Vĩnh Phúc: Chấn chỉnh tình trạng dự án vi phạm quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng

(Xây dựng) – Tình trạng xây dựng công trình không phép; xây dựng và sử dụng công trình sai mục đích; xây nhà ở, nhà nghỉ trong đất dự án… là những vi phạm được phát hiện, chỉ ra tại nhiều dự án dịch vụ thương mại dọc các trục đường trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Để chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh tình trạng trên cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

vinh phuc chan chinh tinh trang du an vi pham quan ly quy hoach trat tu xay dung
Dự án cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, hàng may mặc và dạy nghề may của Hợp tác xã Tuấn Thành sử dụng sai mục đích.

Trong tổng số 195 dự án (179 dự án DDI, 16 dự án FDI) dịch vụ thương mại hai bên các trục đường được tỉnh chỉ đạo tổ chức kiểm tra việc thực hiện dự án đảm bảo tuân thủ quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, đề xuất xử lý các vi phạm, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra 180 dự án.

Còn 15 dự án chưa tiến hành kiểm tra, bao gồm 8 dự án không liên hệ được với chủ đầu tư; 3 dự án chủ đầu tư xin lùi lịch kiểm tra và 4 dự án chủ đầu tư không phối hợp với đoàn kiểm tra để tiến hành việc kiểm tra theo quy định.

Qua công tác kiểm tra cho thấy, đa số các dự án chỉ hoạt động từ 20-50% công suất, phần cơ sở vật chất còn lại (các nhà xưởng, nhà kho) thường bỏ trống hoặc cho các doanh nghiệp khác thuê để hoạt động ở lĩnh vực khác. Một số dự án chưa được triển khai trong nhiều năm như Dự án Nhà máy chế biến chè, địa điểm được giới thiệu ở Cụm kinh tế – xã hội Hợp Thịnh, xã Hợp Thịnh (Tam Dương), cạnh Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh, nhà đầu tư là Công ty TNHH Thế hệ mới.

Dự án Trung tâm giao dịch mua bán, giới thiệu sản phẩm ôtô, xe máy và các thiết bị phụ tùng máy nông nghiệp, địa điểm được giới thiệu ở vị trí nút giao giữa đường Tôn Đức Thắng kéo dài và đường vành đai 2, sát Nhà hàng hải sản Blue 3, nhà đầu tư là Công ty TNHH Thương mại Thái Sơn…

Gần như toàn bộ các doanh nghiệp được kiểm tra đều có vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, còn có những vi phạm về lĩnh vực đầu tư, đất đai, tài nguyên môi trường.

Những vi phạm chủ yếu liên quan đến trật tự xây dựng như tạo lập các công trình phụ (tường rào, nhà bảo vệ, nhà để xe…) nằm ngoài chỉ giới xây dựng, trên các hành lang an toàn giao thông hoặc trong phạm vi dự kiến mở rộng các tuyến đường. Xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng; sai giấy phép xây dựng được cấp; xây dựng thêm các công trình phụ hoặc kết nối các công trình chính với nhau để mở rộng diện tích sử dụng.

Điển hình như Công ty TNHH Lục Nam là chủ đầu tư dự án Tổ hợp khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận tải và sửa chữa ôtô, có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Dự án Nhà máy chế biến chè xuất khẩu An Sinh của Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Thủy Hiền cho doanh nghiệp khác thuê để sản xuất các loại bao bì; Dự án cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, hàng may mặc và dạy nghề may của Hợp tác xã Tuấn Thành cho doanh nghiệp khác thuê để chứa thép cuộn, sản xuất ốc vặn…

Theo Sở Xây dựng, hầu hết các vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng đều thuộc thẩm quyền xử lý của cấp huyện, do vậy, đề nghị các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, yêu cầu phải tháo dỡ ngay các công trình, bộ phận công trình vi phạm chỉ giới xây dựng, gây ảnh hưởng an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Đối với các công trình, bộ phận công trình nằm ngoài chỉ giới xây dựng, trong hành lang dự kiến mở rộng các tuyến đường nhưng không gây ảnh hưởng an toàn giao thông, có giấy phép xây dựng tạm nhưng đã hết hạn… thì có thể cho tháo dỡ dần, trong quá trình tồn tại, phải bảo đảm mỹ quan đô thị. Chủ đầu tư phải cam kết tự tháo dỡ và không được bồi thường tài sản vi phạm khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án.

Cùng với đó, Sở Xây dựng cũng kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát, cập nhật lại thông tin các dự án đầu tư và nhà đầu tư; việc hoạt động của các nhà đầu tư, bảo đảm việc hoạt động của các nhà đầu tư đúng mục đích theo chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; xử lý các vi phạm theo thẩm quyền. Kiểm tra việc sử dụng đất của các nhà đầu tư bảo đảm phù hợp theo chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị thu hồi đối với những nhà đầu tư sử dụng đất không đúng mục đích.

Đồng thời, hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục về đất đai đối với các trường hợp nhà đầu tư đã bồi thường giải phóng mặt bằng lớn hơn diện tích được giao, cho thuê và hoàn thiện các thủ tục về đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư muốn bổ sung hay chuyển đổi ngành nghề kinh doanh… để đảm bảo các dự án đầu tư hoạt động đúng quy định của pháp luật.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích