Hà Nội: Vi phạm tại các điểm đỗ xe, câu chuyện “biết rồi”, “xử lý rồi”, nhưng vẫn thế
(Xây dựng) – Thu tiền nhưng không ghi vé khi xe ôtô vào điểm đỗ, đỗ xe không đúng vị trí, bãi xe tự phát, trông giữ xe quá diện tích, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, cản trở giao thông, giao khoán doanh thu, thất thu ngân sách… là những vi phạm phổ biến ở nhiều điểm đỗ xe, bãi trông giữ xe trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Cảnh giao thông hỗn loạn trên phố Tuệ Tĩnh trưa ngày 19/8, 2 bên lề đường đậu kín xe ôtô gây cản trở giao thông. |
Phạt nhiều, vi phạm vẫn tái diễn
Những vi phạm kể trên diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” ở nhiều điểm đỗ, nhiều bãi xe có phép và trái phép tại Thành phố Hà Nội. Những tồn tại đó đã được báo chí, người dân phản ánh nhiều, cơ quan quản lý đã biết, đã kiểm tra, xử lý song vẫn tái diễn những vi phạm. Vậy đâu là lý do chưa thể giải quyết triệt để những vi phạm này? Liệu có lợi ích nhóm ở đây? Hay năng lực quản lý hạn chế?
Ghi nhận tại nhiều tuyến phố, phóng viên nhận thấy rất nhiều bến, bãi xe tự phát, trái phép như dọc 2 bên trục đường Nguyễn Xiển – Phạm Hùng là 1 ví dụ điển hình. Tại đây, nhiều ô đất dự án chưa triển khai xây dựng được xẻ ra làm cửa hàng bán ôtô cũ, bán cây cảnh, bãi xe tải gửi hàng hóa liên tỉnh với tần suất hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt xe ra vào mỗi ngày vừa gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Hoặc tại nhiều tuyến phố trung tâm, tình trạng đỗ sai vị trí, tăng diện tích, đỗ xe ôtô tại các tuyến đường có biển cấm, không đúng quy định như: Thu tiền không xé vé, không giao vé cho khách hàng. Ví dụ như tại điểm đỗ xe trên phố Giảng Võ, điểm đỗ khu vực trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước ở phố Lý Thái Tổ… do Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý, vận hành.
Tình trạng ôtô đỗ tùy tiện trên vỉa hè, dưới lòng đường thì đâu cũng gặp như khu vực các tuyến phố: Trần Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phố Huế, Quán Sứ, Hòa Mã, Ngô Văn Sở, Tuệ Tĩnh, Thể Giao, Tô Hiến Thành… Đáng nói, ở nhiều phố rất nhỏ, hẹp xong việc đỗ xe hàng dài ở cả hai chiều đường, khiến cho tình trạng giao thông ách tắc trầm trọng mỗi giờ cao điểm.
Nhiều tuyến phố nhỏ, hẹp như phố Tô Hiến Thành vẫn bị chiếm dụng tới ½ lòng, lề đường để đỗ xe hai chiều đường, gây ùn tắc giờ cao điểm. |
Thực tế, có tình trạng nhiều tuyến phố nhỏ chỉ được cấp phép trông giữ xe 1 chiều song các nhân viên trông giữ xe tận dụng luôn cả chiều còn lại để trông xe, thu tiền không đúng quy định, khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì chạy xe về bên được cấp phép, khi lực lượng chức năng rút quân thì đâu lại vào đó, đường công lại biến thành “đường của ông” gây mất trật tự an toàn giao thông.
Hiện nay, dư luận cho rằng, có tình trạng giao khoán thu cho nhân viên. Ví dụ, Công ty khai thác điểm đỗ xe có thể giao khoán bao nhiêu tiền/m2, nhân với tổng số m2 tại mỗi điểm đỗ, từ đó ra tổng số tiền phải nộp về công ty. Còn việc lời lỗ, nhân viên nhận khoán tự chịu. Chính vì vậy, tại các điểm đỗ, tùy vào sự quen biết, quan hệ mà có giá gửi xe theo tháng khác nhau. Có người phải đóng 2,2 triệu đồng, có người chỉ 1,5 triệu đồng, có người lại 2 triệu đồng… nhưng hầu hết đều không có ký hợp đồng gửi giữ, không có xuất hóa đơn thu tiền.
Từ đó, một vấn đề rất lớn đặt ra là có hay không thất thu ngân sách? Có hay không lợi ích nhóm? Thiết nghĩ, với cách quản lý lỏng lẻo như hiện nay thì cơ quan chức năng phải siết chặt, xử lý nghiêm, kiên quyết không qua loa, chiếu lệ.
Tại điểm đỗ xe trên phố Giảng Võ, nhân viên thu 50.000 đồng cho khoảng trên dưới 1 tiếng mà không trả vé cho khách (ảnh cắt từ clip). |
Về nguyên nhân dẫn tới tồn tại, vi phạm kéo dài thì có cả chủ quan và khách quan. Nếu nhìn vào các tồn tại điển hình dễ thấy rằng, nguyên nhân chủ quan mấu chốt có lẽ nằm ở ý thức. Ý thức ở đây đặt ra với 3 nhóm đối tượng: Một là ý thức chấp hành pháp luật của người dân (chủ phương tiện và các chủ bãi xe) chưa cao; hai là ý thức chấp hành quy định, quy chế đối với cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện việc trông giữ còn tùy tiện, hướng tới lợi ích cá nhân và ba là ý thức quản lý của một số đơn vị có trách nhiệm còn chưa ráo riết, chưa nghiêm túc mà vẫn nặng hình thức, chiếu lệ.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm, riêng lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải quận Hoàn Kiếm đã phạt 72 trường hợp trông giữ xe vi phạm với tổng số tiền phạt 200 triệu đồng; Tại quận Ba Đình chỉ có 23 bãi xe phục vụ công cộng hoạt động hợp pháp nhưng trong năm 2021, lực lượng chức năng của quận đã kiểm tra, xử lý 35 điểm trông giữ xe trái phép, giải tỏa 2 điểm tại ngõ 135 Đội Cấn và khu đất xây dựng ga S8 đường Cầu Giấy; Còn ở quận Hoàng Mai có 27 điểm trông giữ xe được cấp phép nhưng trong năm 2021, lực lượng của quận đã xử lý 82 điểm trông giữ xe trái phép.
Từ số liệu trên thấy rằng, những vi phạm, tồn tại ở các địa bàn về bãi xe, điểm đỗ đã được chính quyền phát hiện, xử lý nhưng vẫn tái diễn và không triệt để. Phải chăng việc xử lý vẫn còn nặng tính hình thức, cả nể, qua loa hay vì nguyên nhân nào khác?
Về khách quan, hiện nay hạ tầng, dịch vụ trông giữ, điểm đỗ xe còn rất khiêm tốn, đáp ứng mới được khoảng 10% nhu cầu. Tìm hiểu được biết, trong năm 2021, toàn Thành phố Hà Nội đã đăng ký mới 239.045 phương tiện giao thông; trong đó, có 60.926 ôtô, 171.797 môtô, 6.322 xe máy điện, nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên 7.531.839 phương tiện. Đó là chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh thành phố khác tham gia giao thông tại Hà Nội.
Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh vẫn còn rất thấp, mới chiếm 0,12% diện tích các quận nội thành và chỉ đáp ứng được 10% tổng nhu cầu đỗ xe toàn thành phố.
Tình trạng khan hiếm điểm trông giữ xe xảy ra nhiều nhất ở các quận nội thành. Theo thống kê, trên địa bàn 12 quận nội thành hiện có 590 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tập trung thì có đến 562 điểm trông giữ xe trên hè phố, lòng đường. Do vậy, một số người đã tranh thủ cơ hội mở các bãi xe trái phép hoặc chính những bãi, điểm đỗ được cấp phép có tình trạng thực hiện trông giữ không đúng quy định pháp luật.
Sai phạm do lòng tham?
Trao đổi với phóng viên, một vị lãnh đạo Ban kế hoạch – Đầu tư và phát triển – Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết: Thực tế vẫn có những tồn tại ở các điểm trông giữ xe do công ty khai thác. Về phía công ty, kế hoạch hàng năm được Tổng công ty vận tải phê duyệt, căn cứ vào đó, Công ty MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các đơn vị thực hiện theo tháng, quý, năm, không có chuyện công ty giao khoán cho người lao động như phản ánh. Cũng theo vị này, những người trông giữ xe thường chỉ học hết cấp 3, bổ túc… vì thế lời nói, câu nói và nhận thức của họ chưa thật chuẩn chỉ (?).
Góc đường Mạc Thái Tông – Phạm Hùng có khu đất hàng trăm m2 được sử dụng làm bãi đỗ xe, kho hàng, bến xe tải trung chuyển hàng hóa tự phát. |
Cũng theo Thông tư 04/TT-BXD của Bộ Xây dựng, đối với các tuyến đường rộng trên 14m được cấp phép đỗ xe 2 chiều. Thế nhưng, một số tuyến phố như Trần Kim Xuyến…Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội được Sở Giao thông vận tải cấp phép khai thác điểm đỗ xe cả 2 chiều.
Về phản ánh việc đỗ xe trên vỉa hè, đại điện công ty cho biết, các điểm đỗ xe trên vỉa hè do UBND các quận cấp, cần đảm bảo dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Những vỉa hè trên 10m thì có thể đỗ 2 hàng xe ôtô, ví dụ như đường Nguyễn Đình Chiểu quanh Công viên Thống Nhất đã đảm bảo các quy định về điểm đỗ.
Hiện nay, công ty có gần 600 cán bộ công nhân viên, trong đó đã xuất hiện, một số trường hợp “con sâu làm giàu nồi canh”, có tư tưởng, hành động sai lệch, vì thế công ty đã lập ra Ban kiểm tra quy chế để kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có) với các mức hình phạt từ khiển trách, cảnh cáo, trừ điểm chất lượng đến đuổi việc. Với các trật tự viên, không thực hiện đúng quy chế, không xé vé khi xe vào điểm theo đúng quy định, thì Ban kiểm tra quy chế sẽ kiểm tra, lập biên bản và báo cáo Giám đốc để có những hình thức vi phạm. Về phản ánh việc đỗ xe trái phép ở chiều đối diện, đại diện công ty khẳng định, công ty yêu cầu các nhân viên thực hiện trông giữ xe đúng quy chế của Thành phố, nếu có những trường hợp vi phạm thì Ban kiểm tra quy chế sẽ thực hiện việc kiểm điểm, kỷ luật theo quy định của công ty.
Cũng theo vị lãnh đạo này, với các nhân viên trông giữ xe, hầu hết là những người lao động trình độ thấp, trong nhiều trường hợp, có nảy sinh lòng tham và từ đó dẫn đến các trường hợp vi phạm như phóng viên phản ánh. Với các trường hợp này, công ty thực hiện răn đe, kiểm điểm, thắt chặt kỷ luật nội bộ, nếu có vi phạm xảy ra, công ty sẽ xử lý đúng theo quy định.
Để khách quan thông tin, phóng viên đã liên hệ với Sở Giao thông vận tải Hà Nội được bộ phận văn phòng thông báo lãnh đạo giao cho đồng chí tên Tùng có số điện thoại 0869.179.xxx công tác tại Phòng Kết cấu thông tin trả lời phóng viên, tuy nhiên khi liên hệ qua điện thoại thì ông Tùng trả lời, không nhận được chỉ đạo từ cấp trên.
Từ thực tế đó, chúng tôi cho rằng, cơ quan chức năng Hà Nội cần có biện pháp quyết liệt, đồng bộ, giám sát chặt chẽ, nâng chế tài để ngăn chặn tình trạng vi phạm tái diễn tràn lan tại các điểm đỗ, bãi giữ xe và các bến bãi tự phát. Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cần có biện pháp quản lý chặt cán bộ, nhân viên để ngăn chặn vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả hoạt động trông giữ xe, chống thất thu ngân sách từ hoạt động này. Dứt khoát không chấp nhận vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm (nếu có), không để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý.
Nguồn: Báo xây dựng