Bộ Xây dựng: Tháo gỡ khó khăn để thực hiện “mục tiêu kép”
(Xây dựng) – Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng của virus có tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, ảnh hưởng nhiều đến các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó có ngành Xây dựng.
Bộ Xây dựng thực hiện rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ đối với một số vướng mắc, bất cập nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh ứng phó, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa, nguồn: Internet). |
Trước những thách thức đặt ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021. Bộ Xây dựng cũng đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp, nhiệm vụ thực hiện “mục tiêu kép”, đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Hoàn thiện thể chế để ứng phó đại dịch
Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ đối với một số vướng mắc, bất cập nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh ứng phó, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao (đã có Văn bản số 69/BXD-PC-m ngày 13/4/2020, Văn bản số 2205/BXD-PC ngày 15/6/2021 gửi Bộ Tư pháp tổng hợp).
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Văn Sinh: Với mục tiêu sớm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Xây dựng đã đề xuất, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020; trong đó, đã quy định một số nội dung có hiệu lực sớm hơn (kể từ ngày 15/8/2020), bao gồm: Thẩm quyền thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư (thay vì của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công). Miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng.
Bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2020 có nhiều quy định đổi mới, đột phá, đáp ứng yêu cầu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ một số dự án đầu tư công, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về xác định chi phí đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 17/7/2020 về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 02/2020/TT-BXD ngày 20/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Thông tư có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đã tập trung nguồn lực soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thay thế Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực tiễn.
Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị định góp phần để giải quyết các bất cập, đẩy nhanh trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, bất động sản, hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản với mục đích cân đối cung cầu, cân đối cơ cấu sản phẩm bất động sản trên thị trường để hạn chế tình trạng đầu cơ như: Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định số 09/2021/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng; Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội…
Về lĩnh vực thuế trong hoạt động xây dựng, Bộ cũng đã đề xuất doanh nghiệp xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, được Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất giảm 50% mức thu phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở; mức thu phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng; mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động xây dựng; được Bộ Tài chính tổng hợp, ban hành Thông tư số 34/2020/TT-BTC ngày 05/5/2020 quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng (từ ngày 05/5/2020 đến hết ngày 31/12/2020), Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 (từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021), Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021).
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để báo cáo Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị tư vấn xây dựng, các nhà thầu thi công xây dựng để hạn chế, khắc phục những thiệt hại do dịch Covid gây ra trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các Cục, Vụ chức năng biên soạn, hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch Covid -19. |
Triển khai hỗ trợ người lao động, các đối tượng khó khăn
Bộ Xây dựng đã khẩn trương nghiên cứu và ban hành Quyết định số 212/QĐ-BXD ngày 01/3/2021, hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn nêu trên có thể tham khảo và áp dụng cho các dịch bệnh truyền nhiễm khác đúng theo yêu cầu của Chính phủ tại Thông báo số 142/TB-VPCP về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến trong tình huống khẩn cấp dịch Covid-19.
Đồng thời, Bộ cũng đã chỉ đạo xây dựng kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch Covid-19 tại trụ sở Bộ Xây dựng; hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp trong đơn vị; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, không để gián đoạn, đặc biệt là những nhiệm vụ, công việc có thời hạn. Đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Xây dựng; ủng hộ hơn 01 tỷ đồng vào Quỹ vắc-xin của Trung ương.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã triển khai Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021; Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 3103/BXD-QLN ngày 26/6/2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn bản số 4987/BXD-QLN ngày 14/10/2020, Văn bản số 2671/BXD-QLN ngày 14/7/2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội và phân bổ nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đặc biệt, ngày 30/6/2021, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2472/BXD-QLN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp, trong đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 41/NQ-CP, Nghị quyết số 84/NQ-CP (khoảng 3.000 tỷ đồng) để phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội) vẫn chưa được bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Theo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị dự toán trực thuộc thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm từ 50 – 70% kinh phí hội nghị, công tác trong nước, ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020 và 2021. Đặc biệt là các khoản mua sắm chưa thực sự cần thiết. Số liệu báo cáo cho thấy, Bộ Xây dựng đã cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí là 4.579,761 triệu đồng (năm 2020) và 6.928,611 triệu đồng (năm 2021).
Bộ Xây dựng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ đưa ra các giải pháp khắc phục hậu quả, tháo gỡ khó khăn và quyết tâm đưa ngành Xây dựng cả nước vượt qua đại dịch.
Nguồn: Báo xây dựng