Hơn 10,2 triệu lượt xe an toàn qua hầm Đèo Cả trong 5 năm qua
(Xây dựng) – Hầm đường bộ Đèo Cả chính thức hoà vào mạng lưới giao thông của đất nước 5 năm trước đã khẳng định trí tuệ, bản lĩnh và khả năng làm được những công trình đòi hỏi về công nghệ, kỹ thuật cao của người Việt.
Ngày 21/8/2017, Tập đoàn Đèo Cả đã bước lên bục vinh quang trong ngành Xây dựng hạ tầng của cả nước bằng công trình đường hầm xuyên núi dài 4,2 km là một trong những công trình tiêu biểu của ngành Xây dựng.
Theo số liệu thống kê của đơn vị quản lý vận hành hầm Đèo Cả, trong 5 năm hầm Đèo Cả đã phục vụ cho 10,2 triệu lượt xe an toàn, rút ngắn thời 45 phút theo cung đường đèo quanh coi, hiểm trở xuống còn 10 phút để vượt qua đèo Cả. Tai nạn giao thông, đã từng là nỗi ám ảnh tại cung đèo này, giảm một cách rõ rệt.
Hầm đường bộ Đèo Cả công trình vừa đạt cột mốc 10 triệu lượt xe an toàn. |
Thừa thắng xông lên, Tập đoàn Đèo Cả đã vươn lên mạnh mẽ sau 5 năm, một thời gian rất ngắn đối với một doanh nghiệp, trở thành một nhà đầu tư hạ tầng giao thông đầy uy tín trong nước, chuyên trị các công trình giao thông khó nhằn đặc biệt là các hầm.
Cũng chỉ trong thời gian đó, bằng khát vọng, tư duy đột phá, sự khác biệt, Đèo Cả đã làm thêm nhiều công trình giao thông quan trọng của đất nước như hầm Cổ Mã, hầm Hải Vân, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Cửa Lục 1, hầm bao biển tại Quảng Ninh.
Hầm đường bộ Hải Vân do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư. |
Trong năm 2022, Tập đoàn Đèo Cả sẽ hoàn thành hầm Thung Thi và sang năm 2023, Tập đoàn này sẽ hoàn thành hầm Trường Vinh và dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là những công trình quan trọng thuộc đại dự án cao tốc Bắc – Nam.
Cán bộ, nhân viên và người lao động tại hầm Đèo Cả đã có 5 năm làm việc hiệu quả khi vận hành một công trình giao thông mang tầm vóc quốc gia, lưu thông thông suốt, không để xảy ra tai nạn.
Hiện nay, đội ngũ vận hành còn thực hiện công việc của mình tại các hầm Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và đặc biệt là cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thiết kế chưa hoàn chỉnh, chỉ mới giai đoạn 1 với lưu lượng trung bình gần 30 nghìn lượt xe ngày đêm, điều đó cho thấy sự nỗ lực rất lớn bên cạnh sự chuyên nghiệp, sự chuẩn bị có tính chủ động.
Hầm đường bộ Đèo cả. |
“Có những lợi ích của hầm Đèo Cả nói riêng và hệ thống hầm xuyên núi dọc miềm Trung còn góp phần rất quan trọng và khó có thể lượng hoá giá trị của nó một cách cụ thể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương Khánh Hoà – Phú Yên – Bình Định. Hôm nay đi qua những ngôi làng ở chân những cung đèo nơi có hầm xuyên núi, rõ ràng có một sự đổi thay rất lớn. Sự tù túng giao thương, nghèo đói đã không còn”, ông Hồ Quang Lợi – Ủy viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định.
Đường dẫn vào hầm đường bộ Đèo Cả. (Nguồn: Internet) |
Ông Nguyễn Thành Quang – nguyên Bí thư tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Cách đây 20 năm, chúng tôi xác định Phú Yên muốn phát triển thì phải kết nối vùng, kết nối được Khánh Hoà ở phía Nam, Bình Định ở phía Bắc, kết nối ở Tây Nguyên phía Tây. Khi đấy chúng tôi đã tính đến phương án thực hiện dự án theo ODA Nhật Bản, nhưng không ngờ nội lực của Việt Nam lại làm được hầm Đèo Cả. Tôi rất khâm phục, ngưỡng mộ tài huy động nguồn lực, nhân lực, vật lực, tài lực của ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả. Hầm Đèo Cả khơi thông đã tạo diện mạo mới cho Phú Yên từ đó tạo ra sự kết nối quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ”.
Chính phủ đã đặt ra đến năm 2030 phải có 5.000 km đường cao tốc. Khối lượng công việc khổng lồ cho ngành giao thông, mở ra cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này để hoàn thành nhiệm vụ không hề đơn giản mà Chính phủ đã đặt ra.
Tập đoàn Đèo Cả triển khai dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo. (Nguồn: Internet) |
Trên thực tế, tại dự án cao tốc Bắc – Nam và nhiều dự án đường cao tốc nối kết các địa phương đang phải đối diện với nhiều rào cản, khó khăn, thách thức. Đó là bão giá vật liệt, những vướng mắc về cơ chế chính sách… Từ sự thành công của hầm Đèo Cả, những công trình Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện thành công như là một niềm tin, một công thức thành công.
“Nhìn từ công trình hầm Đèo Cả, Bắc Giang – Lạng Sơn, Trung Lương – Mỹ Thuận, chúng ta rút ra bài học rằng, bất cứ khó khăn nào nếu có sự tham gia của nhà đầu tư có năng lực, sự quyết tâm của địa phương và quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước (ở đây là Bộ Giao thông Vận tải) thì có thể hoá giải các rào cản để thực hiện thành công các dự án”, ông Hồ Quang Lợi chia sẻ.
Nguồn: Báo xây dựng