Tuần 23-28/8: VN-Index sẽ điều chỉnh quanh vùng 1.200-1.250 điểm
‘Về kỹ thuật, VN-Index đã kết thúc sóng hồi phục để bước vào sóng điều chỉnh và khi kết thúc đợt điều chỉnh này, thị trường sẽ về vùng giá hấp dẫn để tích luỹ cổ phiếu trong trung, dài hạn.’
Ngày 20/8, dòng tiền lớn lao vào bắt đáy khiến thanh khoản trên sàn HoSE bùng nổ. (Ảnh: TTXVN) |
Tuần qua, thị trường chứng khoán có đợt điều chỉnh mạnh, VN-Index có ba phiên giảm và hai phiên hồi phục, lần lượt chạm mức cao nhất và mức thấp nhất trong tuần tại 1.379,7 điểm và 1.317,52 điểm. Cả tuần, VN-Index đã mất 27,62 điểm (-2%) và về mức 1.329,43 điểm.
Trái lại, HNX-Index nối tiếp tuần thứ tư đi lên với mức tăng nhẹ 1,1 điểm (+0,3%), tiến tới mức 338,06 điểm, trong đó có ba phiên tăng và hai phiên giảm.
Thanh khoản kỷ lục
Trong phiên giao dịch chốt tuần (ngày 20/8), thị trường chứng khoán lao dốc với mức thanh khoản thị trường kỷ lục. Trong phiên, các nhóm cổ phiếu lớn, nhỏ lần lượt giảm xuống vùng giá thấp, theo đó dòng tiền lớn lao vào bắt đáy khiến thanh khoản trên sàn HoSE bùng nổ với giá trị khớp lệnh gần 36.800 tỷ đồng (cao nhất từ trước tới nay).
Tuy nhiên, sức mua khủng này cũng không thấm vào đâu so áp lực bán tháo trong ngày khi VN-Index mất tới 45,42 điểm, về 1.329,43 điểm. Trong phiên, nhóm cố phiếu trụ cột tác động chi phối đến đà lao dốc của thị trường, minh chứng là chỉ số VN30 để tuột đến 54,56 điểm với cả 30 mã giảm giá và về mức 1.450,45 điểm.
Tính chung cả tuần, thanh khoản trên hai sàn tiếp tục gia tăng và cao hơn mức trung bình 20 tuần, đạt khoảng 33.300 tỷ đồng/phiên. Trong đó, tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 141.420 tỷ đồng (tăng 18,7%), tương ứng khối lượng giao dịch lên 4.219 triệu cổ phiếu (tăng 14,2%). Bên cạnh đó, giá trị giao dịch trên HNX đạt 25.071 tỷ đồng (tăng 31,3%), khối lượng giao dịch 971 triệu cổ phiếu (tăng 21,8%).
Top 5 mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HoSE:
(*) Giá tham chiếu-Đơn vị: Nghìn đồng. |
Trên thị trường, hầu hết các nhóm ngành đều suy giảm, trong đó nhóm cổ phiếu dầu khí mất nhiều nhất với 6% giá trị vốn hóa, như PVD (-6,2%), BSR (-7,3%), PVD (-6,2%), PVS (-4,6%)… Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng giảm 4% giá trị vốn hóa, với các mã GAS (-5,9%), POW (-3,5%)…
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng cũng giảm 2,5% giá trị vốn hoá, như CTG (-4,7%), BID (-4,8%), TCB (-3,3%), ACB (-5%), SHB (-2,1%)… Nhóm tài chính cũng có mức giảm 2,5% với các cổ phiếu thuộc ngành con bất động sản như VIC (-1%), VHM (-9,9%)…, ngành con bảo hiểm như BVH (-1,8%)…
Về giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài, khối này quay lại bán ròng với giá trị 5.665 tỷ đồng trên HoSE với khối lượng ròng 107,84 triệu cổ phiếu. Trong đó, mã bị bán ròng mạnh nhất là SSI với 14,2 triệu cổ phiếu, tiếp theo là FUEVFVND với 12,7 triệu chứng chỉ quỹ. Ở chiều ngược lại, mã HSG là mã được khối ngoại mua ròng lớn nhất với 1,6 triệu cổ phiếu.
Trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 150 tỷ đồng với khối lượng ròng 2,73 triệu cổ phiếu. Trong đó, mã PVI là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với 4.6 triệu cổ phiếu và mã DXP bị bán ròng lớn nhất với 917.000 cổ phiếu.
Tiếp tục đi xuống trong ngắn hạn?
Theo nhóm phân tích từ Công ty chứng khoán MB (MBS), thanh khoản thị trường bùng nổ cao nhất kể từ trước tới nay cho thấy lực bắt đáy rất lớn, song giao dịch khối ngoại diễn ra không mấy tích cực với động thái bán ròng khối lượng lớn.
“Thị trường trong nước giảm cường độ mạnh hơn dự kiến rất nhiều. Riêng phiên cuối tuần, VN-Index đã bốc hơi toàn bộ thành quả trong hai tuần trước. Điểm tích cực lúc này là dòng tiền bắt đáy xuất hiện, nhờ đó đà rơi của chỉ số được hãm phanh. Các chỉ báo kỹ thuật ít có tác dụng với những phiên giao dịch mang tính tâm lý, nhà đầu tư cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp,” báo cáo của BMS chỉ ra.
Theo ghi nhận từ nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với tuần trước, cho thấy tâm lý muốn thoát khỏi thị trường của nhà đầu tư trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Và, VCBS dự báo dòng tiền có thể còn sụt giảm đáng kể trong tuần tới, khi nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, nhất là khi thị trường vẫn đang trong trạng thái thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
“Về kỹ thuật, VN-Index quanh ngưỡng 1.300 vẫn tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ cho xu hướng tích lũy của chỉ số. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc cộng thêm chỉ số VN Index liên tiếp thất bại trong việc chinh phục ngưỡng kháng cự 1.380 điểm, đang làm cho tâm lý nhà đầu tư dần thận trọng hơn. Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng về lợi nhuận nhằm bảo toàn thành quả đầu tư đồng thời quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới trước khi giải ngân trở lại,” VCBS khuyến nghị.
Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích, Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho hay VN-Index đã kết thúc sóng hồi phục để bước vào sóng điều chỉnh giảm. Tuy nhiên khi kết thúc đợt điều chỉnh này, thị trường sẽ về vùng giá hấp dẫn để tích luỹ cổ phiếu trong trung và dài hạn.
“Dự báo, trong tuần giao dịch ngày 23-28/8, thị trường có khả năng tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn với ngưỡng hỗ trợ tiếp trong khoảng 1.200-1.250 điểm. Nhà đầu tư đã chốt lời danh mục ngắn hạn trước đó có thể canh những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ trong khoảng 1.200-1.250 điểm để giải ngân trở lại. Những nhà đầu tư vẫn đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn không nên bán tháo trong những phiên giảm mà nên đợi những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng,” ông Thắng chia sẻ./.
Nguồn: Báo xây dựng