Không nương tay với đơn vị chây ì bảo hiểm

Nhiều doanh nghiệp cố tình “chây ì”

Tại Hà Nội, theo danh sách công khai các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN từ 1 tháng trở lên trong tháng 7/2022 (số liệu tính đến hết 31/7/2022, lấy ngày 7/8/2022), có 54.122 đơn vị còn nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Trong số này, có thể kể đến: Công ty cổ phần Anh ngữ APAX (Tầng 10 Tòa nhà 14 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình) nợ 30 tháng tiền đóng của 483 lao động với số tiền 48,513,066,673 đồng; Công ty cổ phần LILAMA3 (Số 86 đường Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) nợ 98 tháng của 70 lao động số tiền 41,734,358,197 đồng; Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment (Khu Công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) nợ 38 tháng của 701 lao động số tiền 32,810,592,438 đồng; Công ty cổ phần Cầu 12 (số 465 Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Đồng, quận Long Biên) nợ 66 tháng của 30 lao động số tiền 29,950,997,834 đồng…

Không nương tay với đơn vị chây ì bảo hiểm
BHXH thành phố Hà Nội và Công an Thành phố dự Hội nghị ký Quy chế phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Bộ Công an đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH.

Cũng theo số liệu tính đến 31/7/2022 (lấy ngày 7/8/2022), hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 150 doanh nghiệp, đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN từ 6-24 tháng của 5.541 lao động với số tiền nợ là 71,730,551,600 đồng. Trong số này, có thể kể đến một số đơn vị, như: Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á (Tòa nhà Việt Á, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) nợ 18 tháng của 92 lao động với số tiền 2,786,686,726 đồng; Công ty cổ phần Nhựa cao cấp Hàng Không (ngõ 200, đường Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề, quận Long Biên) nợ 6 tháng của 196 lao động số tiền 1,768,884,804 đồng; Công ty CP Gốm xây dựng Hữu Hưng (đường Chùa Tổng, La Phù, huyện Hoài Đức) nợ 12 tháng của 91 lao động số tiền 1,654,792,888 đồng; Công ty cổ phần Long Mã (Cụm Công nghiệp Thanh Oai, Bích Hòa, huyện Thanh Oai) nợ 7 tháng của 145 lao động số tiền 1,448,257,715 đồng…

Có thể nói, việc các doanh nghiệp, đơn vị để nợ đọng số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động và sự tôn nghiêm của pháp luật. Báo cáo với BHXH Việt Nam và Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội về vấn đề nợ đọng BHXH, ông Nguyễn Đức Hòa – Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Trên thực tế, cũng có doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là các doanh nghiệp du lịch, thương mại. Tuy nhiên, vẫn còn có những doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh, cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng BHXH và không chấp hành các Quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra.

Kiên quyết xử phạt, lập hồ sơ gửi cơ quan điều tra

Bàn đến các giải pháp tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ đọng BHXH, tại Hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT của lãnh đạo BHXH với 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An diễn ra cuối tuần qua, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu – Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu.

Cụ thể, với nhóm tham gia BHXH bắt buộc, cần thường cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đơn vị, số lao động chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc để xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển. Đồng thời, mở hội nghị tư vấn, đối thoại với đơn vị chưa đóng, chưa đóng đầy đủ BHXH, BHYT bắt buộc cho người lao động. Quán triệt, thông tin đến đơn vị sau 10 ngày kể từ ngày tham dự hội nghị, nếu cố tình không tham gia, sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, xử lý vi phạm, yêu cầu khắc phục hậu quả vi phạm.

Ông Hào cũng đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung khai thác triệt để dữ liệu từ cơ quan Thuế, hướng dẫn cán bộ khai thác tốt dữ liệu để đưa ra các giải pháp quản lý tối ưu nhằm phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc. Tăng cường rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu, xác định rõ số lượng doanh nghiệp và tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện phải tham gia BHXH; số doanh nghiệp đang hoạt động, tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể, đã giải thể, chờ phá sản, đã phá sản; xác định rõ số lượng lao động thuộc đối tượng phải tham gia, không thuộc đối tượng tham gia.

Với mục tiêu kiên quyết khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, cũng như khắc phục việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị còn chưa nghiêm tại nhiều địa phương, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố hằng tháng báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động, kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý; tập trung đẩy mạnh thanh tra đột xuất đối với những đơn vị nợ thời gian dài, đặc biệt tại các đơn vị có số nợ lớn, kiên quyết phối hợp xử lý, chấn chỉnh các cá nhân, đơn vị vi phạm chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đã ban hành văn bản, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố cần quyết liệt vào cuộc giải quyết nợ BHXH. Cụ thể, cần phân công lãnh đạo, cán bộ thường xuyên bám sát, nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động, chú trọng đơn vị có sử dụng nhiều lao động, số tiền thu lớn; xây dựng cơ sở dữ liệu những đơn vị chậm đóng lớn chiếm 80% số tiền chậm đóng của địa bàn quản lý (hoàn thành trước 30/8/2022).

Lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường, linh hoạt trong triển khai thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên theo quy định. Giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng nghiệp vụ liên quan trong việc xây dựng kế hoạch và tiến hành triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Cụ thể: Phòng Quản lý thu: Định kỳ trước ngày 10 hàng tháng cung cấp danh sách các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên cho Phòng Thanh tra – Kiểm tra. Với Phòng Thanh tra – Kiểm tra: Căn cứ danh sách đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên do Phòng Quản lý Thu cung cấp, rà soát, tham mưu Giám đốc BHXH tỉnh thành lập Đoàn thanh tra đột xuất tại các đơn vị theo quy định. Hằng tháng, trước ngày 11, tổng hợp kết quả báo cáo BHXH Việt Nam (qua vụ Thanh tra – Kiểm tra).

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN được phát hiện thông qua thanh tra đột xuất; đặc biệt đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, để làm cơ sở xem xét, lập hồ sơ gửi cơ quan điều tra để kiến nghị khởi tố đối với những hành vi có dấu hiệu vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Đối với đơn vị đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thực hiện hoặc cố tình chây ì không thực hiện thì ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền được quy định tại Khoản 44 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với các đơn vị đã hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng không thực hiện thì tiếp tục đôn đốc khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 36 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, lập danh sách báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng./.

Bảo Duy

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích