Chiến lược tiêu chuẩn hoá – động lực quan trọng dẫn dắt, thúc đẩy phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia
Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia được dựa trên nguyên tắc thống nhất, tự nguyện và chia sẻ, đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý để bảo đảm hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam.
Đồng thời, thúc đẩy việc hình thành tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các Bộ ngành, địa phương; Định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia tập trung vào đồng thời giữa tiêu chuẩn và đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khu vực về tiêu chuẩn hóa theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Về mục tiêu Dự thảo Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030, tiêu chuẩn hóa trở thành một biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội; Phát triển nguồn nhân lực về tiêu chuẩn hóa cả về chiều rộng và chiều sâu nhằm nâng cao năng lực xây dựng tiêu chuẩn; Nâng cao vị thế của Việt Nam trên các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Số lượng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 70%;
Hoàn thành ban hành Danh mục tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các Bộ ngành, địa phương; Hoàn thiện khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch tiêu chuẩn cho các Bộ ngành; tối thiểu 3-5 Bộ ngành hoàn thành việc xây dựng kế hoạch này; Tối thiểu 20% tiêu chuẩn quốc gia mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp.
Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.
Tối thiểu 50% tiêu chuẩn quốc gia mới được phổ biến áp dụng sau khi được công bố; Phấn đấu đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 40% chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn tại các Bộ ngành, địa phương; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 20 trường đại học, trường cao đẳng, trường nghề;
Cử 1-2 cán bộ, chuyên gia tham gia vào các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, Ban thư ký/đồng thư ký/đồng trưởng nhóm công tác; chủ trì 1-2 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế; Phấn đấu Việt Nam trở thành thành viên của Ban chấp hành tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO; Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và cơ sở dữ liệu thông tin về hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.
Đến năm 2030, số lượng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 75%; Hoàn thành cơ bản hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; Tất cả các Bộ ngành hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch tiêu chuẩn; Tối thiểu 35% các tiêu chuẩn quốc gia mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai của các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp; Tối thiểu 70% tiêu chuẩn quốc gia mới được phổ biến áp dụng sau khi được công bố.
Phấn đấu đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 60% chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn tại các Bộ ngành, địa phương; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 35 trường đại học, trường cao đẳng, trường nghề; Cử 4-6 cán bộ, chuyên gia tham gia vào các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, Ban thư ký/đồng thư ký/đồng trưởng nhóm công tác; chủ trì 2-3 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế; Phấn đấu Việt Nam trở thành thành viên của TMB (Technical Management Board ) của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO; Hình thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng dữ liệu và hạ tầng kỹ thuật đảm bảo hệ thống thông tin về cơ sở dữ liệu Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn quốc gia được kết nối với bộ ngành địa phương.
Về nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược, thứ nhất là tập trung hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về hoạt động tiêu chuẩn hóa; Thứ hai, phát triển hệ thống tiêu chuẩn đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động tiêu chuẩn hóa; Thứ năm, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa; Thứ sáu, chuyển đổi số trong hoạt động tiêu chuẩn hóa.
Hà My