Quảng Nam: Nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm có bị biến tướng khai thác cát ?

Quảng Nam: Nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm có bị biến tướng khai thác cát ?

Đinh Nga –  Thứ ba, 23/08/2022 07:18 (GMT+7)

Nạo vét có thời hạn cả năm với diện tích gần bằng mỏ cát lại được UBND huyện Duy Xuyên giao cho công ty mới “xuất hiện” trên lĩnh vực nạo vét. Ngày ra quân đem hàng chục thiết bị máy móc khủng nhất đến hoạt động khiến người dân bất an.

 Thời gian gần đây, dư luận quan tâm người dân thôn Bàn Nam (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) phản đối về việc nhiều ghe, thuyền công suất lớn đến hút cát gần khu vực dân cư sinh sống, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Phóng viên thực địa hiện trường, ghi nhận ý kiến người dân và thông tin từ cơ quan công quyền để làm rõ về sự việc này.

tm-img-alt
Người dân thôn Bàn Nam xã Duy Châu tụ tập phản đối việc nạo vét kênh mương bằng cơ giới hạng nặng.

 Để tìm hiểu vụ việc, PV đến thôn Bàn Nam thì đâu đâu cũng nghe người dân bàn tán về việc doanh nghiệp sử dụng cơ giới hóa hạng nặng nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn, lấy đi một lượng lớn khoáng sản là cát và sỏi, ẩn họa nguy cơ gây sạt lở bờ sông. Vì điều này mà nhiều hộ dân làm đơn kiến nghị tập thể gửi đến cơ quan ngôn luận, cùng chính quyền địa phương.

Theo tìm hiểu của PV, việc nạo vét xuất phát từ chuyện thôn Bàn Nam thiếu nước tưới trong 2 vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu. Hằng năm, UBND huyện Duy Xuyên phải bỏ ra khoản kinh phí khơi thông dòng chảy từ sông chính vào bể hút của Trạm bơm Cù Bàn. Trước thực trạng này, các ngành ở tỉnh Quảng Nam kiểm tra công tác chống hạn,  có ý kiến về việc nạo vét kênh mương cho thật bài bản.

Trên cơ sở đề nghị của xã và huyện, tỉnh Quảng Nam cho phép nạo vét, giao UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai thực hiện, dự án bộc lộ những điều bất bình thường khiến người dân đặt nghi vấn về việc lợi dụng cải tạo kênh dẫn nước để khai thác khoáng sản.

tm-img-alt
Người dân thôn Bàn Nam xã Duy Châu  phản đối việc nạo vét kênh mương bằng cơ giới hạng nặng.

Theo người dân thôn Bàn Nam, đầu tháng 8/2022, có hơn 10 tàu công suất lớn có sức chứa hàng trăm khối kéo đến hút cát chở đi bằng đường sông. Ban đầu bà con cứ tưởng là hút cát trộm nên ra ngăn cản và báo chính quyền địa phương. Nhưng tìm hiểu ra mới biết, việc hút cát này là thuộc dự án nạo vét kênh dẫn cho trạm bơm Cù Bàn.

Điều bà con không hiểu là tại sao khi họp dân thông báo chủ trương nạo vét thì nhà thầu bảo là sẽ hút cát tập kết tại bãi rồi sử dụng xe cơ giới vận chuyển đi. Nhưng khi bắt tay thực hiện thì lại cho thuyền đến hút cát chở đi, việc này có làm thất thoát tài nguyên khoáng sản?

tm-img-alt
Đơn vị thi công triển khai máy móc nạo vét kênh mương ở xã Duy Châu.

Ông Hồ Cước (61 tuổi, trú tổ 5, thôn Bàn Nam) có nhà sát bờ sông Thu Bồn (đoạn gần trạm bơm Cù Bàn) cho biết: “Bà con chúng tôi không phản đối chủ trương nạo vét kênh mương lấy nước tưới tiêu, nhưng mong chính quyền xem xét lại. Trước đây, quê tôi đã từng “bay” mất 1 xóm rồi, chúng tôi sợ sạt lở nữa nếu triển khai nạo vét cơ giới hạng nặng như thế này. Hôm họp dân tôi có dự, trình bày ý kiến lo sợ lở xóm làng. Vấn đề khai thông mương dẫn nước tưới tiêu vào trạm bơm Cù Bàn, cho 1 máy hoạt động, phục vụ cánh đồng thôn Bàn Nam ở xã Duy Châu thì có nhất thiết phải mở rộng đến 60m hay không? Đây là việc làm bất bình thường, dân tôi đa phần lao động nghèo, mưu sinh sông nước, nếu xảy ra sạt lở trôi nhà, trôi cửa thì biết đi đâu”, ông Cước lo lắng.

tm-img-alt
Ông Hồ Cước lo lắng về việc sạt lở nhà cửa khi nạo vét bằng cơ giới hạng nặng.

Vấn đề người dân thôn Bàn Nam bất an đó là việc quy mô nạo vét của dự án quá lớn, chỉ khởi thông dòng chảy dẫn nước vào trạm bơm mà chủ đầu tư là UBND huyện Duy Xuyên lên phương án nạo vét trên tuyến 377,94m, rộng 60m (phía hạ lưu 20m và thượng lưu 40m), chiều sâu luồng nạo vét từ 1,28m đến 3,1m. Và trong phạm vi dự án 2,93ha, đơn vị thi công được phép khai thác hơn 66 ngàn khối cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường. Nếu làm theo phương án này thì sẽ tạo ra một nhánh sông nhỏ chảy thẳng vào trạm bơm Cù Bàn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cho hàng trăm ngôi nhà của người dân thôn Bàn Nam vào mùa mưa lũ.

tm-img-alt
Toàn cảnh hiện trạng khu vực nạo vét kênh mương ở thôn Bàn Nam.

Dự án khơi thông dòng chảy phục vụ trạm bơm tưới tiêu cho khoảng 40ha ruộng thôn Bàn Nam, chiều dài có hơn 300m mà thời gian tới 12 tháng. Thêm nữa, công suất khai thác là 6.018m3 nguyên khối/tháng nhưng đơn vị thi công lại được phép huy động máy móc khủng, chẳng khác gì mỏ khai thác cát gồm: 3 máy xúc, 2 máy ủi, 3 máy hút cát, 15 ô tô vận chuyển… Điều này càng khiến dư luận đặt câu hỏi về sự biến tướng để khai thác cát ở đây.

Ông Trần Kim Anh (63 tuổi, trú tổ 6 thôn Bàn Nam), có 1,5 sào ruộng và 300m2 đất màu đang sử dụng nguồn nước tưới từ trạm bơm Cù Bàn cho hay, năm này thuận trời, chưa mưa lớn nên gần 40ha đất ruộng ở thôn Bàn Nam không thiếu nước tưới.

 Hằng năm, ruộng ở thôn Bàn Nam sản xuất 2 vụ lúa (Đông xuân và Hè thu), nước từ trạm bơm thiếu chủ yếu vào dịp cuối Đông xuân, đầu Hè thu. Nguyên nhân là mùa hè khô hạn, thủy điện tích nước, cồn bị bồi cát, dòng thì lớn mà bị bồi phía trong nên nước từ sông Thu không vô trạm bơm được. Mỗi lần như vậy, UBND xã thuê xe đào, xe múc lên múc lấy nước cho dân làm ruộng.

tm-img-alt
Cánh đồng lúa thôn Bàn Nam đã sắp vào vụ thu hoạch không cần nước tưới tiêu.

Cũng theo ông Anh, vừa qua, có hàng chục ghe, tàu công suất lớn hút cát chở đi bằng đường thủy. Dân lo sợ hút nhiều gây sạt lở đất nên đã phản đối. “Khai thác cát, khơi thông dòng chảy dân ủng hộ nhưng với điều kiện phải đúng mùa vụ. Bữa nay cuối vụ, lúa đã trổ bông, không cần nước nữa.Chừ hút rồi, mai kia lụt xuống sẽ có 2 khả năng, một là bồi lấp lại như cũ, hai là sạt lở nơi ăn chốn ở của dân. Vậy thì mục đích việc khơi thông thời điểm này là phục vụ trạm bơm hay là cái cớ để khai thác cát?”, ông Anh đặt câu hỏi nghi vấn.

tm-img-alt
Người dân thôn Bàn Nam lo lắng sạt lở đất khi triển khai nạo vét vét mương dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 24/5/2022, ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký ban hành văn bản số 3260/UBND-KTN về việc “Nạo vét  bồi lấp kênh dẫn vào Trạm bơm Cù Bàn xã Duy Châu và khơi thông dòng chảy sông Bà Rén đoạn qua trạm bơm Vạn Buồng xã Duy Trinh kết hợp thu hồi khoáng sản.

Theo đó, UBND tỉnh thống nhất cho UBND huyện Duy Xuyên (cơ qua quyết định đầu tư dự án) chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, đảm bảo công khai, minh bạch để ký kết hợp đồng thực hiện dự án nạo vét khơi thông tuyến kênh dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn xã Duy Châu và Dự án nạo vét khơi thông sông Bà Rén (đoạn qua trạm bơm Vạn Buồng xã Duy Trinh) theo hình thức xã hội hóa, kết hợp thu hồi khoáng sản.

tm-img-alt
Ngày 24/5/2022, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản thống nhất cho UBND huyện Duy Xuyên chọn nhà đầu tư có năng lực thi công dự án nạo vét.

Trước khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam một tháng 20 ngày (ngày 4/4/2022), UBND huyện Duy Xuyên, trực tiếp là ông Nguyễn Thế Đức (Phó chủ tịch huyện) ký Quyết định số 1745/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa cho đơn vị thực hiện phương án nạo vét bồi lấp kênh dẫn Trạm bơm Cù Bàn xã Duy Châu là Cty TNHH Xây dựng An Long.

Trong quyết định này, ngoài chủ trương chung, UBND huyện Duy Xuyên căn cứ Thư mời phương án thực hiện nạo vét của BQL dự án Quỹ đất huyện ngày 30/3/2022 và Đơn xin nhận thầu thực hiện phương án nạo vét và tận thu vật liệu sau nạo vét đối với phương án nạo vét bồi lấp kênh dẫn Trạm bơm Cù Bàn và nạo vét khơi thông dòng chảy sông Bà Rén (đoạn qua trạm bơm Vạn Buồng xã Duy Trinh) của Cty TNHH Xây dựng An Long gửi ngày 1/4/2022. Cùng trong ngày 4/4/2022, BQL dự án Quỹ đất huyện (đại diện chủ đầu tư) ký hợp đồng nguyên tắc với Cty TNHH Xây dựng An Long và Phòng Tài chính Kế hoạch của huyện có tờ trình gửi UBND huyện phê duyệt quyết định này.

tm-img-alt
Trước khi có ý kiến chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam một tháng 20 ngày, UBND huyện Duy Xuyên đã ký quyết định phê duyệt đơn vị thực hiện dự án. 

Liên lạc với ông Nguyễn Thế Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên để tìm hiểu về việc lựa chọn nhà thầu thi công dự án nạo vét kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn được biết, chỉ Cty TNHH Xây dựng An Long có đơn xin nhận thầu thực hiện phương án nạo vét. Vì đây là dự án không thông qua đấu thầu nên huyện đã chỉ định Cty TNHH Xây dựng An Long thực hiện. Việc lựa chọn đơn vị nhà thầu này huyện đã có báo cáo lên UBND tỉnh và được sự thống nhất.

 Cũng theo ông Đức, quá trình thực hiện dự án, phía nhà thầu đã hoàn thành các khoản nghĩa vụ tài chính theo quy định, hiện đã nộp được khoảng 400 triệu đồng. Riêng khoản thu ngân sách cho địa phương huyện Duy Xuyên và xã Duy Châu, nhà thầu chưa thi công nên chưa đóng góp. Hiện nay, dự án đang tạm dừng để chính quyền vận động, giải thích cho người dân địa phương hiểu và ủng hộ.

Điều khiến dư luận nghi vấn là có hay không việc chủ đầu tư là UBND huyện Duy Xuyên “ưu ái” cho nhà thầu là Cty TNHH Xây dựng An Long. Bởi, khi chưa có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam về việc lựa chọn phương án, nhà thầu thì huyện đã ký quyết định phê duyệt chọn nhà thầu này?

Cty TNHH Xây dựng An Long là đơn vị nào, năng lực ra sao mà huyện lại vội “cầm đèn chạy trước ô tô”, mới nộp đơn xin nhận thầu 3 ngày đã ký quyết định phê duyệt dù chưa được tỉnh thống nhất chủ trương. Theo tìm hiểu của phóng viên, Cty TNHH Xây dựng An Long đăng ký hoạt động tại địa chỉ số 86 Trương Chí Cương, khối phố Mỹ Hòa, Thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên được hơn 2 năm.  Ngày đăng ký hoạt động của công ty là 22/2/2020, lĩnh vực chính xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.   

tm-img-alt
Đơn vị thi công tập trung máy móc, phương tiện nạo vét bồi lấp kênh dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn.

Thiết nghĩ, việc triển khai thực hiện dự án nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn phục vụ sản xuất nông nghiệp là chủ trương đúng, hợp lòng dân của UBND tỉnh Quảng Nam. Việc UBND huyện Duy Xuyên hiện thực hóa chủ trương này lại gây băn khoăn, lo lắng cho người dân là điều cần phải được xem xét cẩn trọng thấu đáo, tìm được sự đồng thuận giữa chính quyền với nhân dân. Đặc biệt là không được để xảy ra tình trạng lợi dụng danh nghĩa thi công công trình phục vụ phát triển kinh tế để lạm thu tài nguyên khoáng sản, tác động xấu đến môi trường sống người dân./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích