Ứng dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng tới tăng trưởng xanh

(Xây dựng) – Hiện tại, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam đã có trên 13.000 tiêu chuẩn có hiệu lực. Trong đó, các tiêu chuẩn được xây dựng và thay đổi theo hướng bảo vệ và thân thiện với môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh ở rất nhiều lĩnh vực.

ung dung cac tieu chuan quy chuan huong toi tang truong xanh
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Tiêu chuẩn ISO là hệ thống các quy tắc được chuẩn hóa quốc tế, nhằm hỗ trợ các tổ chức hoạt động và phát triển bền vững, từ đó giúp nâng cao giá trị của doanh nghiệp, tổ chức trong mọi lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ. Khi áp dụng các tiêu chuẩn ISO, chất lượng sản phẩm được làm ra đáp ứng được yêu cầu chất lượng của người dùng. Tùy vào ngành nghề, lĩnh vực mà có các bộ tiêu chuẩn ISO đặc thù riêng. Tiêu chuẩn ISO khi triển khai trong doanh nghiệp/tổ chức sẽ bao gồm tất cả các khâu sản xuất cũng như tổ chức nhân sự.

Hướng tới tăng trưởng xanh, ISO cũng một số tiêu chuẩn nhất định trong đó phải kể đến: Tiêu chuẩn ISO 50001 nhằm hỗ trợ các tổ chức/doanh nghiệp cải thiện hiệu quả việc sử dụng năng lượng, Tiêu chuẩn ISO 14030 nhằm đánh giá hiệu suất môi trường – Chứng khoán nợ xanh, ISO 14100 đánh giá các dự án tài chính xanh và ISO 14093 về cơ chế tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu và ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường.

Theo các chuyên gia, việc nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng là một xu thế tất yếu, góp phần quan trọng trong việc thực thi cam kết của Việt Nam tại COP26.

Theo ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam: “Thứ nhất, góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025. Đồng thời, hỗ trợ tạo thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện chương trình chuyển đổi thị trường về hiệu suất năng lượng cho ít nhất 5 sản phẩm phổ biến trên thị trường của Việt Nam theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030”.

Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: “Cứ 5 năm 1 lần, chúng tôi sẽ rà soát lại và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để cập nhật lại lộ trình dán nhãn năng lượng. Song song với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xây dựng lộ trình áp định mức năng lượng tối thiểu cho các thiết bị sử dụng năng lượng, xây dựng lộ trình loại bỏ các thiết bị mà có hiệu suất thấp, công nghệ cũ và thay thế vào đó là những công nghệ mới hơn”.

Các tiêu chuẩn có thể được hiểu đơn giản là một bộ quy tắc để đảm bảo chất lượng, quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn. Lợi ích thì đã thấy rõ. Nhưng ngược lại thì điều này cũng sẽ làm tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp. Trong khi nguồn lực tài chính thì hạn hẹp. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng khi luôn phải liên tục cải tiến hiệu năng.

ISO 50001 là một tiêu chuẩn quy định các yêu cầu cần thiết để lập kế hoạch, thực hiện, duy trì và liên tục cải thiện hệ thống quản lý năng lượng. Trong bối cảnh phát triển xanh là xu hướng không thể đảo ngược, các doanh nghiệp trên khắp thế giới cũng đang chuyển mình mạnh mẽ, thay đổi phương pháp sản xuất, cách thức vận hành, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, cải thiện chất lượng và quản lý môi trường, từ đó góp phần đáp ứng các mục tiêu tăng trường bền vững mà Chính phủ các nước đã cam kết.

Khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát cũng là lúc hoạt động sản xuất kinh doanh được nối lại, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Tuy nhiên, để giảm áp lực lên hệ thống cũng như giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn tư vấn và khuyến nghị các doanh nghiệp có thể điều chỉnh thời gian sản xuất, hạn chế vào giờ cao điểm.

Nâng cao nhận thức về lợi ích của tăng trưởng xanh chính là cơ sở quan trọng cho việc hình thành và xây dựng các kế hoạch hành động, chương trình, dự án cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo động lực cho tăng trưởng xanh. Trong đó, người dân và doanh nghiệp chính là chủ thể trung tâm.

Không chỉ các ngành Công nghiệp, ISO cũng đã ban hành một bộ tiêu chuẩn mới về tài chính xanh, đó là Bộ tiêu chuẩn ISO 14030 – Đánh giá hiệu suất môi trường – Chứng khoán nợ xanh. Các tiêu chuẩn mới mô tả những nguyên tắc, tiêu chí và hướng dẫn để có thể đủ điều kiện là trái phiếu và tín dụng “xanh” nhằm tài trợ cho các dự án hoạt động đủ điều kiện, đảm bảo việc giám sát và đánh giá tác động môi trường. Hiện nay, thị trường tài chính xanh đã và đang phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới.

Là nước đang phát triển nên tại Việt Nam các khu công nghiệp hiện đang xuất hiện ngày một nhiều. Điều đáng nói là, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có tới hơn 10% khu công nghiệp trong số đó chưa có khu xử lý nước thải tập trung. Nếu nước thải trong các khu công nghiệp này không được xử lý kịp thời và triệt để sẽ tác động rất tiêu cực tới môi trường. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc này, một khu công nghiệp tại Hải Phòng đã bỏ nhiều tâm huyết để xây dựng khu xử lý nước thải tập trung 2 trong 1, trông không khác gì một vườn sinh thái thu nhỏ. Đó là khu xử lý nước thải tập trung nằm ngay trung tâm của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền với công suất 2.000 m3/ngày đêm.

Ông Phạm Hồng Phát – Trưởng bộ phận Môi trường Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho biết: “Toàn bộ nước thải của các nhà máy trong khu công nghiệp được dồn về nhà máy xử lý tập trung này và chúng tôi vận hành theo tiêu chuẩn đã được quy định bởi cơ quan quản lý Nhà nước và khi nước đã xử lý thì đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đảm bảo là khi đưa ngoài môi trường thì không gây ô nhiễm. Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định rằng nước là nguồn tài nguyên, do đó nước sau khi chúng tôi xử lý xong thì chúng tôi dùng nó để tạo cảnh quan, nuôi cá rồi rửa đường, tưới cây trong khu công nghiệp”.

Không chỉ đảm nhiệm vai trò chính là xử lý nước thải, tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, với sự thiết kế tài tình của các kiến trúc sư Nhật Bản, khu xử lý nước thải này còn có một diện mạo vô cùng đặc biệt, hài hòa với thiên nhiên và thúc đẩy nhận thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.

Như vậy có thể thấy, càng sớm ứng dụng tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thì sẽ càng có nhiều điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút thêm và tạo được sự uy tín đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích