thưa, họ không phô trương, không hoang phí mà họ chỉ muốn ghi nhớ công lao của những người đã ngã xuống và khơi dậy thêm tình yêu dân tộc mà thôi.

Bởi vậy, những ngày mùa Thu lịch sử, đi trên con phố nào của Thủ đô mà nhìn thấy những băng rôn, biểu ngữ chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 thì biết rằng đó là gián tiếp nhắc cho thế hệ sau hãy sống để xứng đáng với những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Và sâu xa hơn để cổ vũ tinh thần dân tộc cho tất cả công dân Thủ đô trong việc chung sức, chung lòng làm nên “Cách mạng tháng Tám” trên mặt trận xây dựng Thủ đô giàu đẹp và trước mắt là chiến thắng đại dịch. Để nhắc nhớ, tạo khí thế, tinh thần, nghĩa đồng bào trong công tác chống đại dịch đang diễn ra.

HL

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích