Cần thực hiện đồng bộ để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đi vào thực tế
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội đã lắng nghe đại diện nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu lên các vướng mắc và kiến nghị các giải pháp tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của DN.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (ngồi giữa) và Đoàn công tác của Quốc hội làm việc tại VCCI-Ảnhh:VGP/HT |
DN chưa tiếp cận được nhiều các chương trình hỗ trợ
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho hay, trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19, hầu hết các DN đều gặp khó khăn, lớn nhất là thiếu hụt dòng vốn trong khi việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng lại hạn chế. Cụ thể, khảo sát của VCCI cho thấy có tới 47% DN khó tiếp cận vốn, trong đó 4% phải huy động vốn từ các nguồn tín dụng khác.
Hiện nay, để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, DN phải có tài sản bảo đảm. Đây là điều kiện rất khó đáp ứng nhất, khi DN vừa trải qua hai năm khốn khó bởi dịch bệnh. Ngay cả khi được hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP, nhiều DN vẫn rất khó tiếp cận. Đáng lo ngại hơn, lãi suất cho vay nguy cơ tăng cao hơn khi lãi suất huy động đang tăng.
Chi phí đầu vào tăng cao cũng là một trong những khó khăn lớn của DN. Theo đó, từ đầu năm đến nay, các nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng rất nhanh, khiến chi phí kinh doanh của DN tăng cao. Mặc dù Chính phủ đã quyết liệt ban hành nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, giảm giá xăng, dầu – nguyên vật liệu cho nhiều ngành sản xuất, nhưng đến nay tình trạng giá nguyên liệu đầu vào ở một số ngành vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Lãnh đạo VCCI phân tích: Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, một trong những khó khăn mà DN phản ánh là tiếp cận, mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân xuất phát từ sự phức tạp của các thủ tục hành chính thuê chuyển nhượng đất đai (42,5%), quy hoạch đất đai của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của DN (39,3%), việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và địa phương “thiếu quỹ đất sạch”. Mặt khác, DN cũng bức xúc vì công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và việc xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định. Những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
Kiến nghị các giải pháp gỡ điểm nghẽn
Tại buổi làm việc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, trong quá trình phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh thời gian qua, DN tiếp tục phản ánh về tình trạng khó nhận được hỗ trợ từ những chính sách hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư.
Để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của DN những tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023, VCCI kiến nghị 8 giải pháp lớn cần thực hiện.
Thứ nhất, cần tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh, giảm thiểu tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư. Hiện nay, một số dự thảo luật quan trọng, tác động đến hoạt động đầu tư kinh doanh của nước ta đang được soạn thảo, như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Đây là cơ hội tốt để nhìn hệ thống pháp luật kinh doanh một cách tổng thể, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo đang tồn tại ở pháp luật hiện hành, cũng như là cơ hội lắng nghe ý kiến phản ánh của các DN – đối tượng thụ hưởng, thực thi các chính sách. Quá trình xây dựng các dự thảo cần tiếp tục tham vấn rộng rãi, công khai cộng đồng DN, có tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý cần được minh bạch để tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh.
Thứ hai, cần tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước, như lập phương án giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, tiếp tục nghiên cứu để giảm mức thuế suất ưu đãi thuế nhập khẩu xăng…
Thứ ba, nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19 cho DN. Tình trạng DN kêu khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cho thấy các điều kiện để vay vốn dường như chưa phù hợp với DN, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy cần có biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của DN để các chính sách hỗ trợ DN phục hồi thực sự phát huy hiệu quả.
Thứ tư, cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực. Do vậy, Quốc hội có thể triển khai các chương trình giám sát việc thực hiện các chương trình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực trong thời gian tới.
Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo. Có cơ chế phù hợp khuyến khích DN đầu tư vào các hoạt động đổi mới, sáng tạo, đồng thời cân bằng, hài hòa lợi ích của các bên trong nền kinh tế hướng tới phát triển bền vững.
Thứ sáu, cần đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN. Tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính có tác động lớn đến DN và còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các DN, như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động…
Thứ bảy, cần nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ. Việt Nam hiện có 15 FTA đang có hiệu lực trong đó có nhiều thị trường lợi thế khi các quốc gia cạnh tranh chính của Việt Nam chưa có FTA.
Thứ tám, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền các cấp. Cần có giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: “Thời gian tới, Quốc hội sẽ xem xét rất nhiều dự án luật quan trọng, có tác động rất lớn đến người dân, DN, như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… Để các luật sửa đổi đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội cần nghe được thông tin nhiều chiều, từ nhiều đối tượng, chủ thể khác nhau, trong đó có cộng đồng các DN, các doanh nhân. Đây là một trong những nguồn thông tin từ thực tiễn hết sức hữu ích với cả các bộ, ngành của Chính phủ, cũng như các cơ quan của Quốc hội. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đang tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát việc thực hiện các luật, việc ban hành các văn bản hướng dẫn luật”.
Lãnh đạo Quốc hội ghi nhận những trao đổi về kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và những vấn đề cần quan tâm của của DN trong năm 2022, tập trung vào môi trường đầu tư- kinh doanh, xây dựng hệ thống pháp luật. Đây là những thông tin rất quan trọng, hữu ích, giúp Quốc hội xem xét đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 tại kỳ họp thứ 4 tới đây bảo đảm sát thực hơn; đồng thời, các cơ quan của Quốc hội ghi nhận các thông tin, phục vụ tốt hơn nữa cho công tác làm luật.
Các đánh giá của DN cũng như của VCCI về các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành đã thực hiện nhằm hỗ trợ, khắc phục khó khăn sau dịch COVID-19; đồng thời là các đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ là hết sức cần thiết.
Nguồn: Báo xây dựng