Thực thi Nghị định 45 xử phạt vi phạm về môi trường và góc nhìn từ các tỉnh miền Trung: Thách thức từ phát triển kinh tế ven biển

(TN&MT) – Sự phát triển của các khu kinh tế (KKT) biển, cụm công nghiệp ven biển… đã dẫn đến tập trung nhiều nhà máy, gia tăng nước thải, chất thải rắn, tăng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường biển miền Trung. Nghị định 45/2022/NĐ-CP được áp dụng sẽ là công cụ đắc lực để các địa phương tăng hiệu quả bảo vệ môi trường (BVMT) trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Lo ngại ô nhiễm biển
Tận dụng lợi thế chiều dài bờ biển hơn 135km, có cảng biển nước sâu, những năm qua, sự có mặt của nhiều dự án công nghiệp lớn ở ven biển là cơ hội để Quảng Ngãi hiện thực hóa chiến lược xây dựng KKT Dung Quất thành trung tâm công nghiệp của cả nước. Song, để cân bằng lợi ích của doanh nghiệp, đời sống người dân và môi trường là điều không đơn giản.
Theo ông Nguyễn Đức Trung – Quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, KKT Dung Quất giữ vị trí chủ lực, góp phần ổn định và phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy vậy, có một số nhà máy đã đi vào hoạt động và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao… do không thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Nếu không kiểm soát chặt, sự phát triển của các khu kinh tế biển, cụm công nghiệp ven biển… có thể sẽ gây áp lực lớn đến môi trường biển.
Ngoài ô nhiễm tiếng ồn, bụi thì hiện tượng cây xanh đồng loạt chết khô, nước biển đổi màu bất thường trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân ở khu vực ven biển Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, nhiều tàu bè giao thương đi lại trên vùng biển tại khu vực này cũng tạo sức ép lên môi trường từ tình trạng ô nhiễm hữu cơ, dầu, rác thải nhựa… Cùng với đó, các hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ, các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển tại khu vực này cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc sử dụng tài nguyên nhiên nhiên, ảnh hưởng chất lượng môi trường biển nơi đây.
Mới đây, người dân thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn đã gửi đơn đến chính quyền địa phương, tha thiết kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp BVMT khi biết Nhà máy Bột – Giấy VNT19 khi đi vào hoạt động sẽ xả thải ra vịnh Việt Thanh. Mặc dù chủ đầu tư khẳng định việc xả nước thải ra vịnh Việt Thanh đảm bảo an toàn, nhưng từ sự cố môi trường tại một số dự án lớn ở miền Trung thời gian qua, chính quyền địa phương, người dân và các chuyên gia môi trường cũng hết sức lo ngại.
Theo PGS.TS Võ Văn Minh – Chuyên gia về môi trường, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, nước thải từ Nhà máy Bột – Giấy dù đã được xử lí đạt QCVN, nhưng màu sắc và các thành phần “chất lạ” vẫn khó kiểm soát hoàn toàn trước khi xả thải vào môi trường tự nhiên. Khi vận hành thử nghiệm hoặc sản xuất ở giai đoạn đầu, nước thải ra môi trường với số lượng lớn (dù đạt mức cho phép), chắc chắn sẽ gây “sốc” cho hệ sinh thái tự nhiên và có thể sẽ phát sinh “sự cố” ngoài ý muốn.
Khu vực miền Trung trải dài từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận có 11 KKT ven biển là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp nặng đang đặt ra nhiều thách thức ô nhiễm biển ảnh hưởng đến chất lượng sống và gây lo ngại cho người dân. Có thể kể đến sự cố môi trường ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế… đã gây khó khăn cho công tác quản lý và khắc phục hậu quả.
Tăng chủ động phòng ngừa vi phạm
Môi trường biển hiện đang bị suy thoái nghiêm trọng, nhất là hệ sinh thái vùng bờ. Nguyên nhân là do các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội vùng ven bờ diễn ra ồ ạt. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có những giải pháp phòng ngừa, kiểm soát và xử phạt nghiêm khắc để nâng cao ý thức BVMT của các doanh nghiệp ở các KKT, cụm công nghiệp ven biển.
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, mức phạt quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP sẽ có tính răn đe cao và tạo dư luận buộc các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh phải quan tâm, đầu tư cho môi trường, khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm và nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật về BVMT. Do vậy, thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn đầy đủ nội dung Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 45, Sở TN&MT sẽ đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với chủ đầu tư các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
“Hiện nay, toàn bộ dữ liệu, thông tin về chất lượng môi trường trên địa bàn đều được cập nhật tự động, thường xuyên về Sở TN&MT. Đây là cơ sở theo dõi, giám sát chất lượng môi trường, để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường phát sinh.” – ông Trung cho hay.
Còn tại Quảng Nam, để đảm bảo an toàn về môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng, tại khu vực KKT biển Chu Lai, Quảng Nam chú trọng áp dụng các công cụ pháp lý xử phạt liên quan đến hệ thống quản lý, kiểm tra, kiểm soát môi trường biển với các tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường, quan trắc cảnh báo môi trường, xác định các điểm nóng môi trường,…
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát, xử lý các nguồn gây ô nhiễm được quản lý chặt chẽ hơn và đặc biệt, tỉnh Quảng Nam không cho phép các dự án đầu tư xả nước thải sau xử lý trực tiếp ra biển mà phải qua các hệ thống sông trung gian để kiểm soát. Trong tương lai, với xu thế phát triển các KKT ngày càng mạnh, ngành môi trường của tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả kiểm soát môi trường biển để đáp ứng được nhu cầu phát triển theo tinh thần “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”.
LAN ANH
Tiếng nói từ các địa phương trên lộ trình thực hiện Nghị định 45